31.12.19

Tóm tắt sách Bộ Ba Xuất Chúng Hàn Quốc

Bộ Ba Xuất Chúng Hàn Quốc
Tác giả: Jung Hyuk June

Giới thiệu sách:
Chung Ju-yung, Lee Byung-chul, Koo In-hwoi là ba nhà sáng lập của ba tập đoàn hàng đầu ở Hàn Quốc hiện tại: Hyundai, Samsung, LG. Tuy xuất thân, điều kiện học hành có phần khác biệt, nhưng giữa họ có một điểm chung mang tính quyết định, đó chính là không bao giờ chùn bước trước thất bại.

Trong cuốn sách Bộ ba xuất chúng, qua ngòi bút của mình, tác giả Jung Hyuk June đã dẫn dắt chúng ta đi qua những chi tiết rất đắt giá trong cuộc đời của ba nhà sáng lập vĩ đại người Hàn Quốc. Họ đều từng trải qua thất bại: Chung Ju-yung từng mất cả cơ ngơi là xưởng sửa chữa xe hơi của mình vì hỏa hoạn khi mới 25 tuổi. Còn việc kinh doanh gạo đầu tiên của Lee Byung-chul thì cực kỳ thê thảm, sau một năm ông đã mất đến nửa số vốn của mình. Trong khi đó, Koo In-hwoi đã từng thiếu vốn tới nỗi phải gạt bỏ cái tôi của mình mà vay tiền cha để tiếp tục kinh doanh.

Sẽ ra sao nếu họ chấp nhận thất bại và quay lại với cuộc sống như trước đây, như những người cha của mình? Chắc chắn là sẽ không có những cái tên Hyundai, Samsung hay LG trên bản đồ kinh tế Hàn Quốc như ngày nay.
Với cuốn sách này, các doanh nhân và các bạn trẻ đang nung nấu ước mơ khởi nghiệp sẽ nhanh chóng nhận ra được nhiều bài học có giá trị về khởi nghiệp, một lĩnh vực mà yếu tố xuất thân, học vấn hay điều kiện kinh tế hầu như chỉ đóng vai trò thứ yếu. Điều quan trọng để thành công là phải biết vượt qua số phận để nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội cho mình.
Tóm tắt nội dung sách:
Thất bại là mẹ thành công
Tôi luôn thấy hứng thú với những thất bại của người trẻ tuổi. Những thất bại đầu đời chính là thước đo thành công của mỗi người. Việc anh ta đối mặt với thất bại ấy như thế nào, thất vọng rồi chùn bước hay lại càng có thêm dũng khí để tiến lên, tất cả điều này sẽ quyết định cuộc sống của anh ta.

Đây là câu nói của vị danh tướng Moltke [1] thời Bismarck. Lee Byung-chul khi nếm mùi vị của thất bại đầu đời đã luôn coi những lời này như những lời tự an ủi, động viên bản thân. Ba nhân vật lớn của chúng ta đều đã trải qua những giây phút suy sụp tưởng chừng như khó vực dậy. Lý do thất bại của họ nằm ở chỗ họ đã không thể nắm bắt được thời cuộc, cụ thể là tình hình kinh tế trong và ngoài nước vốn đang bị đẩy theo dòng xoáy của cuộc khủng hoảng thế giới.
Thời điểm họ khởi nghiệp rơi đúng vào cuộc đại khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, bắt đầu bằng sự rớt giá cổ phiếu ở sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 24 tháng 10 năm 1929. Cuộc khủng hoảng làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Mỹ cố gắng khắc phục tình hình băng chính sách cải cách kinh tế – xã hội (New Deal) còn Nhật lại chọn cách mở rộng thuộc địa, cụ thể là bằng cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Mỹ.
Chiến tranh đã tạo cơ hội cho những người làm kinh tế mở rộng nhu cầu tiêu thụ nhưng cũng đồng thời mang đến nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp trong nháy mắt. Những con người ở lứa tuổi 20 ấy đã trải qua kinh nghiệm cay đắng như thế. Xưởng sửa chữa ô tô của Chung Ju-yung bị cương chế sáp nhập với một đơn vị khác. Lee Byung-chul cũng mất sạch tài sản dày công gây dựng được do Lệnh khẩn cấp của chính quyền Nhật. Điều quan trọng nhất trong kinh doanh là phải nhanh nhạy trước sự thay đổi môi trường trong và ngoài nước, phải nắm được tình hình vĩ mô thì mới có thể làm tốt trong từng lĩnh vực vi mô, cũng như nhanh chóng tìm ra phương án đối phó với các tình huống bất ngờ xảy ra.
Một nguyên nhân khác khiến họ thất bại là do thiếu kinh nghiệm. Lee Byung- chul bị thua lỗ do kinh doanh mà không hiểu nguyên tắc cơ bản về cung và cầu. Nếu ngay từ đầu, Koo In-hwoi biết chọn một mặt hàng phù hợp với số vốn mà mình có thì đã không phải điêu đứng khi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào thương trường.
Mỗi người một kiểu thất bại
Khi đương đầu với thất bại, thái độ và tinh thần của ba doanh nhân này khi xử lý những khó khăn đã khiến họ trở thành những bậc thầy trong kinh doanh.

Chung Ju-yung bị giáng một đòn chí mạng khi xưởng sửa chữa ô tô xây bằng tiền vay mượn bị cháy, nhưng ông đã đối mặt với thất bại đó bằng sức mạnh của trực giác. Đó là khả năng nhìn thấu bản chất vấn đề mà không cần qua quá trình phán đoán hay suy luận. Chung Ju-yung nhớ lại thời điểm ấy: “Tôi không thể gục ngã. Tôi không muốn kết thúc trong gục ngã. Tôi nghiệm ra rằng chỉ có một con đường và đã lại tìm đến ông Oh Yun-kun để giãi bày hoàn cảnh.
Khi gặp thất bại, Chung Ju-yung luôn thách thức “số mệnh”. Số mệnh không phải là điều định đoạt sự thành bại của con người mà chính con người mới là nhân tố quyết định. Từ sau thất bại ấy, Chung Ju-yung luôn khắc cốt ghi tâm câu nói: “Không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách.”
Riêng với Lee Byung-chul và Koo In-hwoi, họ lại lấy thất bại ra phân tích, tính toán cặn kẽ để tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp. Việc đối mặt với thất bại của họ mang tính lý luận và theo trình tự từng bước.
Khi bị lỗ vốn ở lần kinh doanh xay xát gạo đầu tiên, Lee Byung-chul phân tích nguyên nhân rồi tìm một chiến lược khác. Nhiều người vừa gặp khó khăn đã rơi vào trạng thái khủng hoảng, mất khả năng phán đoán, còn riêng với Lee Byung-chul, ông không chùn bước trước thất bại mà tìm mọi cách để xoay xở: vay ngân hàng, đầu cơ bất động sản. Ông đã viết ra 5 bài học được đúc kết từ lần thất bại này rồi lấy đó làm tôn chỉ cho bản thân.
Thứ nhất, muốn kinh doanh phải biết rõ thời cuộc. Thứ hai, không tham lam mù quáng, phải đánh giá đúng hạn chế và năng lực của bản thân. Thứ ba, tuyệt đối tránh việc đầu cơ chờ thời. Thứ tư, luôn có phương án dự phòng.
Thứ năm, nếu nhận thấy đã thất bại do thời thế thay đổi thì phải lập tức chọn một con đường khác tốt hơn.

Koo In-hwoi cũng phân tích rõ nguyên nhân khi bị thua lỗ. Ông nhận ra vấn đề nằm ở chỗ ông không có nhiều vốn nên không thể mở rộng quy mô cửa hàng, làm ảnh hưởng đến chủng loại mặt hàng và số lượng tồn kho. Giải pháp của ông là phải tăng thêm vốn và quyết định chịu nhục ngửa tay xin tiền cha.
Có thất bại mới gọi là tuổi trẻ
Thất bại đầu đời là quyền lợi của người trẻ tuổi. Tất nhiên, chẳng ai mong mình thất bại, nhưng như giáo sư Yotaro Hatamura của trường Đại học Tokyo từng nói: “Dấn thân vào một lĩnh vực mà mình chưa biết thì tỷ lệ thành công chỉ có 0,3%”. Đa số thử thách sẽ đẩy ta đến thất bại.

Tuy nhiên, việc khuất phục trước thất bại sẽ không mang lại cho ta cơ hội để thành công. Ba nhân vật của chúng ta đều có thể thành công là nhờ khả năng không sợ thất bại. Song, nếu chỉ thất bại thì cũng không thể thành công.
Chung ta phải biết rút ra bài học từ thất bại, phân tích chính xác nguyên nhân để tránh không lặp lại sai lầm. Để chuyển thất bại thành cơ hội, chúng ta cần phải xem thất bại như lẽ thường và nhìn nhận nó một cách tích cực hơn.
Sự nỗ lực, cố gắng của người trẻ tuổi rất quan trọng, đó chính là mấu chốt để chuyển vận xấu thành cơ hội và chuyển bại thành thắng. Thời còn là Chủ tịch của Công ty Xây dựng Hyundai, Chung Ju-yung thường hồi tưởng lại lần bị cháy xưởng sửa chữa ô tô. Ông nói vui: “Giờ nghĩ lại mới thấy, tôi làm được điều kỳ diệu ấy chắc là do còn trẻ, chứ bây giờ chắc tôi đã gục luôn rồi”.
Tận dụng cơ hội do thời cuộc mang lại
Khi cuộc khủng hoảng tiền tệ IMF xảy ra ở Hàn Quốc, phần lớn người lao động phải vật lộn từng ngày để chống chọi lại với cơn bão mang tên “tái cơ cấu” hay cắt giảm biên chế. Tuy nhiên, cũng chính trong cuộc khủng hoảng ấy đã có những người dám bước ra khi công ty để tìm kiếm cơ hội cho mình. Đó chính là những người đã tạo nên các công ty chuyên về game hay công ty thông tin điện tử (portal) như Naver, Daum, NCSof, Nexon, v.v…

Nhạy bén trước sự thay đổi của thời đại là một kỹ năng rất quan trọng. Người thành công là người nắm bắt được sự thay đổi dù là nhỏ nhất của thời cuộc, từ đó điều chỉnh bản thân để thích ứng với sự thay đổi đó.
Các “bậc thầy kinh doanh” luôn biết cải thiện bản thân lên một cấp độ cao hơn trong thời đại mới. Chung Ju-yung tạo bàn đạp để gây dựng cơ nghiệp thông qua các dự án xây dựng với quân đội Mỹ, Lee Byung-chul theo đuổi tiền tài từ ngành công nghiệp chế tạo thông qua Nhà máy đường Cheil, Koo Inhwoi lấy những thất bại trong ngành thương mại làm đòn bẩy cho việc kinh doanh mỹ phẩm và sản xuất nhựa sau này.
Tìm kiếm nhu cầu của khách hàng và thời đại Chiến tranh đã tàn phá mọi thứ thành đống tro tàn. Ở Nam Hàn, trên 40% thiết bị bị phá hủy. Hai vùng công nghiệp chính của Nam Hàn là Gyeongin [2] và Samcheon cũng trở nên hoang phế. Ở Jinju, nông dân bỏ đất, chủ nhà máy bỏ thiết bị sản xuất, thương nhân bỏ hàng hóa. Lạm phát khiến vật giá leo thang gấp 35 lần chỉ trong vòng ba năm. Busan là nơi mọi người kéo đến lánh nạn khi chiến tranh nổ ra. Tại đây, họ phải bắt đầu lại mọi thứ. Từ chỗ dân số có 500.000 người, Busan đón thêm ba triệu dân tị nạn trong chiến tranh. Đối với những người hứng thú làm ăn thì đây chính là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Koo In-hwoi đã tạo được một bàn đạp cho bước nhảy vọt của mình bằng cách sản xuất nhu yếu phẩm để đáp ứng một số lượng nhu cầu lượng lớn như khay đựng xà phòng bằng nhựa.
Ở Busan không chỉ có dân tị nạn mà còn có quân đội Mỹ được phái đến để chuẩn bị cho cuộc chiến. Họ cũng có những nhu cầu riêng. Chung Ju-yung đã tạo được tên tuổi của mình trong giới xây dựng bằng việc kinh doanh phục vụ cho quân đội Mỹ. Lee Byungchul cũng kiếm bộn tiền ở Busan nhờ ngành thương mại trong thời kỳ đầy biến động ấy.
Sau Thế chiến II, quân Mỹ tại Nhật lo sợ sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt nên tiến hành giải thể vùng kinh tế Nhật Bản. Theo đó, quân Mỹ sẽ khống chế giao dịch thương mại giữa Nhật với Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên ở Nam Hàn, các nhà máy đều bị phá hủy do chiến tranh, nhu yếu phẩm khan hiếm nên cần nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt.

Nhật Bản, nước gần nhất, đã bị cấm giao dịch nên các thương nhân ráo riết tìm kiếm một phương án mới như Hong Kong và Macao.
Tất nhiên, khoảng cách càng xa, rủi ro càng lớn và giá cả sẽ càng đắt đỏ. Nhưng vào thời điểm khan hiếm hàng hóa đó, giá cả không phải là điểm cốt yếu. Lee Byung-chul đã kiếm được bộn tiền nhờ làm được điều ấy.

Muốn sống sót phải tự khai phá
Không phải ai kinh doanh ở Busan cũng thành công. Thời kỳ đầu chiến tranh, một số người mở nhà máy chế biến cao su và gỗ nhưng đã bị điêu đứng do không đảm bảo được nguồn nguyên vật liệu vì thiếu vốn.

Một số người nhảy vào ngành công nghiệp đóng tàu khi thấy ngành thương mại bước vào thời kỳ hoàng kim với nguồn viện trợ ồ ạt đổ về cảng Busan, nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa vì Mỹ chủ yếu lấy tàu chở hàng viện trợ từ Nhật. Những ngành công nghệ lạc hậu lại là những ngành dễ bị tổn thương nhất.
Các doanh nghiệp lớn từng làm ăn phát đạt trong thời Nhật đóng chiếm giờ đây cũng bị phá sản hoặc thu nhỏ quy mô. Trong khi đó, Busan lại là một nơi đầy thách thức với những công ty tư nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những người đến đây lánh nạn cũng không ngừng tìm cơ hội, nhiều cửa hàng vô cùng nhỏ cũng vươn lên quy mô tập đoàn.
Tuy vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là đối tượng bị kiểm soát gắt gao khi Nhật phát động chiến tranh Thái Bình Dương. Chính Chung Ju-yung cũng phải rút khỏi ngành khi Lệnh Tái cơ cấu doanh nghiệp được ban hành, buộc xưởng sửa chữa ô tô của ông phải sáp nhập với công ty khác.

Lệnh cấm thông thương với Nhật cũng là một đòn chí mạng đối với những doanh nghiệp lớn. Do ăn nên làm ra trong thời Nhật chiếm, các doanh nghiệp đều dựa hoàn toàn vào hàng hóa và công nghệ của Nhật Bản, do đó sẽ rất khó để họ chuyển sang tự sản xuất khi giao thương với Nhật bị đứt đoạn.
Ngược lại, Busan mang đến một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường cũ thay đổi liên tục, các thị trường mới cũng được hình thành.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tách khỏi thị trường vốn bị các tập đoàn lớn độc chiếm để tìm một thị trường ngách cho riêng mình. Nếu như chính sách ngừng thông thương với Nhật khiến các tập đoàn rơi vào khủng hoảng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại tự khai phá ra thị trường, công nghệ và nguồn nguyên liệu mới.
Koo In-hwoi chính là một ví dụ. Ông bắt đầu tự sản xuất mỹ phẩm mà không nhờ đến sự hỗ trợ của Nhật. Về sau, khi tham gia vào ngành công nghiệp nhựa, ông cũng nhập máy móc từ Mỹ chứ không phải từ Nhật.
Cho đến trước khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Chung Ju-yung vẫn chưa có tên tuổi gì trong ngành xây dựng, công ty của Lee Byung-chul cũng không thể so sánh được với quy mô của những công ty lớn khác trong ngành thương mại. Họ đã từng mất tất cả bởi chiến tranh. Còn Koo In-hwoi cho đến trước thời điểm mở nhà máy sản xuất nhựa vẫn chỉ là một trong số hàng trăm người làm trong ngành sản xuất. Dù ở thời kỳ nào, doanh nhân cũng luôn nhìn thấy cơ hội. Giữa các đợt sóng cao ập đến, ai cũng có thể bắt đầu đón nhận những thử thách mới cho riêng mình.
Thử thách là tiền đề của thành công
Lee Byung-chul và Koo In-hwoi tạo nên bước ngoặt cuộc đời đều vào thời điểm đất nước đang bất ổn sau giải phóng và trong chiến tranh Triều Tiên. Còn với Chung Ju-yung là khi chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc, đất nước bước vào thời kỳ tái kiến thiết.
Trong chiến tranh, có không ít người giống như họ, cũng kiếm được bộn tiền nhờ đi theo con đường kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, điểm khác biệt là đa số họ e ngại không dám bước vào ngành chế tạo sản xuất, bởi đây là ngành đòi hỏi rất nhiều thời gian để gặt hái thành quả sau khi đầu tư. Lee Byung- chul và Koo In-hwoi lại đầu tư hết số tiền kiếm được từ công việc buôn bán vào ngành sản xuất, từ đó tạo ra một bước nhảy vọt trong cuộc đời của một “doanh nhân”.

Lao vào thử thách vẫn tốt hơn an phận thủ thường
“Không hài lòng với những gì mình có”, chính sự nỗ lực ấy của Chủ tịch Lee đã trở thành nguồn động lực để tạo nên một doanh nghiệp lớn như Samsung ngày nay. Không phải lúc nào thử thách cũng mang đến thành công. 90% những thử thách mới sẽ mang lại thất bại.

Nhiều người sợ thất bại nên không dám thử, họ thà an phận thủ thường để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thời thế luôn thay đổi, an phận với hiện tại lại chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Sự sụp đổ của tầng lớp địa chủ sau giải phóng chính là một minh chứng.
Hãy bắt đầu từ thứ bản thân biết rõ nhất
Nhiều người bỏ việc mình đang làm để đi tìm cơ hội ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng đa phần gặp thất bại do thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, nếu biết tìm cơ hội ngay trong lĩnh vực mình hiểu rõ và làm tốt thì xác suất thành công sẽ tăng cao.
Do làm trong ngành xây dựng nên Chung Juyung biết rõ tầm quan trọng của xi măng đối với ngành này, nhờ đó ông tự tin xây dựng nhà máy sản xuất xi măng và lột xác trở thành một doanh nhân. Ông là người hành động nhiều hơn nói, mỗi khi có chướng ngại, ông lại dồn toàn bộ nguồn lực để dẹp bỏ chướng ngại ấy.

Nhờ biết cách tận dụng tối đa những kinh nghiệm trong ngành thương mại, Lee Byung-chul đã mạnh dạn mở nhà máy sản xuất đường. Ông hiểu rõ về các mặt hàng này từ giá nhập khẩu, giá bán ra, nhà phân phối cho đến nhu cầu về số lượng, v.v… Bản thân việc sản xuất hàng hóa cũng quan trọng nhưng còn phải nắm bắt rõ thêm các nhân tố bên ngoài mới có thể thành công. Koo In-hwoi cũng vậy. Ban đầu, ông buôn kem dưỡng da, rồi sản xuất kem dưỡng da, sau đó do nắp lọ kem hay bị vỡ nên bắt đầu tìm hiểu về nhựa và bị ngành sản xuất này lôi cuốn.
Một điểm mấu chốt giúp họ tạo nên bước nhảy vọt chính là họ nắm rõ thời đại cũng như nhu cầu của con người trong thời đại ấy. Nếu chỉ biết lao vào lĩnh vực mình am hiểu mà lĩnh vực ấy không đáp ứng nhu cầu của thời đại, hay không phải là ngành có tương lai thì xác suất thất bại là rất cao.
Các mặt hàng mà ba bậc thầy kinh doanh lựa chọn gồm có: đường, nhựa, xi măng. Đây là những mặt hàng hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng vẫn có điểm chung là đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu cho đến khi có các nhà máy sản xuất ở Hàn Quốc. Chính nhờ lựa chọn sản xuất các mặt hàng này, nên họ có thể bán được ra thị trường nội địa với giá rẻ hơn.
Ở một góc độ khác, thử thách trong ngành sản xuất chế tạo còn mang lại cho họ một cơ hội nữa, đó chính là năng lực quản trị kinh doanh. Để thành công trong ngành này, quan trọng hơn cả là phải có khả năng tổ chức quản lý. Với hoạt động sản xuất, họ dần học được cách làm việc có hệ thống, làm quen với phương pháp quản lý dài hạn đối với vốn và nguồn nhân lực. Tất cả đã giúp họ tự tin hơn trong công tác quản lý và sự tự tin ấy đã tạo nền tảng để họ mở rộng lĩnh vực sản xuất của mình. Thành quả của thử thách thật ngọt ngào. Là người Hàn Quốc đầu tiên tham gia vào ngành công nghiệp chế tạo hiện đại,
Lee Byung-chul đã vươn lên thứ hạng giàu nhất cả nước. Koo In-hwoi từ một nhà buôn vải và kem dưỡng da đã trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm rồi đến điện tử. Chung Ju-yung cũng tạo nền tảng trong ngành xây dựng để biến thập niên 1970 trở thành thời đại của mình. Với họ, thử thách đã trở thành tiền đề của thành công.
Biến cơ hội thành giá trị của riêng mình
Nếu kể về những năm tháng ở độ tuổi ngũ tuần của Chung Ju-yung, Lee Byung-chul và Koo Inhwoi mà không nhắc đến Park Chung-hee thì sẽ là một thiếu sót. Chính bởi Park Chung-hee mà Koo In-hwoi được cười, Lee Byung- chul phải khóc, còn Chung Ju-yung thì đổ mồ hôi sôi nước mắt.

Hãy cùng nhìn lại những năm 60, 70. Sau khi đảo chính để nắm quyền vào năm 1961, Park Chunghee tập trung theo đuổi chính sách phát triển kinh tế. Để hợp thức hóa chính quyền của mình, lực lượng đảo chính buộc phải thỏa mãn mong moi lớn nhất của toàn dân, đó là “có cái ăn”.
Luc đầu, Park Chung-hee không lựa chọn chính sách ưu tiên phát triển kinh tế mà ý định của ông là quy kết các tập đoàn tài phiệt vào diện làm giàu bất chính, sau đó thi hành các chính sách phát triển kinh tế lấy dân nghèo làm gốc như tái cơ cấu nông-ngư nghiệp, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sau đó, chính sách của ông đột ngột thay đổi, tất cả đều vì “ngoại tệ”. Sau khi Tổng thống Kennedy đắc cử, do thâm hụt ngân sách và chi tiêu nước ngoài của chính phủ Mỹ đang bị quá tải nên Mỹ đã thay đổi chính sách viện trợ đối với Hàn Quốc từ không hoàn lại thành có hoàn lại. Park Chung-hee liền lập kế hoạch huy động vốn trong nước. Tháng 6 năm 1962, ông thực thi chính sách cải cách tiền tệ, đổi đơn vị tiền tệ từ hwan trở lại thành won nhưng với tỷ lệ là 1 won có trị giá bằng 10 hwan.
Mục đích của chính sách cải cách tiền tệ này là nhằm phát hiện những nguồn quỹ đen để lấy đó làm vốn xây dựng các cơ sở sản xuất, nhưng kế hoạch ấy không thành công. Nhận thấy việc huy động nguồn vốn trong nước không khả thi, ông bèn hướng mục tiêu ra nước ngoài. Việc Park Chunghee gửi hàng nghìn thợ mỏ và y tá sang Tây Đức cũng là do khó xin được viện trợ từ Mỹ. Ông bất chấp sự phản đối của nhân dân để bình thường hóa quan hệ với Nhật cũng để có thêm những khoản vay từ Nhật.
Thời ấy, Hàn Quốc cứ luẩn quẩn trong cái vòng mang tên đói nghèo. Thiếu vốn để sản xuất dẫn đến thu nhập thấp, từ đó không có tích luỹ nên khó đầu tư để xây dựng các cơ sở sản xuất.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này chỉ có hai cách, hoặc vay vốn từ nước ngoài, hoặc huy động nguồn lực trong nước. Bắc Hàn đã chọn cách thứ nhất trong khi Nam Hàn chọn cách thứ hai.

Tuy Park Chung-hee chọn cách vay vốn nước ngoài nhưng đó cũngkhông phải một sự lựa chọn dễ dàng. Các ngân hàng nước ngoài ngần ngại không muốn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc vay vì đất nước Hàn Quốc luc này vô cùng nghèo khổ và chưa có uy tín trên trường quốc tế. Để vay được vốn nước ngoài, các doanh nghiệp Hàn buộc phải có sự bảo lãnh chi trả từ nhà nước.
Park Chung-hee đã lấy người dân ra làm vật thế chấp để các doanh nghiệp có thể vay được vốn.

Những nguồn vốn vay được sử dụng là phương tiện để nuôi các doanh nghiệp. Thời ấy, lãi suất ngân hàng trong nước thường dao động ở mức 30%, một tỷ lệ rất cao, trong khi đó lãi suất huy động vốn chỉ chưa đến 10%. Để vay được ngoại tệ, doanh nghiệp phải to vẻ “ngoan ngoãn” trước chính phủ. Các quan chức thường gợi ý các doanh nghiệp dành lại một khoản “đáp lễ” để đổi lại số vốn được nhận, tiêu biểu là vụ nhập lậu phân bón của Công ty Phân bón Hàn Quốc.
Mỗi khi các doanh nghiệp nhận được một khoản vay nào đó, Park Chung-hee lại xuất hiện với tư cách là người xúc tiến cho việc phát triển kinh tế đất nước. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ hai (1962-1971), ông theo đuổi chính sách phát triển công nghiệp nhẹ, sau đó đến kế hoạch 5 năm lần thứ ba và thứ tư (1972-1981), ông chuyển sang ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và hóa chất.
Có nhiều nguyên nhân khiến Park Chung-hee theo đuổi chiến lược phát triển công nghiệp nặng và hóa chất vào những năm 1970. Trước hết, về bối cảnh kinh tế, đó là thời điểm mà dư âm của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã khiến Hàn Quốc lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, nền kinh tế trì trệ, lạm phát, tăng chi tiêu nước ngoài, v.v…
Nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy thoái, tình trạng chững lại diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, các nước tiên tiến tăng cường thực thi chính sách bảo hộ mậu dịch. Thứ hai, về mặt chính trị, năm 1969, Tổng thống Nixon đưa ra quan điểm “Quốc phòng của người châu Á phải để người châu Á quyết định”, trên cơ sở ấy giảm mạnh số quân Mỹ đồn trú tại Nam Hàn. Do đó, việc tự chủ về quốc phòng trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, để làm được điều này cần phát triển ngành công nghiệp nặng và hóa chất.
Có một nguyên nhân khiến các nước tiên tiến thay đổi chiến lược phát triển. Ở các nước này, ngành công nghiệp nặng và hóa chất đã phát triển nhưng người dân lại ngại làm các công việc nặng nhọc, nên ngành này thiếu lao động trầm trọng. Vì vậy, mức lương trong ngành này tăng cao, kéo theo hệ quả là làm giảm sức cạnh tranh về giá cả hàng hóa. Một lý do khác là các nước tiên tiến rất khó mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp nặng và hóa chất trong nước do vấn đề ô nhiễm môi trường.
Park Chung-hee trao cơ hội cho ai?
Cốt lõi trong chính sách kinh tế của Park Chunghee là hướng về xuất khẩu đối với một số ngành công nghiệp trọng điểm. Ông đã chọn con đường phát triển mất cân bằng để có được hiệu quả ngắn hạn ngay tức thời, thay vì phát triển bền vững thông qua con đường phát triển song song cả thị trường nội địa lẫn quy mô xuất khẩu trong dài hạn.

Park Chung-hee sử dụng nguồn vốn vay để lái các doanh nghiệp đi theo hướng của mình. Sau khi lên nắm quyền, ông cho quốc hữu hóa các ngân hàng hiện có. Thời ấy, vay được vốn ngân hàng là cực kỳ khó nếu không có sự hậu thuẫn về mặt chính sách từ phía chính phủ. Mục đích của Park Chung- hee chính là thông qua ngân hàng để “vỗ béo” các doanh nghiệp theo định hướng phát triển của mình.
Phương thức hỗ trợ tập trung vào một số doanh nghiệp được lựa chọn càng được củng cố hơn khi Park Chung-hee thực thi chính sách phát triển ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Đây là ngành cần có nguồn vốn khổng lồ để xây dựng nhà xưởng và trang thiết bị máy móc, lại cần có thời gian để thu hồi vốn, do đó sự hỗ trợ về tài chính là một nhu cầu thiết yếu. Về khoản này, Park Chung-hee tạo điều kiện ưu đãi về vay vốn và thuế cho các doanh nghiệp theo sát chính sách của chính phủ về ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và hóa chất.

Trước khi bắt tay vào phát triển ngành này, các doanh nghiệp Hàn Quốc có quy mô khá nhỏ. Tuy nhiên, từ sau khi tập trung thực hiện chính sách phát triển công nghiệp này, đã có sự thiên lệch nghiêm trọng trong ưu đãi vốn vay và ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp lớn với nhiều kinh nghiệm thành công lại càng dễ đầu tư vào thị trường và cứ thế phát triển thành những tập đoàn tài phiệt lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nho lạc hậu hơn về công nghệ, lại thiếu vốn thì hầu như không có cơ hội gia nhập thị trường và trở thành những “nhà thầu phụ” cho các tập đoàn.
Việc lựa chọn ngành trọng điểm của Park Chung-hee đã dẫn đến việc lựa chọn doanh nghiệp trọng điểm. Những doanh nghiệp biết thích nghi với chính sách hướng về xuất khẩu của nhà nước như Hyundai hay Daewoo sẽ là những doanh nghiệp được trao cơ hội. Ngược lại, những doanh nghiệp năm ngoài tầm ngắm của chính phủ sẽ bị suy thoái, thậm chí bị đào thải. Vào thời phát triển công nghiệp nặng và hóa chất, Samsung chiếm vị trí số một, trên cả Hyundai. Tập đoàn Simwha, một tập đoàn hàng đầu ở Busan, cũng trượt dốc không phanh sau khi dám từ chối nguồn vốn từ chính quyền đảo chính, kết cục là Chủ tịch Kim Ji-tae bị bắt vì tình nghi buôn lậu, Nhât bao Busan và Công ty Truyền thông Văn hóa của tập đoàn cũng bị tịch thu.
Tành tựu của cách lựa chọn và tập trung kiểu Park Chung-hee có thể thấy được qua những con số ấn tượng. Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1961 đứng thứ 101 trong 125 nước trên thế giới với mức 82 đô-la.

Sau bốn lần thực hiện kế hoạch 5 năm, đến năm 1981, thu nhập bình quân đầu người đã tăng một cách chóng mặt, lên đến 1.749 đô-la.
Cơ hội không đều: hệ quả của chính sách kinh tế
Trong ấn phẩm 23 điều họ chưa nói, giáo sư Ha-joon Chang đánh giá về việc chính quyền Park Chung-hee tuyển chọn doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ tập trung như sau:
“Những năm 1960 và 1970, chính phủ Hàn Quốc ‘khuyến khích’ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực mà nếu để họ tự quyết định thì khó có khả năng họ sẽ lựa chọn. Sự ‘khuyến khích’ này được thể hiện dưới hình thức ‘củ cà rốt’ với nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ hay bức tường thuế quan đối với hàng nhập khẩu (‘Củ cà rốt’ này đôi khi cũng biến thành ‘cây gậy’ vì nếu doanh nghiệp không đạt được thành tích tốt thì chính phủ sẽ ngưng mọi hỗ trợ).

Nếu được hưởng những ưu đãi mà doanh nghiệp vẫn không biết tận dụng để phát triển thì chính phủ sẽ dùng đến ‘cây gậy’. Đó có thể là đe dọa ngừng cho vay vốn từ ngân hàng (lúc này toàn bộ đều là ngân hàng quốc doanh), hoặc Bộ Tình báo Trung ương sẽ gọi đến và ‘nhẹ nhàng nhắc nhở’. Điều thú vị là trong số các doanh nghiệp được khởi đầu dưới sự lèo lái của chính phủ kiểu này, có rất nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành công vang dội.”
Tất nhiên những lời đánh giá này không nhằm lên tiếng ủng hộ các tập đoàn tài phiệt. Trong phần đánh giá này, tác giả còn chỉ trích cách làm “qua cầu rút ván” của nhiều chính phủ, do trong giai đoạn đang phát triển đã dùng chính sách bảo hộ mậu dịch, phát triển đến một mức nào đó rồi quay ngoắt sang ủng hộ chủ nghĩa tự do, sau đó tìm mọi cách để các nước đang phát triển phải gỡ bỏ bức tường thuế quan.
Dù sao đi chăng nữa cũng phải công nhận một sự thật là chính sách hỗ trợ tập trung của chính quyền Park Chung-hee đã nảy sinh nhiều tác dụng phụ mà nền kinh tế Hàn Quốc hiện phải gánh chịu. Ngành công nghiệp nặng và hóa chất không giống như đường hay bột mì, không phải cứ thay thế được hàng ngoại nhập là có thể phát triển. Ngay từ đầu, chính phủ đã nhắm đến thị trường nước ngoài, do đó đã không thể đạt được sự phát triển trong lĩnh vực phụ tùng linh kiện và vật liệu cơ bản.
Giáo sư Ha-joon Chang nhận định: “Trong quá khứ, ngân hàng tập trung cho các tập đoàn vay vốn do họ đi theo hướng của các ngành công nghiệp gia công lắp ráp trên quy mô lớn, nhưng ở giai đoạn hiện nay, các ngân hàng cần hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển ngành phụ tùng linh kiện và vật liệu.”

Các tập đoàn tài phiệt là nguồn động lực của nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng nó cũng là nguyên nhân làm cho cấu trúc nền kinh tế bị suy yếu bởi khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị mất đi tính cạnh tranh, trong khi các doanh nghiệp này phải trở thành nền móng của nền kinh tế. Cùng với việc các tập đoàn tài phiệt thiết lập được cho mình địa vị độc quyền, sự mất cân bằng của nền kinh tế càng lúc càng nghiêm trọng, kéo theo đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo. Park Chung-hee đàn áp phong trào lao động, ông củng cố các quy chế nghiêm ngặt và ra sức đàn áp các cuộc vận động của nhân dân lao động với chủ trương phát triển xong rồi mới phân phối, phúc lợi không thể thực hiện khi nền kinh tế chưa khởi sắc.
Hiện nay, cơ cấu nền kinh tế đang thay đổi. Vấn đề phân phối và phúc lợi trở thành mối quan tâm hàng đầu, theo đó phân phối và tăng trưởng phải được thực hiện song song không thể tách rời. Người dân đang mong mỏi xem cơ hội sẽ được trao cho những kẻ yếu thế về kinh tế, xã hội cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào.
Vì sao họ dám “Tiến lên!” trong ngành kinh doanh mới
Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển, nên mỗi khi mở ra một ngành kinh doanh mới thì nhu cầu lại nở rộ. Tất nhiên thời nay đã khác, Hàn Quốc đang trong giai đoạn chững lại nên sẽ không dễ gì để bắt đầu một ngành kinh doanh mới.
Nhưng cũng không hẳn là như vậy. Trong thời kỳ đang phát triển trước đây cũng đã có rất nhiều người thất bại trong kinh doanh. Còn thời nay, dù trong cuộc khủng hoảng tiền tệ IMF, vẫn có nhiều công ty liên doanh khai phá một lĩnh vực mới và đạt được thành công vang dội. Có vẻ như vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta đang ở thời nào, mà điểm mấu chốt là phải nắm được cái mà thời đại và con người trong thời đại ấy đang cần là gì, từ đó mới bắt tay vào công việc kinh doanh.

Vậy điều gì đã khiến các bậc thầy kinh doanh dám “Tiến lên!” trong những ngành kinh doanh hoàn toàn mới? Trước hết, Chung Ju-yung đã thích ứng được với chính sách của người nắm quyền quyết định và bước vào ngành kinh doanh mới. Nghĩa là ông đặt canh bạc vào một ngành mà Park Chung-hee đang ủng hộ hết mình. Những nhân viên bình thường cũng giống như vậy, họ phải tìm cơ hội của mình trong các công việc mà CEO của họ mong muốn và tích cực thúc đẩy. CEO cũng là con người nên họ cũng gặp khó khăn khi thực hiện những chiến lược mà mình quyết tâm theo đuổi. Những lúc như vậy, họ sẽ được tiếp thêm dũng khí nếu có các nhân viên biết cùng họ trăn trở, đề xuất các giải pháp.
Một lý do khác khiến Chung Ju-yung có thể bước vào những ngành mới chính là cách ông nhận thức về nguy cơ, khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra ngay sau khi ông xây xong xưởng đóng tàu khiến các khách hàng
không chịu nhận tàu, công ty bị đẩy vào tình thế khó khăn về tài chính. Trước tình hình ấy, ông vẫn tìm được cơ hội ngay trong tầm khủng hoảng, đó chính là Trung Đông. Tương tự như vậy, cách nhìn nhận của một nhân viên về khó khăn sẽ quyết định thành quả của anh ta. Nếu nhận thức tích cực, anh ta đương nhiên sẽ hành động theo hướng đương đầu với thử thách mới, bằng không sẽ trở nên an phận với thực tại. Đây cũng là lý do khiến các CEO luôn hướng nhân viên của mình nhận thức tích cực về nguy cơ và khủng hoảng.
Khác với Chung Ju-yung, Lee Byung-chul lại có mối hiềm khích với Park Chung-hee. Nhưng ngay cả trong bối cảnh ấy, ông vẫn chấp nhận đương đầu với thử thách mới trong ngành công nghiệp điện tử. Nếu ông luôn nghĩ đằng nào cũng vấp phải sự phản đối của Park Chung-hee thì làm sao có được Samsung như ngày nay. Ông vẫn cố gắng tìm cơ hội, bất chấp mối bất hòa với tổng thống và trở ngại từ phía ông thông gia Koo In-hwoi đang hoạt động trong ngành này.
Lee Byung-chul đã giành được tấm vé bước vào ngành công nghiệp điện tử nhờ dựa vào mong muốn của Park Chung-hee, đó là xuất khẩu. Ông cũng giải quyết vấn đề một cách lý tính thay vì cảm tính trước mối quan hệ với gia đình thông gia. Trong một tổ chức, mọi việc cần được ưu tiên giải quyết bằng lý trí.

Ngược lại, phong cách kinh doanh của Koo Inhwoi có thể gây cho mọi người cảm giác “tùy hứng”, nhưng thật ra không phải như vậy. Nhìn ở một góc độ khác, chung ta sẽ thấy được khả năng phán đoán băng trực giác hơn người của ông. Ông bước vào lĩnh vực mỹ phẩm vì trực giác mách bảo ông rằng phụ nữ luôn khao khát hướng đến cái đẹp, tham gia vào lĩnh vực nhựa vì ông nhận thấy người dân muốn dùng các loại nhu yếu phẩm đơn giản và tiện lợi, tiến vào ngành chế tạo radio vì trực giác mách bảo ông rằng mọi người đang khao khát sở hữu những phương tiện giải trí mới ngoài báo và tạp chí.
Nói cách khác, Koo In-hwoi dùng trực giác để nhận diện thứ mà những người sống trong từng thời đại đang cần, rồi tiên phong bước vào lĩnh vực ấy. Đó cũng là khởi nguồn để ông tiên phong khai phá ngành công nghiệp nhựa và điện tử.
Huyền thoại về thành công được viết nên bởi những người biết biến cơ hội thành giá trị của riêng mình.

Đừng sống giống bất kỳ ai
Các bậc thầy kinh doanh đều có một tuổi thơ như bao đứa trẻkhác, họ cũng thích chống đối và không chịu chấp nhận thực tại. Cuộc hành trình đưa họ trở thành bậc thầy kinh doanh khiến những người hay bỏ qua các cơ hội trong cuộc sống phải ngẫm lại nhiều điều.

Chung Ju-yung: Không chấp nhận giam mình trong hiện thực và nếp nghĩ thông thường
Như một chiếc máy ủi, Chung Ju-yung là hiện thân của sự mạnh mẽ tiến lên phía trước. Dựa trên cách nghĩ mới với sự sáng tạo và óc tưởng tượng phong phú, ông có thể giải quyết những vấn đề mà nhiều người cho là bất khả thi.
Ông không chấp nhận giam mình trong hiện thực và nếp nghĩ thông thường.

Để rút ngắn tiến độ thi công cho dự án thương cảng Jubail, ông cho sản xuất vật liệu và máy móc thiết bị tại xưởng đóng tàu Ulsan rồi vận chuyển băng qua đại dương để đem đến công trường, khiến cả thế giới phải sửng sốt. Ông cũng sẵn sàng đập tan mọi định kiến. Một trường hợp tiêu biểu là việc ông nhổ lúa mạch trên đồng rồi trồng lên khu mộ của lính Liên Hiệp Quốc ở Gwangan (Busan), tạo nên những bãi cỏ xanh rì giữa mùa đông giá rét, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quân đội Mỹ.
Sức sáng tạo của ông đã biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng đôi khi nó cũng biến giấc mơ thành một cơn ác mộng. Dự án cầu Goryeong là một trường hợp như thế. Cách làm việc thiếu kế hoạch và dự trù chi tiết đã đẩy cả gia đình ông vào cảnh nợ nần. Công trình đường cao tốc ở Thái Lan cũng vậy. Tuy nhiên, ông lại khẳng định tất cả chỉ là “trải nghiệm” của ông. Nhờ có những trải nghiệm ấy mà ông có cơ hội được bước vào thị trường Việt Nam và Trung Đông.
Sức sáng tạo của Chung Ju-yung được tạo nên từ cách suy nghĩ tích cực của ông. Mọi việc ông làm đều được thực hiện với thái độ tích cực. Câu cửa miệng của ông, “Thế đã làm thử chưa?” cũng là biểu hiện cho cách suy nghĩ ấy. Nhờ vậy mà ông có cách nhận thức khác về nguy cơ và không sợ thất bại. Chính nhận thức về nguy cơ đã mang đến cho ông nhiều cơ hội.
Tính cần cù được thừa hưởng từ người cha cũng là một phần vốn liếng giúp ông nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Ông luôn tự nhủ: “Chỉ khi làm việc hết sức thì mới nắm bắt được cơ hội kinh doanh”.

Thuở nho, ông luôn được cha dắt ra đồng, nơi chính là công trường của cuộc sống. Đến khi trưởng thành, ông cũng không ngừng khuấy động các công trường. Chỉ cần có thời gian là ông lại ra công trường. Ngay cả khi trở thành chủ tịch tập đoàn, Chung Ju-yung vẫn không chịu ngồi yên trước bàn giấy.
Ông chính là hình mẫu CEO gắn bó với công trường, dù ở nhà máy sản xuất ô tô hay xưởng đóng tàu. Với ông, phải nắm bắt bao quát được tình hình ở hiện trường mới có thể ra được những quyết định thần tốc và chính xác.
Ông cũng dành nhiều thời gian cho các công nhân vì nghĩ cần phải hòa cùng một nhịp cùng với họ. Ông cùng họ ăn cơm, cùng họ uống rượu, thậm chí cùng họ đấu vật. Micheal Porter, một học giả kinh tế Đại học Harvard từng ví Chung Ju-yung là một cao bồi trong thời kỳ khai phá miền Tây.

Lee Byung-chul: Khả năng phân tích chi tiết
Sự nhạy bén của Lee Byung-chul trái ngược hoàn toàn với sự sáng tạo để làm những điều tưởng như bất khả của Chung Ju-yung. Điểm mạnh của ông là kinh nghiệm phong phú, kế hoạch tỉ mỉ và điều tra tài liệu triệt để.

Việc ông chuyển từ ngành mậu dịch sang ngành chế tạo sản xuất cũng trải qua một quá trình phân tích như thế. Ông xem xét các số liệu thống kê trong ngành thương mại để xem mặt hàng nào được nhập khẩu nhiều nhất, sau đó tìm hiểu năng lực công nghệ của mình trong việc sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, kiểm tra khả năng có thể sản xuất băng vốn sẵn có. Ông còn tính toán thời gian cần thiết kể từ khi nhà máy đi vào vận hành cho đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường, dự đoán dòng tiền sau khi sản xuất được mặt hàng.
Một doanh nhân nhạy bén luôn biết điều mà thời đại cần nhất là gì. Có một thời Lee Byung-chul từng bị chỉ trích là chỉ sản xuất hàng tiêu dùng. Nhưng dưới sự điều hành của Park Chung-hee, nền công nghiệp nặng và hóa chất cũng không khác gì so với nền kinh tế kế hoạch ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, vì chúng đều đi ngược quy luật cơ bản về cung cầu trong kinh tế học. Đó là lý do mà ngành công nghiệp nặng và hóa chất dễ bị suy thoái trước các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi nhu cầu đột ngột giảm mạnh.
Tuy nhiên, ngành sản xuất hàng tiêu dùng mà Lee Byung-chul chọn trong thời kỳ đầu lập nghiệp lại khác. Toàn bộ mặt hàng này đều dành cho thị trường trong nước. Lee Byung-chul nhắm đến nhu cầu lớn nhất của mọi người thời bấy giờ. Một ngành khác cho thấy rõ sự nhạy bén của ông là ngành công nghiệp chất bán dẫn. Lúc bấy giờ, thị trường chất bán dẫn đang do Mỹ và Nhật chia nhau nắm giữ, Hàn Quốc tham gia sau nên cơ hội thành công rất mong manh. Nhiều người còn chỉ trích rằng nhúng tay vào ngành này mà thất bại sẽ khiến cả nền kinh tế Hàn Quốc chao đảo.
Dù vậy, Lee Byung-chul vẫn theo đuổi ngành công nghiệp chất bán dẫn như chạy theo một canh bạc đầy mạo hiểm. Người ta lại tiếp tục chỉ trích đây không phải là phong cách của Lee Byung-chul, mà là phong cách của Chung Ju-yung. Nhưng thật ra trước khi bắt đầu làm ngành này, Lee Byung-chul đã chuẩn bị rất kĩ lương.
Mỗi năm, cứ vào dịp đầu năm và cuối năm là ông lại sang Tokyo. Tại đây, ông gặp gỡ bạn bè, các nhà báo, học giả để thu thập thông tin và nắm bắt tình hình biến động của thế giới. Sau khi phân tích các thông tin thu thập được, ông mới chọn ngành công nghiệp bán dẫn làm ngành công nghiệp tương lai. Nhờ sự lựa chọn ấy mà Hàn Quốc đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường phát triển thành một cường quốc công nghệ thông tin.
Độ nhạy ben của Lee Byung-chul được thể hiện ngay cả trong những thất bại đầu đời của ông. Khi chiến tranh Trung − Nhật nổ ra, cửa hàng xay xát gạo và công ty vận tải do ông khổ công gây dựng cũng tan biến thành mây khói. Giữa lúc đó, sự nhạy bén đã mang lại cho ông sức mạnh mới. Về sau, mỗi khi làm bất cứ việc gì, Lee Byung-chul đều bắt đầu từ việc thu thập tài liệu và thông tin.
Từ đâu mà Lee Byung-chul có những tố chất ấy? Được cha tin tưởng, Chung Ju-yung là người khá liều lĩnh và tích cực trong mọi việc. Lee Byung-chul thì ngược lại, ông luôn phải cố gắng hết sức để không phạm phải bất cứ sai lầm nào dù là nho nhất với mong muốn được người cha lãnh đạm của mình công nhận. Muốn vậy, ông buộc phải làm việc với sự chuẩn bị chu đáo, không được phép vội vàng.
Trong tự truyện của mình, Lee Byung-chul viết: “Cha tôi không cho phép tôi vội vàng khi làm bất cứ việc gì. Ông nói không được xử lý mọi việc một cách quá sức”. Khi còn nhỏ, Lee Byung-chul liên tục chuyển trường mà vẫn không thể thích nghi được với môi trường trường lớp, nhưng khi trưởng thành và đủ chín chắn, ông lại làm theo những gì cha mình đã dạy. Trước khi kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, ông đều lập kế hoạch tỉ mỉ và điều tra cặn kẽ.
Lee Byung-chul là người cầu tiến, luôn cố gắng vươn lên vị trí dẫn đầu. Thuở nho, ông rất ghét bị thua kém bạn be. Tâm lý này bắt nguồn từ ý thức cạnh tranh với người anh lớn hơn mình nhiều tuổi. Đồng thời, chính tâm lý này cũng giúp ông luôn có niềm tin vững chắc về vị trí dẫn đầu trong mọi việc. Tuy sinh sau đẻ muộn so với LG, nhưng công ty Điện tử Samsung đã phấn đấu vươn lên vị trí số 1. Samsung cũng đi sau Mỹ và Nhật trong ngành công nghệ bán dẫn nhưng cuối cùng đã giành được vị trí dẫn đầu trong giới.
Koo In-hwoi: Gây dựng những “cái đầu tiên” và duy trì dựa trên yếu tố “nhân hòa”
Gắn liền với cái tên Koo In-hwoi là hàng loạt những thành tích “đầu tiên”. Ở Hàn Quốc, ông là người đã chế tạo ra những sản phẩm nhựa đầu tiên, kem đánh răng đầu tiên, chiếc radio đầu tiên, chiếc điện thoại đầu tiên, chiếc tivi đầu tiên, bột giặt tổng hợp đầu tiên, v.v…
Năm 1958, giữa lúc tàn tích của cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa được xóa bỏ, Koo In-hwoi đã lập ra Công ty Goldstar để bước vào ngành công nghiệp điện tử. Ông lập ra công ty điện tử này với hình thức như công ty liên doanh hiện nay khi thấy chiếc radio của Mỹ làm mưa làm gió trên thị trường nội địa.

Sở dĩ Koo In-hwoi có thể khai phá những ngành công nghiệp mới vì ông dựa trên nền tảng của sự “nhân hòa”. Ông phát triển công việc kinh doanh cùng với những người anh em trong gia đình và người nhà họ Huh. Sự hợp tác làm ăn được duy trì suốt ba đời là biểu hiện của sự hòa hợp và tin tưởng lẫn nhau, một nét đẹp hiếm thấy.
Táng 3 năm 2005, hai gia đình đón chào một bước khởi đầu mới với sự ra đời của Công ty GS, kết thuc 57 năm đồng hành. Koo Bon-moo, cháu trai của Koo In-hwoi, đã đọc diễn văn chúc mừng với tư cách Chủ tịch LG: “Trong suốt nửa thế kỷ qua, LG và GS đã luôn bên nhau như một gia đình, cùng vượt qua mọi gian nan, vất vả để giữ vững danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu của Hàn Quốc.”
Đó là giây phút dòng họ Koo và dòng họ Huh chấm dứt mối quan hệ “sống chung”. Khi Chủ tịch Koo kết thúc bài phát biểu chúc mừng, Chủ tịch GS Huh Chang-soo, vừa là thông gia vừa là cộng sự của ông, cùng 300 công nhân viên GS đã chào đón bằng một tràng pháo tay dài không dứt. Làm thế nào mối quan hệ cộng sự này lại được duy trì tốt như vậy? Một mặt là nhờ có niềm tin, sự thấu hiểu và bao dung, mặt khác, họ còn biết xử lý vốn góp kinh doanh một cách minh bạch.
Hợp tác làm ăn chung là việc rất dễ khiến người thân trong gia đình quay lưng với nhau, nhưng hai gia đình lại chưa một lần tranh chấp quyền kinh doanh.
Việc bổ sung ưu điểm và khỏa lấp điểm yếu cho nhau cũng là một cách để duy trì mối quan hệ hợp tác trong suốt một thời gian dài như vậy. Những người nhà họ Koo chủ yếu làm ở bộ phận kế hoạch, chuyên lập chiến lược cho công ty và vẽ ra một bức tranh toàn cảnh cho công việc kinh doanh.
Trong khi đó, những người nhà họ Huh lại khá cẩn thận và giỏi tính toán nên chủ yếu làm trong bộ phận tài vụ. Những công ty có thể quản lý tốt mối quan hệ tương hỗ trong nội bộ thường phân chia công việc theo cách thức như vậy. Koo In-hwoi sống hòa thuận cùng đối tác của mình, giữ gìn tình đồng nghiệp, và nhờ đó ông có thể đạt được những “cái đầu tiên”.
Chú thích:
[1] Helmuth Johannes Ludwig von Moltke (1848 – 1916) là Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức từ năm 1906 đến cuối năm 1914.
[2] tức Seoul và Incheon.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.