“Tôi có thể làm điều bạn không thể, bạn có thể làm điều tôi không thể; cùng nhau, chúng ta có thể làm nên những điều lớn lao”
Mẹ Têrêsa
Quốc tịch: Albania
Ngày sinh: 26/8/1910
Ngày mất: 5/9/1997
Thành tựu nổi bật/ Đóng góp nhân loại : Một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma
Thánh mẫu Têrêsa
Mẹ Têrêsa, hoặcTeresa, còn gọi là Thánh mẫu Têrêsa thành Calcutta; “Mother Teresa” theo tôn giáo Công giáo Rôma; Dòng tu Dòng Thừa sai Bác Ái. Mẹ Têrêsa là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania.
Bà sinh tại Skopje (thủ đô Cộng hòa Macedonia ngày nay), khi đó thuộc Đế quốc Ottoman. Sau khi sống ở Macedonia trong 18 năm, bà tới Ireland rồi Ấn Độ, nơi bà sống trong phần lớn cuộc đời còn lại. Bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Kolkata (Calcutta), Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ, và đến các quốc gia khác.
Năm 1970, Mẹ Têrêsa trở thành một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần là nhờ một quyển sách và cuốn phim tư liệu tựa đề Something Beautiful for God của Malcome Muggeridge. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà.
Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa tiếp tục phát triển, đến thời điểm bà từ trần, tổ chức từ thiện này đang điều hành 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, trong đó có các nhà trọ và nhà tình thương có người mắc bệnh HIV/AIDS, cũng như bệnh nhân phong và lao, các bếp ăn từ thiện, các chương trình tư vấn cho gia đình và trẻ em, các trại mồ côi, và trường học.
Mặc dù Teresa được tôn vinh bởi nhiều cá nhân, chính quyền và các tổ chức, bà cũng là mục tiêu của không ít chỉ trích từ những người như Christopher Hitchens, Aroup Chatterjee, và Vishva Hindu Parishad. Thường thì những phê phán này nhắm vào nỗ lực cải đạo trong công tác từ thiện, trong đó có việc rửa tội cho những người sắp chết; lập trường cứng rắn chống phá thai, và việc cho rằng sự nghèo khó có thể tạo điều kiện cho những lợi ích tâm linh.
Sau khi mất, bà được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Chủ nhật ngày 4 tháng 9 năm 2016, Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho bà tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican với khoảng 120.000 người tham dự.
*Dòng tu Thừa sai Bác ái
Ngày 10 tháng 9 năm 1946, Teresa trải nghiệm điều mà cô miêu tả là "ơn gọi trong ơn gọi" khi cô đang trên đường đến Tu viện Loreto ở Darjeering cho thời kỳ tĩnh tâm hằng năm. "Tôi phải rời tu viện để giúp đỡ người nghèo và sống chung với họ. Đó là mệnh lệnh. Không chịu tuân theo có nghĩa là đánh đổ đức tin. Năm 1948, Teresa khởi đầu công tác thừa sai giữa người nghèo, cô thay bộ áo truyền thống của dòng Loreto bằng trang phục chira giản dị bằng vải cotton viền màu lam. Cô nhập tịch Ấn, và đi vào các khu nhà ổ chuột. Trước tiên, Teresa mở một trường học ở Motjhil, rồi bắt đầu chăm sóc những người bần cùng đói khát.
Teresa viết trong nhật ký rằng năm đầu tiên cô gặp vô số khó khăn. Vì không có nguồn cung ứng tài chính, cô phải phụ thuộc vào hoạt động quyên góp thực phẩm và nhu yếu phẩm. Trong những tháng đầu, cô phải đấu tranh với sự hoài nghi, đơn độc và sự cám dỗ quay trở lại cuộc sống tiện nghi trong tu viện. Teresa ghi lại trong nhật ký:“Chúa chúng ta muốn tôi phải là một nữ tu tự do ẩn mình dưới sự nghèo khó của thập tự giá. Hôm nay tôi học được một bài học hay. Sự nghèo khổ của người nghèo thật là nghiệt ngã. Trong khi tìm kiếm một ngôi nhà, tay chân tôi đau nhức vì đi bộ. Tôi suy nghĩ, người nghèo còn chịu đựng sự nhức nhối bội phần hơn trong thể xác và linh hồn khi tìm kiếm một chỗ trú thân, thức ăn và sức khỏe. Khi ấy, cuộc sống tiện nghi tại Loreto xuất hiện đầy quyến rũ. ‘Chỉ cần nói một lời, tất cả sẽ trở lại với cô,’ Kẻ cám dỗ cứ tiếp tục nói…. Chúa ôi, đây là sự tự nguyện, vì con yêu Chúa, con muốn ở lại và làm bất cứ điều gì theo Thánh Ý. Con không khóc đâu, dù chỉ một giọt lệ”.
Ngày 7 tháng 10 năm 1950, Vatican chấp thuận cho Teresa khởi đầu một dòng tu sau này trở thành Dòng Thừa sai Bác ái. Sứ mạng của dòng là chăm sóc, theo lời Teresa, "người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, bệnh nhân phong, bất cứ ai đang cảm thấy thừa thãi, bị căm ghét, ruồng bỏ trong xã hội, những người đang là gánh nặng của xã hội và bị mọi người xa lánh".Ban đầu chỉ là một dòng tu nhỏ với 13 tập sinh ở Calcutta; ngày nay có hơn 4 000 nữ tu điều hành các cô nhi viện, trại điều dưỡng AIDS, và các trung tâm từ thiện trên khắp thế giới. Dòng tu cũng chăm sóc người tị nạn, người khuyết tật, già lão, nghiện rươu, người nghèo và người vô gia cư, nạn nhân lũ lụt, dịch bệnh, và nạn đói.
Năm 1952, Mẹ Teresa mở ngôi nhà đầu tiên chăm sóc người sắp chết. Với sự hỗ trợ từ các viên chức Ấn, bà cho sửa một ngôi đền Ấn giáo hoang phế thành Nhà Kalighat cho người Hấp hối, một trại điều dưỡng miễn phí cho người nghèo. Sau này bà đổi tên thành Kalighat, Nhà Thanh Tâm. Những người được mang đến đây được chăm sóc y tế và được chết trong nhân phẩm, được chôn cất theo niềm tin tôn giáo của họ; người Hồi giáo được đọc kinh Quran, người Hindu được tẩy rửa bằng nước sông Hằng, và người Công giáo được làm lễ xức dầu thánh. "Một cái chết đẹp", bà nói, cho những người từng sống kiếp thấp kém như những con vật, nhưng chết như những thiên thần – được yêu thương và được trọng vọng." Không lâu sau đó, bà mở một ngôi nhà cho những người mắc bệnh phong cùi, đặt tên là Thành phố Hòa bình. Dòng Thừa sai Bác ái cũng thành lập một số cơ sở y tế mở rộng trên khắp Calcutta, cung cấp thuốc men, thực phẩm.Năm 1955, Teresa mở Nirmala Shishu Bhavan, Nhà Trái tim Vô nhiễm đón tiếp trẻ mồ côi và thanh thiếu niên vô gia cư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.