Giới thiệu sách:
Tuần làm việc 4 giờ cho thấy một góc nhìn về công việc, giải phóng bạn ra khỏi giờ làm việc truyền thống từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều của mình, tận dụng sức mạnh kết nối toàn cầu để đem lại cho bạn một công việc kinh doanh hiệu quả và sự tự do để tận hưởng cuộc sống. Với công thức bốn bước DEAL: D – Definition (Định nghĩa), E: Elimination (Loại bỏ), A: Automation (Tự động) và L: Liberation (Giải phóng), cuốn sách sẽ cho bạn chiếc chìa khóa để bước vào thế giới của nhóm NR (New Rich) – những doanh nhân tự do làm những điều mà mình muốn.
Về tác giả:
Timothy Ferriss sinh ngày 20 tháng 7 năm 1977, là tác giả, doanh nhân, diễn giả người Mỹ. Nhiều cuốn sách của ông đã xuất hiện trong mục bestseller của New York Times, Wall Street Journal, và USA Today.
Trước khi nổi tiếng, Timothy Ferriss chỉ là một giảng viên khoa công nghệ cao và kỹ sư điện tử tại trường Đại học Princeton, Mỹ. Nhưng không lâu sau, tên tuổi của anh đã được “phủ sóng” rộng rãi nhờ thành công từ cuốn sách “The 4 hour workweek” (Tuần làm việc 4 giờ).
Tóm tắt nội dung sách:
BƯỚC I: DEFINITION – ĐỊNH NGHĨA
Những quy tắc bạn cần nhớ:
“Tôi không thể đưa cho bạn một công thức chắc chắn để thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức để trở nên thất bại: Luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người” – Herbert Bayard Swope.
“Tất cả những điều phổ biến đều sai lầm” – Oscar Wilde
– Đừng bao giờ xem nghỉ hưu là mục đích cuối cùng của bạn, để rồi bạn cứ bám víu lấy một công việc chán nản. Nếu bạn không thích những gì mình làm trong những năm khỏe mạnh nhất của cuộc đời thì những năm tháng đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa.
– Sự hứng thú và năng lượng có tính tuần hoàn. Hãy lên kế hoạch theo chu kỳ đó. Bạn cần có những giai đoạn làm việc và nghỉ ngơi luân phiên nhau.
– Làm việc ít hơn không có nghĩa là lười biếng. Hãy tập trung để trở thành một người làm việc hiệu quả chứ không phải là một người bận rộn.
– Yêu cầu sự tha thứ chứ không phải sự cho phép. Nếu việc bạn sẽ làm không ảnh hưởng quá lớn tới những người xung quanh và có thể khắc phục được, đừng để mọi người có cơ hội nói không, hãy cứ làm và sau đó biện minh cho nó. Hãy tập làm kẻ gây rắc rối và nói xin lỗi khi bạn thực sự mắc lỗi.
– Tập trung vào điểm mạnh, đừng ra sức sửa chữa điểm yếu. Sẽ hiệu quả và vui hơn nếu bạn nhân đôi ưu điểm của mình để nâng cao kết quả, thay vì nỗ lực sửa chữa khuyết điểm để nếu may mắn thì có thể biến chúng thành những điểm bình thường.
– Cái gì quá nhiều sẽ trở thành cái đối nghịch với nó. Thiết kế lối sống không có nghĩa là tạo ra quá nhiều thời gian nghỉ ngơi, mà là sử dụng hiệu quả thời gian rảnh rỗi, làm những việc bạn yêu thích chứ không phải những việc bạn buộc phải làm.
– Tiền không phải là giải pháp. Bận rộn với những công việc trong vòng quay tiền bạc, coi như mọi việc đều tốt đẹp, và bạn đang tự khéo léo ngăn cản mình nhận ra mọi việc vô nghĩa đến thế nào. Sâu thẳm trong tâm can mình, bạn biết đó chỉ là ảo tưởng, nhưng tất cả mọi người đều tham gia vào trò chơi đó, khiến bạn tin tưởng vào nó và quên đi tất cả. Có nhiều thứ còn quan trọng hơn tiền.
– Thu nhập tương đối quan trọng hơn thu nhập tuyệt đối. Thu nhập tuyệt đối: A kiếm được 100.000 USD/năm nên giàu gấp hai lần B, người kiếm được 50.000 USD/năm. Thu nhập tương đối: A kiếm 100.000 USD/năm, nhưng làm việc 80 giờ/tuần; B kiếm được 50.000 USD/năm, nhưng chỉ làm việc 10 giờ/tuần. Xét về thu nhập tương đối, B giàu A bốn lần.
– Lo âu căng thẳng là điều nên tránh nhưng căng thẳng tích cực là tốt. Hãy tránh những sự căng thẳng tiêu cực như lời phê bình tiêu cực, những ông chủ thô bạo, v.v.., vì nó khiến bạn trở nên yếu đuối và mất tự tin. Nhưng cũng có sự “căng thẳng tích cực” – những hình mẫu lý tưởng giúp bạn vượt qua giới hạn của chính mình, những bài thể dục giúp lấy đi sự mệt mỏi hay sự liều lĩnh cho phép bạn được hành động theo ý mình, v.v.., đây là những căng thẳng có lợi và là nhân tố thúc đẩy bạn phát triển.
Kiểm soát sự sợ hãi và thoát khỏi tình trạng tê liệt:
“Nếu bạn không biết chính xác mình muốn gì, thì hãy thử. Nhưng nếu bạn chính xác mình không muốn gì, thì hãy ngưng làm việc đó”.
“Tôi là một ông già và có nhiều nỗi sợ hãi, nhưng phần lớn chúng chưa bao giờ xảy ra cả” – Mark Twain
“Có thể hành động không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc, nhưng sẽ không có hạnh phúc nếu không hành động” – Benjamin Disraeli, cựu thủ tướng Anh
“Nơi nào ít người câu nhất thì sẽ có nhiều cá nhất. Những người luôn thấy bất an, chạy theo những mục đích tầm thường sẽ giúp những người khác dễ dàng thành công hơn. Sẽ ít có cạnh tranh hơn cho những mục tiêu lớn hơn”.
Sự không chắc chắn và khả năng thất bại có thể trở thành những tác nhân rất đáng sợ. Mọi người thà chọn sự bất hạnh hơn là sự không chắc chắn. Hãy dành thời gian suy nghĩ các câu hỏi sau, viết tất cả những suy nghĩ của bạn ra giấy:
– Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn hành động là gì? Nó có chấm dứt cuộc sống của bạn không? Khả năng nó xảy ra là bao nhiêu?
– Nếu điều tồi tệ ấy xảy ra, bạn có thể làm gì để giải quyết nó và tiếp tục phát triển?
– Những kết quả hay lợi ích tốt đẹp nào sẽ xảy ra nếu bạn dám hành động, kể cả nhân tố bên ngoài (tiền bạc, sự tự do,…) và bên trong (lòng tự trọng, sự tự tin,…)? Trước đây đã có ai kém thông minh hơn bạn đã làm điều này và thành công chưa?
– Bạn đang trì hoãn điều gì vì lo sợ? Thông thường, những việc chúng ta sợ nhất lại là việc ta cần làm nhất. Hãy xác định trường hợp xấu nhất, chấp nhận và thực hiện nó.
– Bạn sẽ mất gì nếu trì hoãn hành động – cả về tài chính, tinh thần và thể lực? Nếu bạn không theo đuổi những thứ bạn yêu thích, thì một năm, năm năm hay mười năm nữa bạn sẽ ở đâu. Không hành động gì chính là rủi ro lớn nhất.
BƯỚC II: ELIMINATION – SỰ GIẢN TIỆN
“Hoàn hảo không phải là khi không có gì cần tăng thêm mà là khi không cần bỏ đi điều gì cả” – Antoine De Saint-Exupery, tác giả cuốn sách Hoàng Tử Bé
“Sự tự do, hạnh phúc và phát triển chỉ có thể đạt được khi bạn chấp nhận hi sinh một số thứ được đánh giá quá cao nhưng thực chất chỉ là những thứ tầm thường” – Robert Henri
Hai chân lý cần ghi nhớ:
– Làm tốt một việc không quan trọng sẽ không làm cho việc đó quan trọng hơn.
– Một công việc đòi hỏi nhiều thời gian sẽ không làm cho nhiệm vụ đó quan trọng hơn.
Quy luật 80/20 :
Quy luật 80/20 có thể diễn đạt theo nhiều cách: 80% sản lượng đầu ra là kết quả của 20% đầu vào; 80% thành quả xuất phát từ 20% nỗ lực và thời gian; 80% lợi nhuận của công ty có từ 20% sản phẩm và khách hàng…Danh sách này còn kéo dài và rất đa dạng, và 80/20 chỉ là một con số đại diện tối thiểu, nó có thể là 90/10, 95/5 hay 99/1.
Chìa khóa ở đây là xác định và loại bỏ 80% nỗ lực và thời gian mà chỉ đóng góp vào 20% kết quả, và ngược lại, tập trung vào 20% nỗ lực và thời gian tạo ra 80% kết quả.
Ảo tưởng 9 – 5 và quy luật Parkinson:
Ảo tưởng 9 – 5: Tại sao tất cả mọi người trên Trái Đất đều cần tới chính xác tám tiếng mỗi ngày để hoàn tất công việc? Điều đó là vô lý. Chế độ làm việc tám tiếng một ngày không hề có cơ sở khoa học.
Do chúng ta có tám tiếng để làm việc, chúng ta sẽ làm việc đủ tám tiếng. Nếu chúng ta có 15 tiếng làm việc, chúng ta cũng sẽ làm việc đủ 15 tiếng. Nếu chúng ta có việc gấp và đột ngột phải rời công sở trong hai giờ nữa, chúng ta cũng sẽ hoàn thành tất cả công việc được giao trong hai tiếng đồng hồ đó.
Quy luật Parkinson: một nhiệm vụ sẽ được xem là quan trọng và phức tạp tỷ lệ thuận với thời gian được giao để hoàn thành nhiệm vụ đó. Nếu giảng viên giao cho bạn 24 giờ để hoàn thành một dự án, áp lực thời gian sẽ buộc bạn phải tập trung và bạn sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc thực thi những điều cần thiết nhất. Nếu ông ấy cho bạn một tuần, bạn sẽ dành ra sáu ngày để quan trọng hóa mọi việc lên. Và nếu ông ấy cho bạn một tháng thì, lạy Chúa, đó sẽ là một thảm họa tinh thần.
Hãy kết hợp quy luật 80/20 và quy luật Parkinson với nhau: Xác định ra một vài nhiệm vụ tối quan trọng, đem lại 80% kết quả và lên lịch cho những nhiệm vụ đó trong thời gian thật ngắn và rõ ràng.
Xác định danh sách ngắn gọn những việc cần làm và những việc không được làm :
– Nếu bạn bị một cơn đau tim và chỉ được phép làm việc hai giờ mỗi ngày, bạn sẽ làm những việc gì? Không bao giờ nên đặt quá hai nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành mỗi ngày.
– Nếu bạn bị dí súng vào đầu và bị bắt phải dừng lại 4/5 những hoạt động tiêu tốn thời gian hiện tại của mình, bạn sẽ bỏ đi những hoạt động nào?
– Ba hành động đầu tiên mà bạn thường làm trong thời gian trống để thấy mình vẫn còn hữu ích là gì?
– Đừng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Cố gắng vừa đánh răng, vừa nói chuyện điện thoại và trả lời email cùng một lúc sẽ không đem lại hiệu quả. Vừa ăn lại vừa lướt web tìm kiếm thôn tin và chat cùng một lúc ư? Chẳng hiệu quả gì đâu.
Hạn chế thông tin :
Lượng thông tin càng dồi dào sẽ càng làm giảm khả năng chú ý của bạn do phải dàn trải sự tập trung của mình cho nhiều thông tin khác nhau.
1) Bắt đầu tuần lễ ăn kiêng thông tin
Thông tin cũng giống như kem vậy. “Ồ, tôi sẽ chỉ ăn một nửa thìa kem” cũng giống như là “tôi sẽ chỉ lướt web một phút thôi”. Phải dừng ngay những thói quen không tốt.
Sau đây là những quy tắc: Không đọc báo, tạp chí, không nghe đài, không truy cập vào các trang web tin tức, không xem tivi (trừ một tiếng giải trí vào buổi tối), không truy cập Internet trừ khi cần thiết, không đọc những tài liệu không cần thiết, v.v..
Vậy bạn phải làm gì trong khoảng thời gian còn lại? Thay vì đọc báo vào bữa sáng, hãy trò chuyện với người bạn đời của mình, chơi với con trẻ, hay nghiên cữu những nguyên lý của cuốn sách này.
2) Liệu mình có thực sự cần thông tin này cho việc gì quan trọng hay gấp gáp ngay bây giờ không?
Nếu bạn có thói quen tìm kiếm một thông tin để chuẩn bị cho một sự kiện sẽ diễn ra hàng tuần hay hàng tháng sau đó, và rồi lại phải đọc lại chính những thông tin đó khi sự kiện kia tới gần, thì đây là một thói quen không cần thiết.
3) Nghệ thuật bỏ qua
Nếu bạn đang đọc một bài báo không thú vị, hãy đặt nó xuống và thôi không đọc nữa. Nếu bạn xem một bộ phim dở tệ, thì hãy ra khỏi rạp trước khi phải tiêu tốn thêm nơ – ron thần kinh. Nếu bạn đã no bụng sau khi mới ăn xong một nửa đĩa sườn, thì hãy đặt đĩa xuống và không cần ăn thêm tráng miệng nữa. Nhiều hơn không phải đã tốt hơn, và ngừng lại đôi khi còn tốt hơn 10 lần so với việc cố gắng hoàn thành.
Giảm thiểu các nhân tố gây gián đoạn:
1) Loại bỏ những nhân tố gây lãng phí thời gian
Hãy tắt chế độ báo âm và chỉ kiểm tra email 2 lần một ngày, một lần vào lúc 12 giờ trưa và một lần vào lúc 4 giờ chiều, đây là hai khoảng thời gian bạn sẽ nhận được nhiều email nhất.
2) Đối với những nhân tố chiếm nhiều thời gian, hãy gom chúng lại
Nếu bạn kiểm tra hòm thư và thanh toán hóa đơn năm lần mỗi tuần, bạn có thể mất 30 phút mỗi lần và trả lời được tổng số 20 lá thư. Thay vào đó, nếu bạn làm việc này một lần mỗi tuần, bạn chỉ mất tổng cộng 60 phút mà vẫn trả lời được hết 20 lá thư.
BƯỚC III: AUTOMATION – TỰ ĐỘNG HÓA
“Sự giàu có của một người tỷ lệ thuận với số công việc anh ta có thể chuyển giao cho người khác” – Henry David Thoreau
Thuê một trợ lý riêng từ xa (virtual assistant) là điểm khởi đầu lớn lao, đánh dấu thời điểm bạn học cách ra mệnh lệnh và làm chủ thay vì mãi là kẻ bị sai khiến. Đây là một bước luyện tập để sở hữu kỹ năng quan trọng nhất của nhóm NR: quản trị từ xa và trao đổi thông tin.
BÁNH LÁI TỰ ĐỘNG CHO CON THUYỀN THU NHẬP – bao gồm bốn bước
Bước một: Lựa chọn phân phúc thị trường phù hợp
Tạo ra nhu cầu rất khó. Đáp ứng nhu cầu dễ hơn nhiều. Đừng tạo ra sản phẩm rồi mới tìm khách hàng tiêu thụ. Hãy tìm một thị trường – xác định đối tượng khách hàng – sau đó mới tìm kiếm hay phát triển sản phẩm phục vụ đối tượng khách hàng đó.
Bước hai: Phác họa sản phẩm
1) Lợi ích cốt lõi của sản phẩm nên được giải thích chỉ trong MỘT câu hoặc MỘT cụm từ duy nhất. Sản phẩm này khác biệt thế nào và tại sao khách hàng cần mua nó? Apple đã làm rất tốt điều này với sản phẩm Ipod với khẩu hiệu “1000 bài hát trong túi bạn”, thay vì sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu như GB, độ băng thông rộng, v.v..
2) Sản phẩm nên có giá từ 50 đến 200 đô la. Đặt giá thấp chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn, do các công ty khác sẽ sẵn sàng hi sinh lợi nhuận, giảm giá và cùng bạn đi tới con đường phá sản.
Ngược lại, định vị sản phẩm cao cấp và đặt giá cao sẽ đem lại ba lợi ích sau:
– Đặt giá cao đồng nghĩa với việc chúng ta bán ra ít sản phẩm hơn – do đó yêu cầu quản trị khách hàng ít hơn – và có thời gian để thực hiện các ước mơ khác.
– Đặt giá cao sẽ thu hút những đối tượng khách hàng yêu cầu ít dịch vụ hỗ trợ hơn. Họ có khả năng tài chính, ít thắc mắc, phàn nàn và trả lại sản phẩm hơn.
Tuy nhiên mức giá cao cũng có hạn chế rất lớn. Khi giá đơn vị vượt quá một ngưỡng cụ thể, bạn sẽ phải đàm phán nhiều lần trước khi đối tác đồng ý mua hàng. Đây là điều cấm kị trong bữa ăn kiêng ít hàm lượng thông tin của chúng ta.
Do đó mức giá từ 50 đến 200 đô la sẽ đem lại nhiều lợi nhuận và nhận được ít lời than phiền nhất. Hãy đặt giá cao sau đó đưa ra lời giải thích hợp lý cho mức giá đó.
3) Không nên mất quá ba tới bốn tuần để sản xuất sản phẩm. Điều này rất quan trọng nhằm giữ giá thành sản xuất ở mức thấp, đáp ứng nhu cầu mua hàng mà không cần lưu kho sản phẩm. Nên nhắm tới những sản phẩm mà thời gian từ khi có đơn hàng tới khi giao hàng chỉ mất một đến hai tuần.
Ba lựa chọn về sản phẩm :
1) Bán lại một sản phẩm: là cách dễ nhất nhưng cũng ít lợi nhuận nhất và đi đến phá sản nhanh nhất do cạnh tranh giá gay gắt với các nhà bán lẻ khác.
2) Mua nhượng quyền. là một hình thức ưa thích của nhiều người trong nhóm NR.
3) Sáng tạo một sản phẩm mới. Và thông tin là một lựa chọn.
Các sản phẩm về thông tin đều có giá thành thấp, tốc độ sản xuất nhanh và khiến các đối thủ cạnh tranh phải mất nhiều thời gian mới theo kịp.
Bạn cho rằng những người trong thị trường của bạn sẽ sẵn lòng chi trả để được học về kỹ năng nào? Hãy trở thành chuyên gia về kỹ năng đó, sau đó sáng tạo ra một sản phẩm hướng dẫn cách thức bạn đã làm. Bạn cũng có thể phỏng vấn và ghi âm cuộc nói chuyện với các chuyên gia về kỹ năng đó. Bạn có một kinh nghiệm, câu chuyện “từ thất bại đến thành công” nào của bản thân có thể chuyển thành một sản phẩm hướng dẫn cho mọi người được không?
Các bước trở thành một chuyên gia:
1. Tham gia vào hai hay ba tổ chức liên quan đến đề tài bạn quan tâm có những cái tên thật thu hút.
2. Đọc ba cuốn sách bán chạy nhất về đề tài bạn quan tâm, sau đó tóm lược chúng.
3. Tổ chức một buổi hội thảo miễn phí tại một trường đại học danh tiếng gần nơi bạn ở. Hãy quảng cáo buổi hội thảo này trên các poster. Sau đó, hãy tổ chức hội thảo tương tự ở các chi nhánh tại địa phương của các công ty lớn. Hãy cho công ty đó biết bạn đã tổ chức buổi hội thảo tại Trường Đại học X, và rằng bạn là thành viên của tổ chức Y đã đề cập trong bước một. Hãy nhấn mạnh với họ buổi hội thảo này hoàn toàn miễn phí, được tổ chức với mục đích gia tăng kinh nghiệm diễn thuyết thực tiễn cho bạn, không phải nhằm giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ nào cả. Hãy ghi âm và ghi hình lại các cuộc hội thảo này để sau này có thể sử dụng làm sản phẩm CD/DVD.
4. Đề nghị được viết một hay hai bài báo cho các tạp chí có liên quan đến đề tài của bạn, dùng những thành quả từ bước 1 và bước 3 để giành lấy sự tín nhiệm của các tạp chí này. Nếu bị từ chối, hãy yêu cầu được phỏng vấn một chuyên gia có tiếng, sau đó viết bài về cuộc phỏng vấn này – với cách này, tên bạn vẫn được đăng dưới bài báo.
Bước ba: Vi thử nghiệm sản phẩm
– Vi thử nghiệm bao gồm quá trình dùng những quảng cáo ít tốn kém để kiểm tra phản ứng của khách hàng với một sản phẩm trước khi bắt tay vào sản xuất sản phẩm đó.
– Trong thời đại Internet, bạn có thể thử nghiệm những ý tưởng về sản phẩm trên Google Adwords trong vòng 5 ngày với giá xấp xỉ 500 đô la.
Bước bốn: Quản lý bằng sự vắng mặt
Mục tiêu của chúng ta không phải là lập nên một doanh nghiệp có quy mô thật lớn, mà là một doanh nghiệp tiêu tốn của chúng ta ít thời gian và công sức nhất. Doanh nghiệp đó phải giúp chúng ta thoát ra khỏi dòng thông tin và khối lượng công việc bề bộn thay vì đẩy chúng ta vào đó.
Ít lựa chọn hơn = Nhiều doanh thu hơn :
– Phục vụ khách hàng không có nghĩa là trở thành nô lệ và thuận theo mọi mong muốn của họ. Dịch vụ khách hàng là cung cấp một sản phẩm vượt trội với một mức giá phải chăng và giải quyết các vấn đề chính đáng một cách nhanh nhất.
– Bạn càng cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn, họ càng khó đưa ra quyết định và số lượng đơn hàng càng ít đi – cuối cùng chính bạn lại là người chịu thiệt. Hơn nữa, bạn càng đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, gánh nặng dịch vụ khách hàng và sản xuất càng đè nặng lên vai bạn.
Một vài phương pháp để giảm tổng nhu cầu dịch vụ:
– Chỉ đưa ra một tới hai lựa chọn mua hàng (chẳng hạng như “cơ bản” và “ưu đãi”)
– Không cung cấp nhiều phương án giao hàng. Thay vào đó, chỉ đưa ra một hình thức giao hàng nhanh và tính thêm phí.
– Không giao hàng qua đêm, hoặc giao hàng theo yêu cầu, do các hình thức giao hàng này sẽ kéo theo hàng trăm cuộc điện thoại của khách hàng. Không nhận giao hàng xuyên quốc gia, vì bạn phải khai hải quan, sau đó giải quyết những thắc mắc về việc giá sản phẩm tăng 20 tới 100% do chịu thuế xuất nhập khẩu.
BƯỚC IV: LIBERATION – GIẢI PHÓNG
“Bằng cách làm việc chăm chỉ 8 giờ một ngày, cuối cùng bạn sẽ trở thành giám đốc và làm việc 12 giờ một ngày” – Robert Frost.
Quy trình chung là D-E-A-L, nhưng những nhân viên làm văn phòng cần ứng dụng theo D-E-L-A. Nguyên do có liên quan tới môi trường làm việc. Những nhân viên này cần Giải phóng (Liberation) bản thân khỏi môi trường văn phòng trước khi họ có thể làm việc 10 tiếng một tuần, đó là do quan niệm chung trong môi trường làm việc luôn tuân thủ giờ làm việc hành chính từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Thậm chí cả khi bạn đem lại hiệu quả gấp đôi trước đây, nếu bạn chỉ làm việc bằng ¼ thời gian của các đồng nghiệp, bạn cũng nhiều khả năng bị sa thải. Ngay cả khi bạn làm việc 10 tiếng một tuần mà vẫn đem lại hiệu quả gấp đôi những người làm việc 40 tiếng, người ta sẽ yêu cầu bạn “Hãy làm việc 40 tiếng một tuần và đem lại hiệu quả gấp tám lần”. Đây là một trò chơi vô tận.
10 bước để biến mất khỏi văn phòng
1. Sử dụng một kế hoạch đã chuẩn bị trước hay một tình huống khẩn cấp (chuyện gia đình, chuyện cá nhân, chuyển nhà, sửa nhà,…) để xin nghỉ một hay hai tuần.
2. Nói rằng bạn nhận ra bạn không thể không làm việc và rằng bạn muốn làm việc thay vì nghỉ phép.
3. Đề xuất kế hoạch làm việc từ xa và nếu cần thiết, chấp nhận cắt lương trong thời gian đó (chỉ thời gian đó thôi) nếu hiệu quả công việc giảm sút.
4. Hợp tác với ông chủ để ông ta cũng tham gia vào quá trình này.
5. Biến hai tuần “nghỉ việc” thành hai tuần làm việc hiệu quả nhất bạn từng có.
6. Chỉ cho ông chủ thấy những kết quả cụ thể sau khi trở lại làm việc và nói với ông ta rằng bạn có thể làm việc tốt gấp đôi bình thường khi không phải đi lại hay bị làm phiền…Đề nghị được làm việc ở nhà một hay hai ngày mỗi tuần và thử nghiệm trong hai tuần.
7. Nâng cao tối đa năng suất làm việc trong những ngày đó.
8. Đề nghị chỉ đến làm ở văn phòng một hay hai ngày mỗi tuần.
9. Làm việc kém hiệu quả trong những ngày đến văn phòng.
10. Đề nghị được làm việc hoàn toàn từ xa – chắc chắn ông chủ sẽ đồng ý.
Nếu bạn bị sa thải, có thể đó lại là điều may mắn: Phần lớn mọi người không đủ may mắn để bị sa thải và buộc phải chịu đựng địa ngục trong suốt 30 – 40 năm.
Nếu chỉ vì bạn bối rối khi phải thừa nhận rằng bạn đang giải quyết hậu quả của những quyết định sai lầm của 5, 10 hay 20 năm trước thì điều đó cũng không thể ngăn bạn đưa ra những quyết định đúng đắn vào lúc này. Nếu bạn để lòng kiêu hãnh ngăn cản bạn thì từ giờ đến 5, 10 hay 20 năm nữa, bạn sẽ thấy chán ghét cuộc sống vì những lý do tương tự. Sự kiêu hãnh thật ngu ngốc. Biết từ bỏ những thứ không hiệu quả là một tố chất cần thiết để trở thành người chiến thắng.
Một vài nỗi ám ảnh khi bạn nghỉ việc và giải pháp:
1) Tôi sẽ không thể thanh toán các hóa đơn. Bạn hoàn toàn có thể tạm thời cắt giảm một số chi phí hay sống bằng tiền tiết kiệm trong một thời gian ngắn. Bạn có thể cho thuê hay bán nhà. Luôn luôn có sự lựa chọn.
2) Bảo hiểm sức khỏe và lương hưu sẽ biến mất: Bạn có thể nhận được dịch vụ y tế từ một nhà cung cấp và một mạng lưới tương tự.
3) Nó sẽ làm hỏng sơ yếu lý lịch của tôi
Nếu trong sơ yếu lý lịch của bạn có một đến hai năm đi du lịch khám phá thế giới hoặc làm những hào hứng khác thì sẽ có hai điều thú vị xảy ra khi bạn quay trở lại thế giới của công việc. Thứ nhất, bạn sẽ được mời phỏng vấn nhiều hơn vì bạn là người nổi bật. Thứ hai, những nhà tuyển dụng vốn đã chán ngán công việc của mình sẽ dành cả buổi phỏng vấn để hỏi làm thế nào bạn làm được việc đó!
Hai loại sai lầm: Sai lầm vì hành động và sai lầm vì không hành động
– Loại thứ nhất là kết quả của một quyết định hành động. Loại sai lầm này thường do thiếu thông tin vì ta không thể có hết mọi thông tin được. Sai lầm này khiến bạn dũng cảm hơn. Thần may mắn luôn ủng hộ những người dũng cảm.
– Loại thứ hai là kết quả của việc không hành động – từ chối thay đổi một tình thế xấu do sợ hãi dù đã có đủ thông tin. Bạn không dám bước ra khỏi một mối quan hệ tồi, và thế là nó biến thành một cuộc hôn nhân tồi. Bạn không dám bước ra một công việc sai lầm, và nó trở thành án tù chung thân.
Lấp đầy khoảng trống – Thêm gia vị cho cuộc sống không có công việc:
Tôi đã có nhiều tiền bạc và thời gian hơn tôi từng mơ ước…Tại sao tôi vẫn chán nản?
Hãy thấy vui vì bạn đang phải đối mặt với vấn đề này lúc này chứ không phải cuối đời.
Nhưng đợi một lát…Chẳng phải có nhiều thời gian hơn là điều chúng ta luôn theo đuổi sao? Không phải đó là mục đích của cuốn sách này sao? Không, không hề. Quá nhiều thời gian rỗi chính là thứ thuốc kích thích thói tự kỷ và các chứng bệnh thần kinh. Giảm bớt những công việc không phải là mục đích cuối cùng. Sống nhiều hơn – và làm được nhiều hơn – mới là mục đích. Hãy đứng lên và thực hiện giấc mơ của bạn.
Những người mới nghỉ hưu còn chán nản vì một lý do nữa: cách ly xã hội.
Các văn phòng cũng có cái tốt: những lời than phiền, buôn chuyện và thương hại, những video clip ngu ngốc qua email kèm theo những lời bình luận thậm chí còn ngu ngốc hơn, những cuộc họp không làm được gì ngoài việc giết thời gian và cười phiếm. Bản thân công việc có thể là một con đường cụt, nhưng sự tương tác qua lại giữa con người mới là cái giữ chúng ta ở lại. Một khi được tự do, sự tương tác này biến mất, và bạn cảm thấy trống rỗng.
Những mối nghi vấn thường xuất hiện là:
– Tôi có thực sự làm mọi việc để được tự do và có cuộc sống tốt hơn hay tôi chỉ là kẻ lười biếng? Tôi thực sự thành công hay tôi chỉ đang tự lừa dối mình?
– Tôi rút khỏi cuộc đua vì nó tồi tệ hay chỉ vì tôi không thể vượt qua nó? Tôi là kẻ thua cuộc?
– Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn không? Hay có lẽ tôi nên làm theo những mệnh lệnh của sếp như trong quá khứ? Ít ra thì nó cũng dễ hơn.
– Tôi có hạ thấp tiêu chuẩn của mình không? Hay các bạn của tôi – những người đang kiếm được nhiều gấp đôi so với ba năm trước – đang đi đúng hướng?
Phần lớn những nghi vấn này sẽ được loại bỏ khi bạn hiểu được bản chất của chúng: chính thói quen so sánh nhiều hơn – là – tốt hơn và dùng tiền làm thước đo cho thành công đã đưa chúng ta vào rắc rối. Những nghi vấn này sẽ xâm chiếm đầu óc bạn khi bạn không còn gì để nghĩ. Vì vậy hãy đi tìm cho mình một mục đích sống mới.
Có hai mục đích mà nhiều NR đánh giá là cực kỳ quan trọng: không ngừng học hỏi và cho đi:
– Sống nghĩa là học hỏi. Hãy học một ngoại ngữ mới, chơi một loại nhạc cụ mới, một môn thể thao mới,…
– Cho đi: Làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống bên ngoài bản thân bạn. Nếu bạn là một nhạc sĩ và khiến hàng ngàn trái tim ngây ngất, thì đó là cho đi. Nếu bạn là một thầy giáo và thay đổi cuộc sống của một đứa trẻ trở nên tốt hơn, thì thế giới đã được cải thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.