Có thể biến trí thông minh trở thành lợi thế thành công hay không còn tùy thuộc rất nhiều ở thái độ cũng như nỗ lực mỗi người sẵn sàng bỏ ra để biến tri thức đó trở thành của mình.
01.
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một số hình ảnh được cho là sổ ghi chép, học tập của các học sinh, sinh viên xuất sắc tại các ngôi trường danh tiếng hàng đầu cả nước. Nơi đây cũng không thiếu các thủ khoa Đại học ở khắp nơi. Các bản ghi chép này bao gồm cả những bức miêu tả hệ tiêu hóa của sinh viên Y khoa, các ghi chép về hệ thực vật của sinh viên Nông nghiệp, cũng có bản vẽ ký họa của các học sinh Kiến trúc…
Sau khi lần lượt chứng kiến, mọi người chỉ có thể nhận xét rằng: Đây không chỉ là ghi chép, chép bài hay học tập, mà đó quả thực chính là nghệ thuật. Và người có thể làm ra những ghi chú này chưa hẳn cần có IQ hay EQ thật cao, nhưng chắc chắn họ đã có một thái độ học tập vô cùng xuất sắc.
Có thể thấy, ngoài sự thông minh, thói quen ghi chú và thái độ nghiêm túc trong học tập cũng là những nhân tố không thể thiếu để họ có thể đạt được những thành tựu ngày sau, tạo ra khoảng cách tồn tại rất lớn giữa một học sinh xuất sắc với số đông.
Không có gì xây dựng nên một nền tảng vững chắc trên con đường phát triển hơn là sự nỗ lực và chăm chỉ không ngừng nghỉ. Chỉ cần dám bỏ công sức, chúng ta sớm muộn cũng gặt hái kết quả xứng đáng cho ngày sau.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Dương Giáng từng viết về 2 thói quen bút ký của cây bút trí thức thời đại Tiền Chung Thư:
Một là, sẵn sàng bỏ ra gấp đôi thời gian đọc để viết bút ký.
Bởi vì mỗi cuốn sách đều phải đọc vài lần mới có thể hiểu hết, từ đó tổng kết ra những điều xuất sắc nhất rồi viết lại trong bút ký.
Hai là, sau khi viết bút ký, sẽ không giữ lại sách.
Tiền Chung Thư là người rất thích đọc sách, cũng rất hay mua sách, nhưng đa số các cuốn sách sau khi được ông đọc xong đều đem tặng cho thư viện công cộng, đem bán hoặc nhường lại cho những người xung quanh. Bản thân ông chỉ giữ lại những bút ký của chính mình đúc rút ra.
Nhà văn Dương Giáng cho rằng, không chỉ học tập mà chính văn hóa đọc cũng cần xây dựng thói quen bút ký để ghi chép như vậy. Thay vì nói trên đời có nhiều thiên tài hễ đọc là không quên, nên nói rằng, trên đời càng có nhiều người sẵn sàng đọc đi đọc lại, ghi chép và diễn giải đến khi kiến thức đó trở thành một phần tri thức nằm sâu trong não của chính mình.
02. Thông qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu ra rằng:
Trí nhớ tốt không bằng ngòi bút cùn
Đọc xong một cuốn sách, rất nhiều người cảm thấy mình chỉ nhớ được cùng lắm 50% nội dung trong sách đó. Sau một thời gian ngắn, con số này có thể giảm còn một nửa và sau một thời gian dài, nhiều người thậm chí còn có cảm giác mình chưa hề đụng tới cuốn sách này bao giờ.
Với trường hợp như thế, việc ghi chép bút ký sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp chúng ta hệ thống lại những tri thức, chỉnh hợp và ghi nhớ trong não bộ tốt hơn.
Giống như Tiền Chung Thư vậy, chăm chỉ đọc sách, chăm chỉ ghi chép lại, không chỉ đọc một lần mà đọc tới 3, 4 lần, không ngừng bổ sung thêm các bút ký tâm đắc. Cho nên, dù đọc rất nhiều sách nhưng ông vẫn có thể ghi nhớ rất lâu, không dễ quên đi.
Nền tảng tốt nhất cho sự phát triển là không ngừng chuyển vận
Quá trình chuyển vận của tri thức chính là việc bạn cố gắng đưa suy nghĩ, phương pháp và quan điểm của mình thành giấy trắng mực đen. Thông qua đó, chúng ta mới nắm rõ rằng mình đã thực sự hiểu thấu vấn đề hay không.
Ghi chép bút ký chính là một hình thức của việc chuyện vận tri thức từ trong ra ngoài. Sau khi đọc sách, sử dụng phương thức và phương pháp chính xác để lưu giữ lại những thông tin và đúc kết trong quá trình đọc mới giúp người đọc càng dễ học kỹ và nhớ lâu.
Cần thường xuyên ôn lại những gì đã đúc kết được
Trong quá trình ghi chép, tay và não cùng được sử dụng kết hợp, chất lượng học tập và ghi nhớ sẽ được nâng cao nhờ sự kích thích đến từ nhiều giác quan làm việc cùng lúc. Nhưng điều này chỉ góp phần giúp chúng ta nhớ lâu, chứ không thể đảm bảo việc nhớ mãi không quên.
Hiệu ứng đường cong Hermann Ebbinghaus - đường cong quên lãng cho chúng ta biết rằng, khi một thông tin chưa tiến vào vùng trí nhớ dài hạn, nó vẫn sẽ dần dần bị lãng quên. Do đó, chúng ta cần phải bỏ thêm công sức để thường xuyên ôn lại các bút ký mình đã viết ra.
Chắc chắn rằng, mỗi người chúng ta đều có những khuyết điểm và thế mạnh riêng ở một vài lĩnh vực khác nhau. Do đó, thành quả chúng ta đạt được về sau này cũng không thể hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, có một điểm tương đồng duy nhất trong mọi trường hợp mà không ai có thể thay đổi được, đó chính là: Nỗ lực chăm chỉ mới đạt được thành công.
Trong cuốn sách "Làm thế nào để trở thành một người thú vị" đã đề cập: Một người dù trải qua nhiều chuyện đến mấy mà không có quá trình đúc rút, tổng kết lại những kinh nghiệm đã qua, cũng không bỏ công sức nỗ lực tìm kiếm một phương pháp phòng tránh thất bại tốt hơn thì những trải nghiệm đó đều chỉ là vô nghĩa.
Tương tự như vậy, nếu một người đã bỏ công đọc rất nhiều sách, nhưng lại không chăm chỉ ghi chép các đúc kết trong quá trình đó thì việc đọc cũng chẳng đem lại ích lợi gì. Cần biết cách chăm chỉ và nỗ lực thế nào để tận dụng tối đa điểm mạnh của mình hơn là lãng phí nó trong vô nghĩa.
Hãy xác định thật rõ ràng những gì mình làm tốt và những gì cần cải thiện, từ đó mới nhận ra tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi, không ngừng xây dựng và phát triển bản thân. Những người thành công không nhất thiết đều có được tài năng thiên bẩm từ khi sinh ra. Điều quan trọng là nỗ lực và thái độ làm việc của họ vượt trội hơn hẳn so với người thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.