9.3.20

Lời khuyên đắt giá từ huyền thoại Howard Marks – NĐT nên làm gì khi thị trường đổ xô bán tháo vì Corona!

Trong bản ghi nhớ (memo) mới nhất vừa qua, Howard Marks, đồng chủ tịch quỹ đầu tư trị giá hàng tỷ đô la Oaktree Capital, đã chia sẻ suy nghĩ của mình về nhà đầu tư đổ xo bán tháo khi dịch coronavirus bùng phát mạnh.
Nghiên cứu có tựa đề là “Không một ai biết II” (Nobody Knows II), bắt đầu bằng một trích dẫn của bản ghi nhớ năm 2008 sau vụ phá sản của Lehman Brothers, đó là lần gần nhất Marks sử dụng tiêu đề này, cũng như bản ghi nhớ của ông từ tháng 1 về việc ra quyết định. Nhà đầu tư đại tài tiết lộ rằng ông không ngạc nhiên khi được yêu cầu chia sẻ quan điểm của mình về coronavirus và dự báo tác động của nó đến thị trường, theo đó ông trả lời, “nếu tôi nêu bất cứ ý kiến gì về coronavirus, nó sẽ không gì hơn ngoài dự đoán.”
Dưới đây là bản ghi nhớ đầy đủ của Howard Marks:
Bản ghi nhớ mới nhất từ Howard Marks: Nhà đầu tư nên mua hay bán khi thị trường bị “cảm” cùng Corona?

Lần cuối cùng tôi sử dụng tiêu đề ghi nhớ này (Nobody knows) là vào ngày 19 tháng 9 năm 2008, hai ngày sau khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản. Đây chắc chắn là thời điểm thích hợp để tái sử dụng nó.
Trong vài tuần qua, tôi đã được hỏi nhiều lần về quan điểm của mình đối với coronavirus và ý nghĩa của dịch bệnh đối với thị trường. Tôi đã sẵn sàng câu trả lời, nhờ một số điều từ bản ghi nhớ vào tháng một của tôi chính là You bet! Bạn có thể nhớ, tôi đã rút ra rất nhiều trích dẫn từ cuốn sách Annie Duke, về việc ra quyết định, suy nghĩ trong cá cược. Trong đó, trích dẫn tôi sử dụng nhiều nhất kể từ bản ghi nhớ được công bố vào ngày 13 tháng 1 là câu này:
Một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào sẽ có lợi thế hơn một tân binh. Nhưng cả cựu binh lẫn tân binh đều không thể chắc chắn lần búng tay tiếp theo sẽ trông như thế nào. Người lão làng cùng lắm cũng chỉ có dự đoán tốt hơn mà thôi. (Nhấn mạnh)
Nói cách khác, nếu tôi nêu bất cứ ý kiến gì về coronavirus, nó sẽ không gì hơn ngoài dự đoán.
Tôi từng viết về phản ứng của mình khi mọi người ở Trung Quốc phỏng vấn quan điểm của tôi về tương lai đất nước của họ. Tôi bảo, “Các anh sống ở đó còn tôi thì không. Tại sao anh lại hỏi tôi?” Không chỉ bản thân chẳng phải chuyên gia về Trung Quốc, mà tôi còn tin rằng tương lai của một quốc gia không phải thứ để dự đoán, đặc biệt là một quốc gia hoạt động dưới một hệ thống chính trị độc nhất. Tôi cho biết ý kiến ​​của mình về tương lai của Trung Quốc, nhưng vội vàng chỉ ra rằng nó không có gì ngoài linh cảm. Mọi người có thể hỏi ý kiến ​​của tôi vì họ nghĩ tôi thông minh, nghĩ tôi là nhà đầu tư thành công hoặc biết tôi đã sống qua rất nhiều thời kỳ lịch sử.
Nhưng không nên nhầm lẫn chúng với chuyên môn về mọi loại hình.
Và điều đó dẫn tôi trở lại với coronavirus. Không có ai hiểu biết nhiều về nó, vì đây là lần đầu tiên xuất hiện của loại bệnh này. Như nhà nghiên cứu dịch tễ học Harvard là Mark Lipsitch đã nói trên một podcast về chủ đề này, có (a) sự thật, (b) thông báo ngoại suy từ sự tương đồng với các virus khác và (c) ý kiến ​​hoặc suy đoán. Các nhà khoa học đang cố gắng đưa ra suy luận am hiểu. Cho đến nay, tôi không nghĩ rằng có đủ dữ liệu liên quan đến coronavirus để cho phép họ biến những suy luận (inference) đó thành sự thật (fact). Và nếu một người không phải nhà khoa học nói ra điều gì, rất có thể đó là một phỏng đoán.
Vì vậy, về tổng thể, những nhận định bao gồm sự thật, suy luận và phỏng đoán. Điều cốt yếu mà bạn luôn cần là biết mình đang đối phó với cái gì. Đối với virus, tôi nghĩ không phải ai cũng biết đáp án cho các câu hỏi sau:
  • Vi rút lây lan từ người này sang người khác và từ cộng đồng này đến cộng đồng khác như thế nào? – Người xét nghiệm dương tính có liên hệ hoặc tiếp xúc với những người khác đã nhiệm bệnh hoặc những người ở các quốc gia có dịch bệnh bùng nổ.
  • Có bao nhiêu người sẽ nhiễm bệnh? – Vào ngày 28 tháng 2, chủ tịch Tổ chức Y tế Thế giới “tăng đánh giá về nguy cơ lây lan và nguy cơ ảnh hưởng của COVID-19 lên rất cao ở cấp độ toàn cầu”. Theo bác sĩ Lipsitch, nó sẽ ảnh hưởng từ 40% đến 70% người Mỹ trưởng thành. (Tôi chỉ cung cấp điều này như một ví dụ. Tôi không khẳng định điều đó đúng, hoặc ý kiến ​​của anh ấy được chấp nhận.)
  • Dịch bệnh sẽ hạ nhiệt? – Theo dữ liệu được báo cáo, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã giảm đáng kể, từ 9 trên 13 ngày với hơn 3.000 ca nhiễm nửa đầu tháng 2, xuống còn 8 trên 9 ngày với ít hơn 500 ca vào giai đoạn cuối tháng. Bao nhiêu trong số ca nhiễm thuyên giảm đến từ việc hạn chế người dân tự do di chuyển? Đến mức nào thì xu hướng giảm này có thể được ngoại suy với phần còn lại của thế giới? Một số người nói rằng vi rút sẽ rút xuống khi thời tiết ấm lên, như xảy ra với các loại cúm khác. Điều đó có áp dụng trong trường hợp này không?
  • Hiệu ứng của nó sẽ là gì? – Cho đến nay, chỉ 20% số người nhiễm bệnh trải qua tình huống được mô tả là cao hơn mức độ “nhẹ”, và tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 2-3% số người bị nhiễm. Tỷ lệ này sẽ giữ ở mức cũ? Liệu những người tử vong sẽ tiếp tục chủ yếu tập trung ở những người già và/hoặc bị tổn thương? 2% trong 40-70% người trưởng thành của bác sĩ Lipsitch dự báo một triệu người chết ở Hoa Kỳ, mặt khác, theo Dean Jamison, một nhà kinh tế y tế toàn cầu và giáo sư danh dự tại Đại học California, San Francisco:
… Hoa Kỳ có một hệ thống y tế vượt trội so với Trung Quốc, nơi dịch bệnh là trung tâm và nhiều tháng có dấu hiệu cảnh báo trước… “tôi nghĩ rằng chúng ta dường như không thể chứng kiến dịch bùng phát nặng ở Hoa Kỳ – tức hàng ngàn người chết”, ông nói. (The Wall Street Journal, ngày 2 tháng 3)
  • Biện pháp đối phó nào sẽ được thực hiện? – Trường học và văn phòng sẽ đóng cửa? Mọi người sẽ được yêu cầu ở trong nhà của họ? Thực phẩm sẽ được chuyển đến nhà như tại Trung Quốc? Các sự kiện công cộng lớn sẽ bị hủy bỏ? Một loại vắc-xin sẽ được phát minh, và khi nào?
  • Điều gì sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế? – Nếu mọi người im lặng ở nhà và không thể đi làm, mua sắm, ăn uống hoặc đi du lịch như bình thường, GDP sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Hiệu ứng tài sản tiêu cực sẽ tác động đến xu hướng chi tiêu của mọi người như thế nào? “Tăng trưởng GDP bằng không” có nghĩa là giống như kết quả của năm ngoái – đó là kỳ vọng lạc quan hay thực tế?
  • Thị trường sẽ phản ứng thế nào? – Vì phản ứng của thị trường cuối cùng sẽ tác động đến cả kinh tế và cảm xúc, nên dường như không thể định lượng được nó sẽ đi bao xa.
Tôi muốn nhấn mạnh mục đích của cuộc thảo luận ở trên không phải là đưa ra câu trả lời hoặc có vẻ đầy đủ hoặc có thẩm quyền. Nếu sai, nó chỉ ra mức độ không chắc chắn. Nếu đúng như tôi nghĩ, những điều này hiện chưa được biết và không thể biết được, rõ ràng không thể có một tuyên bố đáng tin cậy nào liên quan đến tác động của vi rút.

Tác động kinh tế

Trong những ngày đầu của dịch bệnh, vi rút corona đang xảy ra sẽ đem lại các hiệu ứng:
  • rõ ràng, một sự thu hẹp lớn của nền kinh tế Trung Quốc diễn ra do đóng cửa nhà máy
  • suy giảm trong chi tiêu bán lẻ ở Châu Á
  • cắt giảm lượng khách du lịch đến và đi từ Châu Á
  • tác động quan trọng của việc đóng cửa một phần thiết yếu trong chuỗi cung ứng thế giới
Các hiệu ứng chuỗi cung ứng đặc biệt quan trọng. Sự vắng mặt của một thành phần dù nhỏ ở Trung Quốc có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất một thiết bị lớn. Việc dịch chuyển nguồn cung ứng sẽ là thách thức vì mất nhiều thời gian và không có gì đảm bảo các địa điểm mới sẽ không chìm trong dịch bệnh.
Gần đây, hậu quả đã vượt ra ngoài châu Á và gần hơn với Hoa Kỳ, và chúng đã phát triển thành quy mô trên toàn thế giới ngoài châu Á:
Nestlé SA đình chỉ công tác quốc tế cho hơn 290.000 nhân viên cho đến ngày 15 tháng 3. Một số hãng hàng không Hoa Kỳ đang hủy các chuyến bay đến Trung Quốc và miễn phí thay đổi chuyến cho hành khách đi đến các điểm đến bị ảnh hưởng khác. Các công ty may mặc và giày dép của Mỹ đang phải đối mặt với sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa mùa xuân. Lối đi ở gian hàng đồ chơi có thể trống khi sản xuất búp bê Barbies và súng Nerf ở Trung Quốc bị san phẳng. Và các nhà khai thác tàu container đã hủy 40 chuyến đi tại cảng Los Angeles cho đến ngày 1 tháng 4, chủ yếu cho các tàu đến từ Trung Quốc. (The Wall Street Journal, ngày 2 tháng 3)
Những lý do cho tác động kinh tế có thể dễ hiểu, nhưng tác động tập thể của chúng không thể định lượng nhiều như hầu hết các hiện tượng kinh tế. Có nhiều dự báo được đưa ra như số lượng các nhà dự báo vậy:
S&P Global dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 1% hàng năm trong quý đầu tiên từ tốc độ 2,1% trong quý IV năm 2019, với 0,5% do coronavirus. Trong cả năm, hiệu ứng sẽ khiêm tốn, làm giảm 0,1-0,2% tăng trưởng. Nhưng dự báo đó giả định tác động chủ yếu ở nước ngoài. (The Wall Street Journal, ngày 2 tháng 3)
Ông Jamison [giáo sư danh dự UCSF như giới thiệu ở trên] cho biết một kịch bản như vậy vẫn có thể khiến các doanh nghiệp và trường học ở Hoa Kỳ đóng cửa, tạm hoãn mạng lưới giao thông, và cắt giảm 0,5% tăng trưởng kinh tế trong năm. Điều đó đủ để làm chậm nền kinh tế nhưng không gây ra suy thoái, hoặc thu hẹp kinh tế trong hai quý liên tiếp. Ông kỳ vọng không có sự kiện nào kéo dài hơn vài tháng và được theo sau bởi sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế. (Ibid.)
“Bạn có tất cả các thành phần cho sự gián đoạn của hoạt động kinh tế ở đây”, ông Carl Tannenbaum, chuyên gia kinh tế cao cấp của Northern Trust nói, “tác động của những gì diễn ra đang bị đánh giá thấp”. Ông cho biết thêm, “Tôi không nghĩ là giả định của một tháng trước khi cho rằng điều này sẽ qua đi, là thái độ thích hợp vào thời điểm này”. (Ibid.)
Những kỳ vọng tự hoàn thành (Self-Fulfilling Expectations) đặt ra những rủi ro kinh tế thực sự: Người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn Chỉ số kỳ vọng của người tiêu dùng (ICE) của Morning Consult đã giảm 2,5 điểm kể từ ngày 24 tháng 2 và hiện đang ở mức 112,9. Nỗi sợ hãi đối với các nhà hoạch định chính sách là sự trượt dốc trong kỳ vọng tương lai của người tiêu dùng trở thành lời tiên tri tự hoàn thành: Khi nhiều người tiêu dùng kỳ vọng nền kinh tế thu hẹp trong những tháng tới, họ có nhiều khả năng trì hoãn việc mua hàng, từ đó làm giảm tổng cầu của Mỹ. (Morning Consult, ngày 1 tháng 3)

Phản ứng của nhà đầu tư

Sự sụt giảm thị trường trong bảy ngày giao dịch từ 20-28 tháng 2 chắc chắn thể hiện phản ứng tiêu cực rất mạnh. Chẳng hạn S&P 500 giảm 432 điểm, tương đương 12,8%. Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy độ lớn của nó:
Sự sụp đổ của thị trường trong hai tuần qua thực sự mang tính lịch sử: xác suất xảy ra của nó tương đương 0,1% kể từ năm 1896; tốc độ của sự lao dốc và tăng vọt của VIX là nhanh nhất; và lợi tức trái phiếu 10 năm ở mức thấp mọi thời đại. (Hao Hong, BOCOM International, công ty con của Bank of Communications, ngày 1 tháng 3)
Mặc dù chúng ta chỉ mới tham gia, giai đoạn căng thẳng này nằm trong những giai đoạn đáng kể nhất trong 25 năm vừa qua, gia nhập một nhóm đứng đầu bao gồm Khủng hoảng châu Á (1997), LTCM (1998), vụ tấn công Trung tâm thương mại thế giới (2001), bê bối kế toán (2002), Big One (2008-2009), cú sụt giảm chớp nhoáng (2010), Khủng hoảng nợ công châu Âu (2011) và sự kiện VIX (2018). (Dean Curnutt, Cố vấn rủi ro vĩ mô, ngày 1 tháng 3)
Không có nghi ngờ gì về việc coronavirus đại diện cho một vấn đề lớn, hoặc phản ứng nghiêm trọng cho đến nay. Điều thực sự quan trọng là liệu sự thay đổi giá cả có tỷ lệ thuận với sự xấu đi của các yếu tố cơ bản hay không.
Đối với hầu hết mọi người, dễ dàng để nói rằng (a) đây là căn bệnh nguy hiểm, (b) nó sẽ có tác động tiêu cực đến kinh doanh, (c) nó khởi động phản ứng lớn cho đến nay và (d) chúng ta không có cách nào để biết sự suy giảm sẽ diễn biến như thế nào, vì vậy (e) chúng ta nên bán để tránh bị tổn thương thêm. Nhưng không có điều nào ở trên đồng nghĩa với việc bán ra nhất thiết là điều nên làm.
Tất cả những tuyên bố này phản ánh một biện pháp bi quan. Tuy nhiên, không có căn cứ để nói rằng sự bi quan đó là phù hợp, không đầy đủ hay quá mức. Tôi từng viết trong On the Couch, (tháng 1 năm 2016) rằng, “trong thế giới thực, mọi thứ thường dao động giữa ‘khá tốt’ và ‘không quá sốt’. Nhưng trong thế giới đầu tư, nhận thức thường dao động từ ‘hoàn hảo’ đến ‘vô vọng’.” Điều tôi có thể nói là một tháng trước, hầu hết mọi người nghĩ rằng triển vọng vĩ mô là thuận lợi đồng đều, và họ gặp khó khăn khi nghĩ đến một chất xúc tác tiêu cực với khả năng nghiêm trọng. Và bây giờ chất xúc tác không thể tưởng tượng được xảy ra và đầy đáng sợ.
(Có một vài bài học quan trọng ở đây. Đầu tiên, chất xúc tác cho suy thoái hoặc điều chỉnh không phải lúc nào cũng có thể lường trước được. Thứ hai, nó có thể xuất hiện đột ngột, chẳng hạn như dịch bệnh corona. Và thứ ba, một chất xúc tác không lường trước có khả năng lớn hơn khi nó va chạm một thị trường phản ánh sự lạc quan đến mức nó “được định giá cho sự hoàn hảo”.)
Trước khi rời chủ đề này, tôi muốn đề cập đến một số điều phi logic đánh dấu phản ứng thị trường hiện tại, cho tôi biết thị trường không thể dựa vào lý do phản ánh:
  • Một số người đang so sánh coronavirus và phản ứng thị trường của nó với sự kiện ngày 11/9. Nhưng đó là một sự kiện kéo dài một ngày và không có lý do gì để xem xét đó là mô hình phù hợp cho trường hợp này.
  • Có thể nói rằng tác động tiêu cực tính đến nay là bừa bãi. Cổ phiếu của Amazon và Alphabet (Google) đã trải qua sự sụt giảm gắn liền với thị trường chung. Nhưng chắc chắn vì không dựa vào sự có mặt trực tiếp của khách hàng, họ có thể miễn dịch với tác động của virus so với hầu hết các doanh nghiệp khác. Và Amazon với các đơn đặt hàng điện tử và giao hàng tại nhà, thực sự có thể tìm thấy lợi thế trong tình hình hiện tại.
  • Không chỉ các cổ phiếu bị tấn công trong tuần qua, mà cả vàng cũng vậy. Vì vàng được coi là nguồn bảo vệ cuối cùng trong thời gian trật khớp, tôi không thể tưởng tượng ra lý do khiến nó giảm đồng thời với cổ phiếu trong sự điều chỉnh thị trường.
  • Để an toàn, mọi người đổ xô vào tín phiếu kho bạc 10 năm, trả giá cao và giảm lợi suất xuống 1,1%. Nếu bạn nghĩ về nó, điều này không khác nhiều với lãi suất âm mà tôi đề cập trong tháng Mười. Làm thế nào có thể thực hiện một khoản đầu tư đảm bảo lợi nhuận 1,1%/năm trong 10 năm tới? Và xem xét câu hỏi đó trong bối cảnh tỷ lệ cổ tức 2% đối với S&P 500, hoặc có lẽ là lợi nhuận của nó gần 6% (dựa trên dự báo thu nhập trước đó). Tôi không phải là một người sùng bái cổ phiếu, nhưng làm sao có thể mua tài sản có tỷ suất lợi nhuận như vậy trong 10 năm.
Cuối cùng tôi muốn kêu gọi sự chú ý của bạn đến “nhóm giai đoạn căng thẳng cao nhất” trong 25 năm qua được liệt kê ở trên bởi Dean Curnutt. Tất cả chúng đều rất đau đớn. Và chúng được theo sau bởi sự phục hồi và tạo ra lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư kiên định.
Hầu hết các nhà đầu tư dường như nghĩ về một mối quan hệ rất đơn giản: tin xấu → giá giảm. Và chắc chắn chúng ta đã thấy một số điều như vậy trong tuần qua hoặc lâu hơn. Nhưng tôi đã tranh luận trong quá khứ rằng có nhiều câu chuyện hơn. Quá trình thực sự là: tin xấu + suy giảm tâm lý → giá giảm. Chúng ta nghe tin xấu, và chúng ta thấy giá giảm. Nhưng nếu tâm lý suy giảm quá nhiều, có thể lập luận rằng việc giảm giá quá mức cũng tệ như tin tức đưa ra.

Chính sách tiền tệ và tài khóa

Tin tốt là nhiều người tham gia thị trường trông cậy vào các ngân hàng trung ương và kho bạc của thế giới giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Dưới đây là một ví dụ:
[Vào ngày 28 tháng 2,] Chủ tịch Fed, ông Powell đưa ra một tuyên bố ngắn gọn rằng, “các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, coronavirus gây ra rủi ro cho hoạt động kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang theo dõi chặt chẽ sự phát triển và ý nghĩa của chúng đối với triển vọng kinh tế. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế”. Sau tuyên bố của ông Powell, các thị trường tương lai đã chuyển sang mức giá cao khi cắt giảm lãi suất 0,5% (Kinh tế RDQ, ngày 28 tháng 2).
Những người tham gia thị trường dường như nghĩ rằng (a) cắt giảm lãi suất và các kích thích khác luôn là một điều tốt và (b) chúng sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, do tác động kinh tế của dịch bệnh này không thể nhận biết được, làm thế nào các nhà đầu tư có thể lạc quan về khả năng của Fed (cộng với các ngân hàng trung ương và kho bạc khác) gây tác động chống lại nó?
0,5% trong tháng này có thể hay không thể ngăn chặn làn sóng. Nhưng các nhà đầu tư có thể suy ra từ câu nói của ông Powell “chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động phù hợp” và Fed “sẽ làm những gì cần làm”. Nhưng chúng ta phải lưu tâm đến những hạn chế của “đạn dược”. Trong On the Other Hand (tháng 8 năm 2019), tôi đã cung cấp một danh sách “các cách thức khiến lãi suất thấp không mong muốn và có khả năng gây hại”. Cách cuối cùng là:
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, khi lãi suất thấp, các ngân hàng trung ương không có quyền sử dụng công cụ tốt nhất của họ để kích thích các nền kinh tế: khả năng cắt giảm lãi suất.
Chương trình bình thường về cắt giảm lãi suất gồm khoảng 5%. Đó không phải là suy nghĩ đáng khích lệ khi chúng ta nghĩ về thực tế tỷ lệ lãi suất ngắn hạn chỉ ở mức 1,5%. Điều chúng ta biết là Fed không có chỗ cho chế độ cắt giảm lãi suất thông thường (có một sự thống nhất trong việc không cắt giảm đến mức lãi suất âm).
Hơn nữa, chúng ta phải tự hỏi về mong muốn sử dụng 0,5% (trong 1,5%) mà Fed được quyền sử dụng. Liệu cắt giảm mức này sẽ đủ? Và Fed sẽ có thể làm gì khi tác động kinh tế của vi rút chấm dứt nhưng chúng ta chỉ còn lại 1% hoặc ít hơn để chống lại suy thoái (nếu xuất hiện)?
Các sự thật liên quan đến chính sách tiền tệ và tài chính là:
  • Năm 2009, để chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, lần đầu tiên Fed đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống 0%.
  • Không muốn phá hủy sự phục hồi tiếp theo, FED do dự nâng lãi suất trước khi bà Yellen ban hành một loạt các lần nâng lãi suất trong năm 2015-18, đưa lãi suất liên bang lên 2,25-2,50%.
  • Khoảng cuối năm 2018, khi lãi suất đạt đến mức mà các nhà đầu tư lo ngại sẽ gây nguy hiểm cho việc mở rộng kinh tế, ông Powell đã đảo ngược tình thế và bắt đầu thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất liên tiếp.
  • Vì vậy, ngày nay chúng ta có 1,5% như tôi đã đề cập ở trên – “đạn dược giới hạn”.
  • Ngoài việc cắt giảm lãi suất, Fed có khả năng bơm thanh khoản vào nền kinh tế bằng cách tham gia nới lỏng định lượng thông qua việc mua trái phiếu chính phủ. Nhưng chúng ta không thể biết tác động lâu dài của việc mở rộng bảng cân đối của Fed.
  • Cuối cùng, nhìn vào Fed, chúng ta có thể nghĩ về chính sách tài khóa (ví dụ tăng chi tiêu thâm hụt). Nhưng điều này sẽ tăng thêm nợ quốc gia của chúng ta.
Thông thường, kích thích tài khóa và tiền tệ được áp dụng trong thời điểm kinh tế suy yếu. (Ngay cả Lord Keynes, người mà nhiều người coi là cha đẻ của chi tiêu thâm hụt, đã ủng hộ thâm hụt và tích lũy nợ khi nền kinh tế tăng trưởng quá chậm để tạo ra việc làm, và sau đó trả nợ khi kích thích sản xuất thặng dư.) Bây giờ chúng ta có lãi gần như bằng không và thâm hụt hàng nghìn tỷ đô la trong thời kỳ thịnh vượng. Không ai muốn suy thoái, nhưng sử dụng hết đạn dược có thể không phải cách thông minh.
Công cụ của Fed hay chính phủ nhằm chống lại tác động kinh tế của coronavirus rất hạn chế. Vì vậy, tôi tin rằng mọi người không nên lạc quan về sức mạnh của họ tại thời điểm này.

Nhà đầu tư phải làm gì đây? Mua, bán hay giữ?

Những ngày này, mọi người hỏi tôi đây có phải thời điểm để mua vào hay không. Câu trả lời của tôi mang nhiều sắc thái hơn: có lẽ đây là thời gian để mua. Không thể có thời gian mua duy nhất để chúng ta có thể xác định. Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn ngày hôm nay là giá cổ phiếu, chẳng hạn như, thấp hơn rất nhiều so với hai tuần trước.
Cổ phiếu sẽ giảm trong những ngày tới, tuần tới và tháng tới đúng không? Đây là câu hỏi sai… chủ yếu là vì nó là hoàn toàn không thể trả lời. Vì chúng ta không có câu trả lời cho các câu hỏi về vi rút được liệt kê ở phía trên, không có cách nào để quyết định một cách thông minh động thái của thị trường. Chúng ta biết thị trường giảm 13% trong bảy ngày giao dịch. Hoàn toàn không có cơ sở nào để kết luận rằng họ sẽ thua lỗ thêm 13% trong những tuần tới – hoặc họ sẽ tăng thêm một lượng tương tự – vì câu trả lời sẽ được xác định phần lớn bởi những thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. (Tôi nói “phần lớn” là vì nó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các phát triển liên quan đến vi rút… nhưng tương tự như vậy, chúng ta không có cơ sở để đánh giá mức độ phát triển thực tế so với kỳ vọng mà các nhà đầu tư đã tính vào giá tài sản.)
Thay vào đó, đầu tư thông minh – như mọi khi – phải dựa trên mối quan hệ giữa giá cả và giá trị. Nói cách khác, không phải “sự sụp đổ sẽ đi xa hơn sao”? Mà là “sự sụp đổ cho đến nay khiến chứng khoán được định giá đúng; hoặc chúng được định giá quá cao dựa trên các yếu tố cơ bản; hoặc chúng đã trở nên rẻ?” Tôi chắc chắn rằng việc đánh giá giá liên quan đến giá trị vẫn là cách đáng tin cậy nhất để đầu tư trong dài hạn. (Đó là sự thúc đẩy cho toàn bộ cuộc thảo luận ngay phía trên rằng không có gì cung cấp trợ giúp đáng tin cậy trong thời gian ngắn.)
Tôi muốn thừa nhận rằng việc xác định giá trị nội tại không bao giờ là một điều đơn giản. Bây giờ – giả sử khả năng vi rút khiến thế giới tương lai khác rất nhiều so với thế giới mà chúng ta biết – liệu giá trị có đạt đến mức không thể xác định không? Nói tóm lại, tôi không nghĩ như vậy. Những gì tôi nghĩ chúng ta biết là coronavirus không phải là đại dịch như cúm Tây Ban Nha năm 1918, “đã lây nhiễm khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới – khoảng một phần ba dân số trên hành tinh – và giết chết khoảng 20 triệu đến 50 triệu người, bao gồm khoảng 675.000 người Mỹ” (history.com). Thay vào đó, nó giống như một bệnh theo mùa như cảm cúm, thứ mà chúng ta thường mắc phải, chúng ta cần phát triển vắc-xin và học cách đối phó. Cúm giết chết khoảng 30.000-60.000 người Mỹ mỗi năm, và điều đó thật kinh khủng, nhưng nó rất khác với một tai họa không thể kiểm soát được.
Vì vậy, đặc biệt là sau khi chúng ta biết thêm về coronavirus và phát triển một loại vắc-xin, đối với tôi, dường như không có khả năng thay đổi cuộc sống một cách cơ bản và vĩnh viễn như cuộc sống chúng ta đã biết, hay làm cho thế giới trong tương lai không thể nhận diện được và hủy hoại việc kinh doanh hoặc khiến vấn đề định giá trở nên bất khả thi.
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm khoảng 13% so với vùng đỉnh. Đó là một suy giảm lớn, thế giới kinh doanh của Hoa Kỳ – và dòng tiền mà nó sẽ tạo ra trong tương lai – có giá trị thấp hơn 13% so với ngày 19 tháng 2. Câu nói đó có thể khiến tôi nghĩ rằng thị trường bị định giá thấp. Nhưng đó không phải là cách giải thích phù hợp. Nếu nó được định giá quá cao vào ngày 19, thay vì bị định giá thấp ngày hôm nay, sau khi giảm, nó có thể được định giá bớt cao lại. Hoặc nó có thể được đánh giá hợp lý, hoặc thậm chí bị định giá thấp, nhưng nó không phải kết quả tất yếu.
Tôi nghĩ rằng thị trường chứng khoán đã được định giá quá cao hai tuần trước… phần nào đó. Điều này có nghĩa là tôi nghĩ rằng ngày nay, ngay cả với triển vọng kinh doanh ngắn hạn có phần giảm bớt, nó càng gần với giá trị hợp lý, chứ không phải là tặng phẩm. Về mặt con số rõ ràng nhất, tỷ lệ PE của S&P 500 vào khoảng 19, cao hơn gần 20% ​​so với mức trung bình sau Thế chiến thứ II (và có những tranh luận ở cả hai bên về khả năng áp dụng hiện tại của mức trung bình đó). Do đó, sau khi giảm 13%, bạn phải nói tỷ lệ PE khá gần với mức hợp lý (trừ khi thu nhập trong năm sẽ rất khác so với dự kiến ​​trước đây).
Mua, bán hay giữ? Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mua một số thứ, bởi vì chúng rẻ hơn. Nhưng không có lập luận vững chắc nào cho rằng bạn nên đầu tư toàn bộ số tiền mặt của mình, vì chúng ta không biết các sự kiện trong tương lai sẽ tiêu cực như thế nào. Những gì ta sẽ làm là tìm ra số tiền bạn muốn đầu tư vào thời điểm chạm đáy – bất cứ khi nào – và dành một phần để đầu tư vào ngày hôm nay. Cổ phiếu có thể tăng giá, và bạn sẽ rất vui vì bạn đã mua một ít. Hoặc chúng có thể tiếp tục đi xuống, trong trường hợp đó, bạn sẽ có số tiền còn lại (và hy vọng là thần kinh của bạn vững) để mua thêm. Đây là nơi dành cho những người chấp nhận rằng họ không biết điều gì sẽ diễn ra trong tương lai.
Nhưng không ai có thể nói với bạn thời điểm để mua vào. Không một ai biết cả.
3/3/2020, Latest memo from Howard Marks: Nobody Knows II, Happy Live dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.