Không phải ai cũng may mắn sinh ra đã ở vạch đích, bạn phải hành động và thử sai rất nhiều để chạm đến thành công.
Mỗi người có một cách định nghĩa khác nhau về thành công. Có người đo thành công qua số tiền anh ta sở hữu trong tài khoản ngân hàng. Người khác cho rằng thành công là khi một người được sống tự do làm những điều mình muốn. Có muôn vàn định nghĩa cho thành công, điều đáng quan tâm hơn cả là bạn có đạt được đúng những kỳ vọng mình mong đợi hay không.
Khi bạn hỏi ai đó rằng điều họ mong muốn nhất cuộc đời là gì, phần lớn sẽ trả lời rằng họ muốn trở nên “thành công”. Họ muốn thăng tiến trong sự nghiệp, đi xe đẹp, ở nhà to, quan hệ rộng... Cũng vì “thành công” là một mục tiêu mang tính chủ quan, ít người đặt ra được những kế hoạch cụ thể xem mình cần làm gì để đạt được sự thành công họ hằng mong ước. Họ tin là nếu mình nghĩ và nói về nó đủ nhiều, thành công sẽ “tự khắc đến”.
Tất nhiên mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bạn phải hành động, thử sai rất nhiều trước khi chạm đến mục tiêu cao cả ấy. Sau đây là những thói quen bạn nên rèn luyện ngay từ tuổi đôi mươi để tăng khả năng thành công của mình. Bạn bắt tay hành động càng sớm, hậu vận của bạn càng hanh thông sáng sủa.
1. Kết bạn với những người ngoài độ tuổi đôi mươi
Bạn sẽ không học được nhiều nếu chỉ loanh quanh bên những người bạn cùng tuổi. Bạn tiến bộ bằng cách xây dựng mối quan hệ với những người đã đi xa hơn, từng trải và đã tiến đến một giai đoạn cao hơn của cuộc đời. Nếu bạn còn trong độ tuổi 20, hãy kết bạn cả với những người ở độ tuổi 30, 40, 50 và hơn nữa. Đó là những người nắm giữ câu trả lời cho muôn vàn câu hỏi cuộc đời mà người trẻ vẫn băn khoăn đi tìm lời giải chứ không phải những người bạn 23, 24 tuổi có khi còn chẳng biết mình thích gì, là ai, đang ở đâu trên cuộc đời này.
2. Tiết kiệm và đầu tư càng nhiều càng tốt
Tiền bạc là thứ có khả năng sinh sôi mạnh mẽ nhất qua thời gian. Bạn tiết kiệm và đầu tư càng sớm, lãi bạn hưởng qua thời gian càng nhiều. Tài sản đến tuổi nghỉ hưu giữa một người tiết kiệm từ năm 25 tuổi và một người 35 tuổi mới để dành được những đồng tiền đầu tiên khác nhau một trời một vực.
Một điều quan trọng nữa là sự độc lập về tài chính không được khẳng định qua một đôi giày hàng hiệu hay bữa trưa ở nhà hàng đắt tiền, nó chỉ thể hiện khi bạn biết cách biến tiền bạc thành công cụ để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Sự nhanh nhạy và thức thời với tiền bạc làm nên giá trị của bạn, không phải những vật chất phù phiếm tức thời kia.
3. Hạn chế qua lại với những người bạn không có mục tiêu sống rõ ràng
Những người xung quanh là tấm gương phản ánh con người bạn. Đến một giai đoạn nhất định trong cuộc đời, bạn cần ý thức được việc những người thân quen với mình hướng tới điều gì và bạn cần dành bao nhiêu thời gian cho những mối quan hệ đó. Bạn không cần phũ đến độ cắt đứt mọi liên lạc với người từng là bạn thân suốt những năm học phổ thông, nhưng bạn cũng không cần cả nể mỗi tuần hai tối la cà nhậu nhẹt với anh bạn lông bông, đi làm bữa đực bữa cái chỉ chực tan làm để ăn nhậu. Đơn giản vì đó không phải là cuộc sống mà bạn muốn hướng đến.
Tình bạn cũng là một hình thức đầu tư. Hãy tỉnh táo và đầu tư chọn lọc.
4. Chăm đọc sách (ngay cả khi bạn đã rời trường học)
Nhiều bạn trẻ dừng đọc sách từ độ tuổi 20, ngay khi rời ghế nhà trường. Chúng ta đang sống trong thời đại mà Youtube, Netflix lên ngôi. Người dùng có nhiều lựa chọn để giải trí và mở mang hiểu biết hơn nhưng đọc sách là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt và duy nhất. Sách giúp bạn sống chậm lại, nghĩ sâu hơn. Đọc sách là hình thức truyền đạt kiến thức duy nhất cho phép chúng ta tiếp cận với quan điểm của các bậc tiền bối sống cách mình hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ.
Những người thông minh nhất đều chăm đọc sách. Bạn cũng nên hình thành thói quen này.
5. Tìm cho mình các môn rèn luyện thể chất phù hợp
Thành công luôn đồng hành với một thể lực dẻo dai và mạnh khỏe. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta hay gắn rèn luyện thể chất với các môn thể thao sở thích. Càng có tuổi, chúng ta sẽ nhận ra rằng rèn luyện thể chất là một trong số ít các phương pháp giúp kết nối với con người bên trong của mình. Thời gian đến phòng tập gym là khoảng thời gian cá nhân quý giá và một tiếng chạy bộ vào buổi sáng sẽ giúp đầu óc bạn minh mẫn cho cả ngày làm việc dài.
Thay vì đặt ra mục tiêu tập thể dục để người đẹp, hay coi đó như một thói quen lành mạnh giúp bạn thành công trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.
6. Đừng bỏ rơi sở thích cá nhân
Ai cũng có những sở thích riêng làm chỉ đơn giản là vì thích, làm cho vui. Không may là chúng ta có xu hướng bỏ rơi sở thích khi mà cuộc sống ngày càng bộn bề bận rộn. Sở thích trở thành thứ yếu khi sự nghiệp là mối quan tâm hàng đầu, thêm gia đình, con cái, hóa đơn, các kỳ nghỉ lễ... và rồi đến ngày bạn nhận ra đã 10 năm mình không động vào cây guitar yêu thích hay thói quen viết nhật ký thời con gái giờ cũng không còn.
Thế nhưng sở thích là những gì giúp chúng ta có cái nhìn tích cực với cuộc đời. Nó giúp chúng ta nhớ rằng mình không cần hằn học với đời mà hãy tận hưởng những gì đang có.
7. Hy sinh cái lợi ngắn hạn vì lợi ích dài hạn
Người trẻ ở độ tuổi 20 hay ám ảnh với việc mình cần trở nên thành công càng sớm càng tốt. Sự nôn nóng này có mặt tích cực nhưng cũng dễ khiến chủ thể đưa ra những quyết định thiếu tầm nhìn. Ví dụ, bạn thích phương án nào hơn: Mới ra trường, thu nhập 1.000 USD/tháng nhưng chỉ bán hàng vỉa hè hay chấp nhận làm không lương nhưng đổi lại được trực tiếp học hỏi từ tiền bối có nhiều kinh nghiệm mà bạn vô cùng ngưỡng mộ?
Có nhiều người không đồng ý với quan điểm này nhưng đây vẫn là con đường ngắn nhất đi đến thành công. Khi bạn hy sinh những lợi ích ngắn hạn và không ngại đầu tư cho bản thân, khởi đầu của bạn có thể chậm nhưng sau cùng kết quả bạn đạt được sẽ rất xứng đáng về dài hạn.
8. Quan tâm đến nửa kia của mình
Tôi từng nghĩ một người chỉ có thể thành công (ở độ tuổi đôi mươi) nếu người ấy 100% toàn tâm toàn ý với sự nghiệp, nghiện công việc và độc thân. Trên thực tế có rất nhiều doanh nhân sống với tôn chỉ này, một số người khác có một mối quan hệ nghiêm túc thì cũng không đặt người yêu, hôn phu lên vị trí quan trọng nhất đời mình. Thế là đối phương sẽ nói rằng: “Anh ấy lúc nào cũng bận rộn. Anh ấy không có thời gian dành cho tôi.”
Tất nhiên đó không phải là cách tiếp cận nên có đối với công việc và đời sống tình yêu. Từ trải nghiệm của chính mình, tôi nghiệm ra rằng có ai đó ở bên để chia sẻ, đồng hành với mình, ủng hộ mình về mặt tinh thần sẽ không cản trở mình trên con đường đến với thành công. Người bạn đời sẽ khiến cuộc đời của bạn tốt đẹp hơn nên trách nhiệm của bạn là quan tâm đến người ấy và chăm chút cho mối quan hệ của hai người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.