1.1.20

Review sách Bloomberg Tiền bạc, Trí tuệ & Công Việc

Bloomberg Tiền bạc, Trí tuệ & Công Việc
Tác giả: Michel R. Bloomberg

Về tác giả:
Michael Rubens Bloomberg là doanh nhân, tác gia, chính trị gia và nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Ông từng giữ chức thị trưởng Thành phố New York. Với khối tài sản 55 tỷ đô la Mỹ vào 2019, ông là người giàu thứ 7 ở Hoa Kỳ.

Review sách:
Một cuốn tự truyện về quá trình làm sao vượt qua đống đổ nát trở thành một người đứng đầu một đế chế truyền thông đầy quyền lực.
Qua những trang sách người đọc sẽ có được những trải nghiệm của ông và bí quyết để bản thân làm sao vượt qua khó khăn để đi lên. Bloomberg đã xây dựng một đế chế truyền thông mà không phải ai cũng có thể đạt được, và hơn cả, Bloomberg Tiền bạch, Trí tuệ & Công việc còn phác họa lại lịch sử tài chính Mỹ lúc đó.

Hành trình của người bị đuổi việc trở thành tỷ phú thế giới.
Bloomberg: Tiền bạc, trí tuệ và công việc là cuốn tự truyện của ông trùm truyền thông Michael R. Bloomberg (1942). Ông là người sáng lập tập đoàn Bloomberg L.P, một công ty truyền thông và dịch vụ tài chính toàn cầu. Ông từng là thị trưởng thành phố New York từ 2002-2013.

Trong tự truyện của mình, Bloomberg đã tái hiện những sự kiện có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời ông khá chi tiết, giúp độc giả có được những hiểu biết rõ ràng.
Chăm chỉ, cần cù là bí quyết của tất cả
Bloomberg sinh ra trong một gia đình trung lưu cần cù lao động, bố là kế toán ở công ty sữa và mẹ là người theo đảng phái Tự do với tư tưởng độc lập. Gia đình chưa bao giờ kỳ vọng chuyện ông có thể bước vào phố Wall hay bất kỳ nơi nào khác.

Thế nhưng từ nhỏ, cậu bé Bloomberg đã luôn làm việc chăm chỉ, ham học hỏi và phấn đấu không ngừng nghỉ. Theo Bloomberg, đó cũng chính là đức tính theo ông suốt quá trình trưởng thành sau này, giúp ông tạo dựng được những thành tựu trong sự nghiệp.
Ông theo học Đại học Johns Hopkins, và sau đó học hai năm thạc sĩ tại Đại học Harvard danh tiếng.
Với Bloomberg, hai năm học ở Harvard “thật đáng giá”. Ở đó, ông đã được học những nguyên lý cơ bản về kế toán, marketing, sản xuất, quản lý, tài chính và khoa học hành vi. Ông đã trưởng thành và sẵn sàng lao vào “thế giới tư bản”.

Sau khi tốt nghiệp, Bloomberg trở thành nhân viên cho tập đoàn Salomon Brothers & Hutzler. Lúc bấy giờ, ông nhận được số tiền 11.500 USD một năm trong đó có 9.000 USD tiền lương, và 2.500 nhận nợ (để ông có thể trả món nợ của Bộ Quốc phòng, ông đã vay để trả học phí cho việc học).
Ông bắt đầu tại Salomon với công việc “đếm chứng khoán bằng tay suốt mùa hè đầu tiên trong hầm chứa tiền”, sau đó được chuyển đến tầng giao dịch, với vai trò giao dịch viên. Trong suốt mười lăm năm làm việc tại Salomon, Bloomberg đã trở thành một thành viên trong Ban quản trị công ty.
Bloomberg chưa từng nghĩ sẽ nghỉ việc ở Salomon. Ông luôn nỗ lực hết sức, nắm bắt mọi cơ hội để thể hiện tài năng và sự cống hiến. Nhưng lịch sử đã đổi chiều. Những bước thăng tiến của ông tại Salomon đã đến hồi kết thúc.
Ở tuổi 39, sau 15 năm cống hiến, ông bị đuổi khỏi Salomon với 10 triệu đô la tiền bồi thường. Khi ấy, Bloomberg quyết định bắt đầu lại từ đầu, với công ty riêng của chính mình. Ban đầu công ty có tên là Innovative Market Systems, chuyên cung cấp các dịch vụ phần mềm tài chính.
Ông viết: “hạnh phúc với tôi luôn là sự hào hứng với những thứ mới lạ, thử làm những điều mọi người nói là không thể, cảm thấy cơn đau thắt trong dạ dày báo hiệu “nguy hiểm ở phía trước”. Cũng bởi tâm lý ấy, Bloomberg luôn trong trạng thái hành động và khát khao những thử thách.
Ông viết trong tự truyện rất kỹ về những ngày đầu khởi nghiệp đầy những khó khăn, nhưng điều Bloomberg tập trung lại chính là trạng thái hưng phấn của từng ngày làm việc. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, công ty của ông luôn khao khát tìm kiếm những điểm mới lạ, phát triển triệt để, liên tục sửa chữa, làm mới hàng ngày.
Sự kiện ông gọi là “chiều thứ hai định mệnh” diễn ra vào tháng 6/1983, khi công ty của ông đã tạo nên thiết bị máy tính cho phép “những người bình thường không có chuyên môn, có thể ngồi xuống, gõ phím và nhận được câu trả lời cho mọi câu hỏi về tài chính”. Đây là sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Và nó tạo nên bước ngoặt trong sự phát triển của công ty Bloomberg.
Trong thập niên 1990, Bloomberg L.P từng bước thành lập nhiều bộ phận truyền thông, trong đó có trang tin tức kinh tế Bloomberg, đài phát thanh Bloomberg, kênh truyền hình Bloomberg và tạp chí Bloomberg Markets.
Đến nay, Bloomberg L.P đã có hơn 200 văn phòng khắp thế giới với 15.000 nhân viên.
Con người là chìa khóa của thành công
Trong cuốn tự truyện của mình, Bloomberg nhắc đi nhắc lại vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự thành công hiện nay của Bloomberg L.P. “Tài sản quan trọng nhất của chúng tôi, đó là các nhân viên. Họ làm nên công ty”.

Thuật dùng người của Bloomberg cũng là điểm đặc biệt được truyền tải trong tự truyện của ông.
Ở công ty của ông, các nhân viên luôn làm việc với nụ cười trên môi. Tại sao? Ông đã lý giải những điều đó bằng những “kế sách” rất hữu ích, cung cấp cho những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp những kinh nghiệm tuyệt vời. Đồng thời, thúc đẩy họ, cổ vũ họ luôn trong tâm thế cống hiến, lao động hết mình.
Mặc dù Bloomberg không nói quá nhiều về gia đình và đời sống riêng tư, nhưng độc giả theo dõi cuốn sách, có thể nhận thấy tầm quan trọng của sự giáo dục gia đình đối với tính cách Bloomberg.
Xuất thân từ người Mỹ gốc Do Thái nhập cư, gia đình đã dạy dỗ ông trở thành một người độc lập, nhưng đồng thời luôn phải biết cách chăm sóc lẫn nhau giữa những người cùng một nhà. Truyền thống gắn kết lẫn nhau ấy được Bloomberg duy trì đến tận sau này khi ông kết hôn với Sue và có hai người con gái.
Bloomberg chia sẻ rằng dù sau này Sue và ông ly hôn, nhưng giữa vợ chồng họ vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết, để có thể cùng nhau dạy dỗ con cái.
Đề cao vai trò của con người, cũng chính là điều thúc đẩy Bloomberg tích cực hoạt động từ thiện và các dịch vụ công.
Trong hoạt động từ thiện, Bloomberg dành nhiều tâm huyết để “giúp đỡ các tổ chức giáo dục”. Ông dùng tiền bạc, thời gian và cả kiến thức của mình để quan tâm đến các trường Đại học trên khắp nước Mỹ, giúp đỡ những giáo viên, học viên khó khăn, với những quỹ học bổng được trao hàng năm.
Với vai trò công ty Bloomberg L.P, nhiều hoạt động từ thiện cũng đã được tổ chức mang tính xã hội cao. Ví dụ như “Thông qua sự giúp đỡ của Publicolor, một tổ chức phi lợi nhuận ở New York, công ty chúng tôi mua sơn và chổi. Các nhân viên của chúng tôi dành thời gian vào cuối tuần để sơn màu những bức tường của một trường học trong thành phố. Chúng tôi cùng nhau thay đổi môi trường học tập của hàng nghìn đứa trẻ hồi trước phải học trong khung cảnh buồn tẻ. Ngay lập tức, mồ hôi và tiền bạc tạo ra một điều tốt đẹp bạn có thể nhìn thấy”.
Mặc dù được xem là tỷ phú phóng khoáng nhất thế giới khi làm từ thiện, nhưng ở tự truyện Bloomberg: Tiền bạc, trí tuệ và công việc, Bloomberg không kể nhiều về số tiền ông đã chi trả, hay đề cao vai trò cá nhân của mình, bằng những ngôn từ khoa trương.
Bloomberg hiện lên trong tự truyện là một tỷ phú tài năng, nhiệt huyết, tôn trọng con người, luôn tâm niệm phương châm “Làm cho người khác những điều bạn mong muốn người khác làm cho mình”.
Cuộc đời nhiều cảm hứng kết hợp cùng lối viết chân thực nhưng không kém phần hóm hỉnh, sâu sắc của Michael Bloomberg chính là điểm cuốn hút, khiến cuốn sách nhận được sự yêu mến của nhiều độc giả.
Cuốn sách xuất bản vào năm 1997, 5 năm trước khi Michael Bloomberg trở thành thị trưởng của thành phố New York. Bloomberg: Tiền bạc, trí tuệ và công việc chính là một trong những cuốn sách truyền cảm hứng sâu sắc dành cho bất kỳ ai khao khát tạo nên giá trị riêng cho chính bản thân mình.
5 điều bạn sẽ học được qua cuốn sách:
1. Bị sa thải chưa bao giờ là kết thúc.
Ở độ tuổi 39 Bloomberg bị sa thải tại nơi mà ông ta đã cố gắng làm việc đều đặn trong 15 năm. Dĩ nhiên ông chẳng thể dừng lại mà sẽ phải tiếp tục mở ra cho chính mình cơ hội mới để trở thành người đứng trong top 10 người giàu nhất thế giới.

2. “Đừng lo lắng, cứ thử đi”
Câu nói của Fenster nói với Bloomberg – một người bạn của ông. Đã thúc đẩy sự dám thử của một người được xã hội xung quanh đánh giá, không còn quá trẻ để bắt đầu

3. “Thật là một ý tưởng ngớ ngẩn”
Câu này có phải là quen thuộc? Những điều phi thường thường bắt đầu từ những điều ngớ ngẩn. Khi bắt đầu với những ý tưởng trong đầu có thể rất nhiều người xung quanh bạn nghĩ rằng thật vớ vẩn, siêu ngớ ngẩn. Nhưng bạn thấy đó, điều ngớ ngẩn đó đã xây dựng lên một đế chế truyền thông Bloomberg mà đến tận bây giờ khó có ai có thể quật ngã.

4. Phát triển không ngừng
Khi bắt đầu tăng trưởng có chỗ đứng nào đó trong thị trường bạn sẽ không bao giờ được ngừng lại sự phát triển. Không công ty nào đứng mãi một chỗ, vì điều đó sẽ khiến bạn quật ngã. Bản thân bạn cũng vậy, luôn tiến lên nếu bạn dừng lại dù bạn đang tốt nhưng rồi cũng sẽ bị bỏ lại phía sau

5. Tiêu tiền đúng cách
Quản lí tiền bạc luôn là một bài toán khó. Nhưng bài toán khó không có nghĩa sẽ không thể giải được. Bloomberg biết được rằng trước khi thành công, sau khi thành công đều có những cách tiêu tiền khác nhau. Nhưng quan trọng nhất chính là yếu tố cho đi, ông cho rằng chỉ khi sự cho đi đồng tiền mới có thể quay về.

Mỗi người sẽ lựa chọn một cách sống khác nhau, nếu bạn lựa chọn là một nhà làm kinh tế, đây chính là cuốn sách dành cho bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.