30.12.19

Điểm tựa để "chung thuyền"

Đâu là điểm tựa để các thành viên gắn bó với doanh nghiệp, làm việc vì sứ mệnh và tuân thủ theo những tiêu chí, cam kết của thương hiệu trong mọi hoạt động của mình?


Điểm tựa để "chung thuyền"
Khi mà những nhân viên ưu tú và lương cao chót vót của Google cũng muốn bỏ việc để theo đuổi những ước mơ và mục tiêu riêng của mình? Liệu đó có phải là sự thăng tiến và thành công? Đâu là điểm tựa để các thành viên gắn bó với doanh nghiệp, làm việc vì sứ mệnh và tuân thủ theo những tiêu chí, cam kết của thương hiệu trong mọi hoạt động. Liệu đó có phải là mức lương cao?
Thực tế, các câu chuyện kinh doanh trên thế giới đã và đang chứng minh, sự phát triển của các thương hiệu toàn cầu, hầu như đều xoay quanh một điểm tựa khi xây dựng các giá trị cốt lõi cho thương hiệu, đó là nhân sự.
Giá trị cốt lõi đầu tiên đã làm nên đế chế công nghệ và phương thức Samsung là xem trọng nhân tài. Samsung tin tưởng rằng, mọi nhân viên đều là nhân tài ưu tú, có năng lực và tiềm năng đặc thù, và là nguồn động lực có thể thay đổi thế giới. Từ giá trị cốt lõi này, Samsung đã xây dựng nên một văn hóa tổ chức đầy sáng tạo để mọi thành viên của tập đoàn có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo, làm nền tảng để Samsung thực hiện phương thức quản trị sáng tạo mà tập đoàn luôn hướng tới. Và những chính sách được áp dụng theo thời gian để thực hiện được tinh thần đó tại hệ thống Samsung trên toàn cầu là áp dụng các chế độ củng cố tính tự chủ, giảm thiểu kỷ luật áp đặt, xúc tiến chương trình cải thiện môi trường làm việc, chế độ trang phục, chế độ thời gian làm việc tự do, chế độ tuyển dụng lao động nữ, chính sách khen thưởng... Tất cả để tạo ra một ý thức “Samsung thống nhất”. Tất cả, có lẽ, cũng chính là để theo đuổi quan điểm: Cùng tồn tại, cùng phát triển của Samsung.
Một câu chuyện khác, cũng lấy nhân sự là một trong những nguyên tắc trọng tâm, nhưng tạo ra văn hóa doanh nghiệp theo một phương thức khác, phương thức Toyota. “Phát triển các cá nhân và tập thể xuất sắc có thể tuân thủ triết lý của công ty”. Theo phương thức ấy, “Toyota thiết lập một sự cân bằng tuyệt hảo giữa công việc cá nhân và công việc theo nhóm, cũng như giữa thành tích cá nhân và hiệu quả của tập thể”. Phương thức đó được xây dựng trong toàn hệ thống Toyota trên khắp thế giới, dựa trên các lý thuyết về động lực bên trong như:
+ Tháp nhu cầu Maslow: Trả lương xứng đáng, công việc ổn định và làm việc trong một môi trường an toàn có kiểm soát. Đồng thời, thỏa mãn những nhu cầu được tự tin khẳng định bản thân trong hoạt động đội nhóm.
+ Lý thuyết về làm giàu công việc của Herzberg: Tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, với những yêu cầu thách thức nhưng đủ mang lại sự phong phú cho các thao tác làm việc và sáng tạo. Tạo điều kiện cho nhân viên, đội nhóm được chịu trách nhiệm và phát huy cao nhất trách nhiệm, sự chủ động của mình trong xử lý công việc.
Cùng với các lý thuyết bên trong này là các lý thuyết về động lực bên ngoài:
+ Đó là phong cách quản lý khoa học của Taylor (còn được gọi là chủ nghĩa Taylor - là lý thuyết quản lý nhằm nâng cao năng suất lao động được phát triển trong thập niên 1890 bởi Frederick Winslow Taylor), với hình thức khuyến khích nhân viên bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng, đào tạo huấn luyện cho họ để đạt chuẩn và thưởng thêm nếu vượt định mức. Bằng việc áp dụng lý thuyết này, dù làm việc đội nhóm hay cá nhân, thì kết quả công việc chính là cái đích cần đến trước mắt và trên hết.
+ Đó là thuyết hiệu chỉnh hành vi - một lý thuyết giúp Toyota tổng hòa hơn trong việc sử dụng thưởng - phạt đúng nơi, đúng lúc, để động viên khuyến khích nhân viên.
+ Thuyết đặt mục tiêu hướng tới sự cải tiến. Để nhân viên, cùng với thương hiệu, luôn có động lực vươn lên một tầm cao mới hơn trong công việc, cuộc sống của mình, đồng hành cùng phát triển.
Đó cũng chính là con đường đã giúp cho Toyota luôn có được những nhân viên không chỉ tận tụy mà còn không ngừng sáng tạo trên toàn thế giới.
Từ hai ví dụ trên, có thể thấy, đối với nhân viên, dù ở vị trí của bất kỳ ai, từ cấp quản lý tới người làm truyền thông thương hiệu, hay nhân viên tạp vụ, điểm tựa của họ, ngoài các yếu tố liên quan tới lương, các điều kiện làm việc, thì văn hóa doanh nghiệp, những triết lý của doanh nghiệp dành cho nhân sự, cho mục tiêu cuộc sống và sự nghiệp của họ - góp phần không nhỏ quyết định việc đi hay ở, cống hiến hay thờ ơ, học tập phát triển hay dậm chân tại chỗ.
Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp với triết lý xoay quanh nhân sự - chính là một trong những điểm tựa chắc chắn, để nhân viên chọn “chung thuyền” hay không cùng doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.