“Lối sống Minimalism” hay còn gọi với cái tên dễ hiểu hơn là “Lối sống tối giản của người Nhật” đang là một trào lưu nổi lên như cồn tại khắp đất nước Nhật và còn lan rộng ra các nước khác trên thế giới. Lối sống này không chỉ là một trào lưu rầm rộ trên mạng xã hội nhất thời, mà nó thực sự là một lối sống đúng đắn. Nó là một hướng đi khá đúng đắn, một nền văn hoá đang được xây dựng.
Chắc hẳn nhiều bạn đọc đã nghe qua về “Lối sống tối giản của người Nhật” nhưng không phải ai cũng hiểu đó là lối sống như thế nào? Làm cách nào để thực hiện theo nó? Vì thế, tác giả Fumio Sasaki đã cho ra đời cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” có tên tiếng anh là “Goodbye, Things” (có nghĩa là Tạm biệt đồ đạc). Cuốn sách này sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm lối sống tối giản là gì? Làm cách nào để bạn ngừng việc mua sắm không cần thiết lại? Lối sống tối giản này không chỉ trong vấn đề đồ đạc mà còn trên nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Mục lục
- Thông tin cơ bản về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
- Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” dành cho ai?
- Tóm tắt cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
- Thông điệp từ cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
- Trích đoạn hay từ cuốn sách
- Đánh giá của độc giả về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Thông tin cơ bản về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
- Thể loại: Nghệ thuật sống đẹp
- Tác giả: Sasaki Fumio
- Năm xuất bản: Tái bản 2018
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Lao Động
- Số trang: 294 trang
- Giá bán: 57.000 VNĐ (Giá tham khảo trên Tiki, thay đổi tuỳ từng thời điểm)
Tác giả Sasaki Fumio sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa. Nhà văn này tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành giáo dục. Tác giả là biên tập viên của một nhà xuất bản. Ngày trước, tác giả đã từng sống trong một căn hộ khá đơn giản nhưng chất đầy đồ đạc, rất lộn xộn và bẩn thỉu. Bắt đầu từ năm 2010, nhà văn bắt đầu sống theo lối sống tối giản. Đồ đạc trong căn phòng của nhà văn cũng ít hơn, đơn giản hơn, sạch sẽ hơn. Đến năm 2014, nhà văn cộng tác với Numahata Naoki – Giám đốc sáng tạo và lập nên trang web dành cho những người muốn theo sống tối giản có tên: Minimal & ism less is future.
Quyển sách “Lối sống tối giản của người Nhật” đề cập đến nhiều vấn đề về những lợi ích mà lối sống tối giản mang lại cho con người. Đồng thời tác giả cũng đưa ra các phương pháp để hạn chế đồ vật sở hữu đến mức tối thiểu. Giọng văn kể chuyện gần gũi, thân mật và nhẹ nhàng, kết hợp với cách kể chuyện duyên dáng, cuốn sách dễ dàng tiếp cận với người đọc và không gây nhàm chán.
Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” dành cho ai?
“Lối sống tối giản của người Nhật” là một cuốn sách rất ý nghĩa và hay dành cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt là dành cho các bạn trẻ hiện nay. Trong cuộc sống ngày nay, giá trị của con người đang bị đánh đồng với vật chất. Vì vậy, cuốn sách có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó sẽ đánh thức chúng ta, để chúng ta nhìn ra đâu mới là ý nghĩa của cuộc sống. Đồng thời cuốn sách cũng đưa ra cách để chúng ta cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Hạnh phúc và bình yên vốn dĩ xuất phát từ chính sự giản đơn và chính trong bản thân mỗi chúng ta!
Lối sống tối giản đang được rất nhiều bạn trẻ người Nhật áp dụng và khá là hiệu quả đối với cuộc sống của họ. Thực tế cho thấy rằng, xã hội ngày càng văn minh và hiện đại, con người càng phát sinh thêm rất nhiều công việc mỗi ngày. Có những công việc là cần thiết, có những công việc là thừa thãi. Thêm vào đó, chúng ta liên tục bị marketing và các quảng cáo tấn công. Chúng bắt ta phải làm thế này thế kia. Chúng bắt ta phải chứng minh giá trị của bản thân qua vật chất, qua những thức đồ giá trị mà ta mua. Nên dần dần, ta bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống. Ta làm những việc không cần thiết, mua những thứ không cần thiết. Vì vậy, mới phát sinh ra nhu cầu tối giản như hiện nay.
Đối với các bạn trẻ đang trong độ tuổi thanh xuân, còn chưa có nhiều trải nghiệm nên có thể không hiểu hết những gì tác giả muốn truyền đạt. Nhưng hãy cứ tìm đọc cuốn sách này đi, đọc và ngẫm nghĩ. Bạn nên đọc đi đọc lại nhiều lần, bạn sẽ hiểu ra những thông điệp mà tác giả muốn nhắn nhủ dần dần.
Đối với những người bắt đầu trưởng thành, đã trải qua một vài khó khăn trong cuộc sống, đã phải lo toan nhiều thứ thì cuốn sách này thực sự rất phù hợp với họ. Trước tiên, cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” sẽ giúp bạn dọn dẹp gọn gàng lại nhà cửa. Sau đó, nó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Không bị đè nặng bởi tâm lý phải mua sắm hoặc chi tiêu. Có thể chi tiêu quá mức sẽ dẫn bạn tới con đường túng quẫn, nợ nần. Đặc biệt, cuốn sách sẽ giúp bạn có cái nhìn khác về hạnh phúc, bạn sẽ không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào những gì người khác nghĩ về mình.
Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống của mình khá lộn xộn. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái dù bạn đang có cuộc sống sung túc, thì đây chính là cuốn sách phù hợp nhất với bạn. Với những người đang loay hoay trong việc mua sắm, đang căng thẳng trong việc quản lý đồ đạc hay đang cảm thấy mệt mỏi, chật vật vì không biết mình theo đuổi điều gì trong cuộc đời này, thì “Lối sống tối giản của người Nhật” chính là một gợi ý thích hợp dành cho bạn!
Tóm tắt cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Quyển sách “Lối sống tối giản của người Nhật” này thuộc thể loại life-style. Đây là một trong những cuốn sách hay về chủ đề định hướng phong cách sống và “tự-giúp-mình”. Nói chung, cuốn sách này thực sự có tác động đến suy nghĩ và hành động của mỗi người. Nội dung chính của quyển sách này là tư tưởng bỏ bớt đồ đạc không cần thiết đi và sống tối giản nhất có thể, để tập trung tâm trí vào những việc quan trọng hơn.
Theo tác giả chia sẻ “Não con người ta là một cỗ máy vi tính 50 ngàn năm nay chưa bao giờ được nâng cấp. Ổ cứng vẫn thế, Ram, CPU vẫn thế. Từ xưa đến nay nó chỉ có vậy mà không tiến hóa gì thêm. Vậy tại sao lại để cho những vật dụng lộn xộn bừa bộn không thể kiểm soát được chiếm mất cái dung lượng não bộ, vốn vẫn thế từ hàng chục ngàn năm nay, và trở vật cản trong cuộc sống của chúng ta.”
Theo cuốn sách này, “lối sống tối giản” được hiểu là giới hạn tối thiểu cần thiết cho bản thân và vứt bỏ tất cả mọi thứ không cần thiết, chỉ để lại những thứ quan trọng. Và những người sống theo lối sống đó gọi là người sống tối giản.
Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” gồm 5 chương tất cả.
Chương 1: tác giả giả thích cho bạn đọc hiểu lối sống tối giản là gì? Định nghĩa của lối sống tối giản. Sau đó là những lý do vì sao tác giả lại theo lối sống tối giản sau nhiều năm sống trong căn hộ của bản thân.
Chương 2: Tác giả đề cập đến tại sao sau bao nhiêu năm, đồ đạc trong nhà lại có thể nhiều đến thế. Những đồ đạc ấy được tích tụ lại là do thói quen hay nhu cầu sử dụng của con người? Và những đồ đạc này mang ý nghĩa gì?
Chương 3: Tác giả đưa ra những bí quyết để giảm thiểu đồ đạc trong nhà. Tác giả sẽ nêu lên cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp chi tiết để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Đồng thời, bạn cũng sẽ được giới thiệu danh sách 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.
Chương 4: Chương này đề cập đến những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Bên cạnh đó, nhà văn còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.
Chương 5: Chương cuối cùng tiếp nối ý từ chương 4, tác giả sẽ giải thích tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”.
Nói chung, quyển sách này là rất đáng đọc và suy nghĩ. Người đọc cũng sẽ vứt đi được kha khá đồ và sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chẳng có cái gì là không thể vứt đi được.
Thông điệp từ cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Ý tưởng của tác giả trong cuốn sách này rất là đáng quý, đáng học hỏi. Tối giản không phải là vứt bỏ hết tất cả, mà là sử dụng 1 món đồ nhưng cho nhiều việc khác nhau. Sử dụng tối đa công dụng của các món đồ, vừa để tiết kiệm không gian, vừa mang tính thẩm mỹ.
Cuộc sống của chúng ta luôn bị cuốn vào suy nghĩ cần phải mua đồ đạc để khi cần thì có ngay. Nhưng lại có 1 số món đồ mà gần 1 năm bạn không đụng đến. Nếu bỏ chúng đi thì rất đáng tiếc. Vì thế càng ngày đồ đạc càng nhiều, và căn nhà của bạn ngày càng bừa bộn, ngột ngạt.
Trước hết “Lối sống tối giản” được Fumio định nghĩa là cách sống giảm thiểu vật dụng xuống mức tối thiểu nhất. Bạn chỉ nên giữ lại những vật dụng cần thiết nhất và quan trọng nhất. Lối sống này vừa mang lại những lợi ích về không gian như thoáng đãng, dọn dẹp, dễ dàng… vừa mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta. “Người sống tối giản” là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho bản thân, chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh. Tác giả cũng đưa ra những nguyên tắc vàng về cách mua sắm đồ đạc một cách hữu hiệu và loại bỏ các món đồ không cần thiết.
Trích đoạn hay từ cuốn sách
Một ngày theo lối sống tối giản của tôi
Sau khi thực hiện lối sống tối giản, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi đi làm về, tôi ngâm mình trong bồn tắm, sau đó thay một bộ quần áo dễ chịu ở nhà. Và vì đã dọn tivi đi rồi nên tôi sẽ đọc vài cuốn sách. Bia rượu thì tôi không uống một chai nào nữa. Vứt bớt đồ đạc làm phòng tôi có nhiều khoảng trống và tôi có thể ngủ thoải mái hơn. Mỗi sáng tôi đều thức dậy cùng ánh bình minh và không phải mất đến 10 phút để mở mắt như trước. Bức tường trắng trong nhà giờ không treo vật gì cả, và khi ánh nắng chiếu vào, cả căn phòng sáng rực lên. Vì dậy sớm nên tôi có thời gian ăn sáng và nhâm nhi một tách cà phê. Ăn xong là tôi dọn dẹp ngay bát đũa, xoong nồi. Tập ngồi thiền và tĩnh tâm giúp tôi xóa bỏ hết phiền não trong cuộc sống, và giờ tôi không còn phải bận tâm về những vật dụng dư thừa trong nhà nữa. Mỗi ngày tôi đều dọn dẹp căn phòng một lần. Và nếu thời tiết tốt, tôi sẽ giặt chăn đệm. Cuối cùng là thay một bộ quần áo phẳng phiu và đi làm. Trên đường đi làm, tôi cũng có thể tận hưởng khung cảnh hai bên đường thay đổi theo từng mùa, cuộc sống thật là tuyệt diệu.
Thú thực tôi không thể nghĩ có một ngày mình lại sống một cuộc sống đúng nghĩa đến như vậy. Vứt bớt đồ đạc quả thực là một điều tuyệt vời.
Những đồ vật mà tôi đã vứt
Dưới đây là những đồ vật tôi đã vứt:
- Giá sách và toàn bộ sách vở. (Tổng cộng tôi mất một triệu yên cho chúng, nhưng lúc bán tôi chỉ bán được 20.000 yên thôi).
- Dàn nhạc và đĩa CD. (Có những đĩa mà tôi không thích nghe, nhưng vẫn mua về, giả vờ là mình am hiểu nhiều loại nhạc).
- Tủ bát đĩa siêu lớn. Không hiểu sao tôi chỉ sống một mình mà trong đấy chất đống đủ thứ trên đời.
- Những món đồ cổ, đồ cũ mua ở hội đấu giá.
- – Những bộ quần áo đắt tiền hoặc những bộ mà tôi nghĩ là khi nào gầy tôi sẽ mặc lại.
- Các thiết bị chụp ảnh. (Chẳng hiểu sao trong nhà tôi còn làm cả phòng tối nữa chứ).
- Dụng cụ sửa chữa xe đạp. (Những đồ này hoàn toàn bị xếp xó trong nhà).
- Một chiếc ghita điện và một bộ âm li nằm phủi bụi trong nhà.
- Một bộ bàn ghế siêu lớn. (Dù tôi chẳng gọi bạn bè đến bao giờ. Có lẽ lúc trước tôi muốn mời bạn bè đến ăn lẩu).
- -Đệm ngủ cho hai người. (Lúc ngủ thì thoải mái thật đấy, nhưng nó nặng lắm).
- Một chiếc tivi 42 inch, hoàn toàn không nên để ở căn phòng diện tích 6 chiếu tatami này. (Tôi thừa nhận là tôi thích xem phim).
- Thiết bị chiếu phim trong nhà và PS3. (Tôi cũng rất thích đồ điện gia dụng nhé).
- Toàn bộ clip AV lưu trong ổ cứng. (Tôi đã phải lấy hết dũng khí mới xóa được nó đấy).
- Những bức ảnh chụp bằng máy ảnh film thì tôi đem đi scan. (Cái nào không xử lý được thì tôi dán vào một góc).
- Những bức thư kỉ niệm tôi cũng scan rồi lưu vào máy tính. (Có cả những bức thư từ hồi học mẫu giáo).
Giờ trong nhà chỉ còn lại những thứ không thể vứt đi được. Những đồ nào tôi đã vứt đi thì trước đó tôi sẽ chụp ảnh và lưu vào máy tính. (Kể cả những cuốn sách tôi cũng chụp từng quyển một). Và trong máy tính của tôi hiện có khoảng ba nghìn bức ảnh.
Đánh giá của độc giả về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Với lối viết đơn giản, gần gũi trong từng câu chữ, cuốn sách giúp cho người đọc thay đổi nhiều trong cuộc sống. Đây là cuốn sách bạn thật sự nên đọc. Quyển sách này sẽ làm cho cuộc sống nhẹ nhàng và đỡ bận tâm về nhiều thứ xung quanh, tối giản cả tâm hồn và vật chất.
Đây là cuốn sách nên đọc và áp dụng những quy tắc vàng đó để có được lối sống tối giản cho riêng mình. Nếu bạn đang có ý định làm cho cuộc sống của mình trở lên nhẹ nhàng và thoải mái hơn thì hãy đọc quyển sách này. Hy vọng rằng sau khi cắt giảm được đồ đạc, bạn sẽ nhận ra được những thứ thực sự quan trọng với mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.