1.1.20

Review sách Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya

Tác giả: Higashino Keigo

Về tác giả:
Higashino Keigo sinh năm 1958 tại Osaka, là nhà văn trinh thám hàng đầu hiện nay tại Nhật Bản. Năm 1985, Higashino Keigo giành được giải Edogawwa Rampo lần thứ 31 cho tác phẩm trinh thám hay nhất với tiểu thuyết Giờ tan học.

Review sách:
‘Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya’ có lẽ là một câu chuyện về những kẻ mắc kẹt bởi chính ước mơ của mình, hay rộng hơn phần lớn chúng ta.
Cửa tiệm tạp hóa Namiya lại biến thành cửa tiệm chuyên gỡ rối tơ lòng bởi lần nói đùa tên cửa tiệm thành Nayami (nghĩa là điều phiền muộn). Bắt đầu từ những lời thắc mắc mang tính trêu đùa của lũ trẻ, nhưng ông chủ tiệm lại giải đáp cực kỳ nghiêm túc. Rồi dần dần xuất hiện những yêu cầu tư vấn thực sự, một gia đình chuẩn bị trốn nợ, một cô gái trẻ có thai với một người đàn ông đã có vợ…


Cuốn sách khởi đầu với nhóm ba người bạn Atsuya, Shota và Kouhei sau một buổi khua khoắng ăn trộm và đang bỏ chạy giữa đêm khuya, phải tá túc lại một căn nhà hoang ven đường. Căn nhà đó thật tình cờ lại chính là “Tiệm tạp hóa Namiya”, nơi hơn 30 năm trước ông chủ tiệm cùng tên đã dùng làm nơi để tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của người khác qua những lá thư tay.
Và câu chuyện của chúng ta cũng bắt đầu khi ba anh chàng nhận được một lá thư từ khe cửa của một người có bút danh ‘Thỏ ngọc cung trăng’ trong quá khứ, cần tư vấn về trường hợp éo le của cô ta. Họ ban đầu chỉ định thử viết thư trả lời để giết thời gian, nhưng không ngờ rằng những lá thư cứ liên tiếp đến, cũng không ngờ rằng những lời tư vấn ‘trật lất’ nhưng thật lòng của mình lại có thể cứu rỗi cuộc đời của người nhận, và chính cuộc đời của họ.
Những vấn đề trong truyện đều vô cùng đời thường, từ nhỏ nhặt của học sinh như “Làm sao để đạt 100 điểm mà không cần học bài?” cho đến những lựa chọn tưởng chừng khó khăn nhất của đời người: nên ở bên người yêu chỉ còn nửa năm sinh mệnh hay nên tích cực tập luyện cho kì Olympic sắp tới – giấc mơ của cả hai người; nên tiếp quản cửa hàng cá của gia đình khi bố mẹ già yếu hay nên theo đuổi giấc mơ âm nhạc vẫn đang mịt mờ trước mắt?… Tôi tin rằng bất cứ một ai trong chúng ta, cũng có thể ít nhiều nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân mình trong những câu chuyện trên, và trải mình với những dòng văn thấm đẫm nhân văn của Keigo.
Vẫn là lối viết dung dị quen thuộc, chủ yếu là giọng văn trần thuật phẳng lặng, cũng không hề lạm dụng những từ ngữ màu mè hoa xảo, cuốn sách này cũng giống như các tác phẩm khác của ông, vô cùng dễ đọc ngay cả với những ai không hề có thói quen đọc tiểu thuyết văn học. Nhưng sự giản dị trong ngôn từ chỉ càng làm nổi bật thêm phần nội dung sâu sắc tuyệt vời mà Keigo đã gửi gắm. 5 phần chính của cuốn truyện là 5 bối cảnh hoàn toàn khác nhau, dưới những góc nhìn khác nhau, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người hỏi và những người trả lời, giữa những người được chính bác Namiya giải đáp thắc mắc và những người không ngờ rằng lá thư của mình đã được chuyển đến tương lai cho ba chàng trai đang lạc lối giữa dòng đời.
Để rồi, những mảnh ghép rời rạc tưởng như không liên quan lại dần dần trùng khớp, để rồi lồng ghép lại với nhau một cách hoàn hảo khi khép lại. Không phải là một bất ngờ dạng trinh thám, nhưng đủ để người đọc ồ lên thích thú, và lật lại những trang truyện trước đó để thấy mọi thứ đan xen tài tình dưới ngòi bút bậc thầy của Higashino Keigo như thế nào.
Gần như không có điểm nào đáng chê trách ở Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya, ngoại trừ việc nó… quá ngắn. Đã rất lâu rồi tôi mới có cảm giác vừa ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết, vừa thấy tiếc nuối khi số trang còn lại cứ ít dần ít dần đi. Đây chắc chắn là một cuốn sách mà tôi sẽ khuyên tất cả mọi người nên tìm đọc, vì tôi tin nó đủ sức để “lay động phần lương tri” của cả thế giới, như những gì đã cứu rỗi tôi. Xin tạm kết bằng một triết lý mà tôi vô cùng tâm đắc trong cuốn sách, khi ông Namiya tâm sự với người con trai của mình “Sau nhiều năm đọc các thư nhờ tư vấn, bố đã hiểu ra một điều. Đó là đa số các trường hợp người nhờ tư vấn đã có sẵn câu trả lời. Họ nhờ tư vấn chẳng qua chỉ muốn xác nhận điều đó là đúng mà thôi.
Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do. Khả nắng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.