Giới thiểu sách:
Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ của Steven K. Scott chính là quyển sách chứa đựng những bí quyết mà bạn cần để biến ước mơ của mình thành hiện thực đã được minh chứng qua thời gian bởi chính tác giả và những người thành công nhất thế giới như: Bill Gates, Steven Spielberg, Oprah Winfrey…
Cho dù bạn là ai, một sinh viên mới ra trường hay một giám đốc công ty đa quốc gia, bạn cũng dễ dàng áp dụng được Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ mà Steven K. Scott chia sẻ một cách cụ thể và rõ ràng trong quyển sách này, để đạt được những mức độ thành công mà bạn chưa bao giờ mơ tới.
Thực tế và cực kỳ gần gũi với đời sống thường ngày của chúng ta, những hướng dẫn trong quyển sách Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ sẽ giúp bạn biến ước mơ của mình thành hiện thực!
Nếu bạn muốn nhìn thấy điều kỳ diệu nào xảy ra trong cuộc sống này, hãy trở thành điều kỳ diệu đó!
Về tác giả:
Trước khi trở thành người đồng sáng lập Công ty American Telecast – hoạt động trong lĩnh vực truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, Steven K. Scott đã trải qua 9 lần thất bại trong 6 năm kể từ khi mới ra trường.
Với những câu chuyện, lời khuyên, tác giả tập hợp phương pháp và kỹ thuật cụ thể đã giúp ông đạt được những ước mơ không tưởng, không chỉ trong kinh doanh mà còn trong những lĩnh vực khác của cuộc sống. Đây không phải là lý thuyết suông, mà là những phương pháp và cách thức thực sự, có tác dụng với tác giả và hàng ngàn người khác đã đạt được ước mơ của mình.
Tóm tắt nội dung sách:
Phần I – Bạn có tiềm năng mạnh mẽ, nhưng bị kẹt lại ở bệ phóng
“Giấc mơ là sự mong mỏi tự đáy lòng”
Một số ít người đạt ước mơ của mình, trong khi đó, đại đa số người đời không những không đạt được điều mình mơ ước mà họ còn thôi không mơ ước nữa. Vậy vấn đề là do sự may mắn? Do chỉ số thông mình? Trình độ học vấn? Hay do kinh nghiệm? Tất cả đều không đúng!
Người đạt được ước mơ là người đã vận dụng được “nghệ thuật hiện thực hóa ước mơ”. Kỹ năng này ai cũng có thể học được và luyện tập để đạt đến độ tinh thông. Mới nghe, bạn cảm thấy khó tin và có vẻ hoang tưởng.
Nhưng điều gì đã biến một Eugene Orowitz đội sổ trong trường phổ thông trở thành một Micheal Landon hiển hách hôm nay? Điều gì đã biến một Steven Spielberg vô danh tiểu tốt, một học sinh dưới trung bình thành nhà đạo diễn vĩ đại nhất trong lịch sử Hollywood? Và điều gì đã giúp tôi, Steven Scott, từ một kẻ thất bại thảm hại trở thành một doanh nhân thành đạt? Đó là chúng tôi đều học hỏi những chiến lược, biện pháp, và kỹ năng cho phép chúng tôi biến những ước mơ thành hiện thực. Chúng ta có thể kể rất nhiều người nổi tiếng đạt được ước mơ lớn nhất của đời mình, bất chấp hoàn cảnh xuất thân của họ tồi tệ đến mức nào.
Điều gì ngăn cản hầu hết mọi người không đạt được ước mơ của mình? Bạn hãy xem mình như một tên lửa lúc nào cũng sẵn sàng trên bệ phóng, được nạp đầy nhiên liệu và chỉ chờ dịp để phóng vào khoảng không gian mơ ước của mình. Nhưng quả tên lửa vẫn nằm ỳ, vĩnh viễn không bao giờ được phóng lên không gian khi chưa chặt đứt 6 sợi dây xích đang trói chặt bạn vào bệ phóng và chưa kích hoạt 7 động cơ của nó.
Vậy, chúng ta hãy bắt đầu.
Phần II – Chặt đứt 6 sợi dây xích
Sợi dây xích thứ nhất: Bạn được lập trình sẵn sự bình thường
Từ những năm 1960, khoa tâm lý học đã có những cuộc nghiên cứu: Họ chích điện vào chuột thí nghiệm khi chúng đến khay lấy thức ăn. Sau đó, dù nguồn điện bị ngắt, khay có nhiều thức ăn hấp dẫn, nhưng chúng không dám liều mạng đến gần khay vì sợ điện giật mặc dù chúng rất đói.
Con người chúng ta cũng bị “lập trình” bởi những sự việc trong quá khứ với các thầy cô giáo, huấn luyện viên, bạn bè, cha mẹ, để đi đến chỗ tin rằng, bạn chỉ là một kẻ bình thường bậc trung. Kết quả là chúng ta đặt số phận của mình vào tay kẻ khác. Đó là tác hại ghê gớm của sợi dây xích lập trình sẵn cho sự tầm thường.
Để chặt sợi dây xích đáng sợ này, chỉ cần bạn tỉnh táo nhận ra một thực tế bị chôn vùi từ lâu và có sự điều chỉnh tương ứng thái độ và hành vi của bạn bằng cách tự nhủ rằng, bạn có khả năng thực hiện những điều phi thường trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Bộ não siêu việt mà thượng đế trao cho bạn như một máy tính siêu đẳng, bạn phải quyết tâm sử dụng nó vào mục tiêu cao nhất.
Sợi dây xích thứ hai: Nỗi sợ thất bại
Nỗi sợ thất bại là gông cùm khó bẻ gãy nhất. Để chặt đứt, nó bạn cần hiểu rõ hai thành phần của sợi dây xích này là nỗi sợ hãi và sự thất bại.
Nỗi sợ hãi là một cảm xúc hoặc rất lành mạnh, hữu ích, thậm chí có thể cứu mạng bạn, có thể gọi là nỗi sợ tích cực; hoặc có sức hủy diệt, làm tê liệt cảm xúc của bạn, gọi là nỗi sợ tiêu cực.
Nỗi sợ tích cực mách bảo bạn về giới hạn tự nhiên, pháp luật v.v… để bạn hành xử đúng và mang lại kết quả tốt đẹp. Nỗi sợ tiêu cực có vẻ mơ hồ nhưng rất đáng sợ, nó ngăn cản bạn làm những việc đáng làm.
Làm thế nào để phát hiện những nỗi sợ hãi mơ hồ? Bạn hãy tự hỏi: Bạn thực sự mong muốn điều gì? Những chướng ngại vật nào cản trở? Điều gì khiến bạn không dám đương đầu? Lúc đó nỗi sợ hãi của bạn sẽ xuất đầu lộ diện. Bạn hãy đặt thêm các câu hỏi: Điều tệ hại nào sẽ xảy ra nếu nỗi sợ hãi này trở thành sự thật? Nếu mình hành động thì điều tốt nhất có thể đưa đến là gì? Lúc đó bạn sẽ giải tỏa sự căng thẳng và khám phá ra những điểm yếu, điểm mạnh của mình để khắc phục và phát huy.
Thất bại là một sự việc (chứ không phải là một con người). Nhưng thất bại nào bạn trải qua cũng có thể trở thành người thầy vĩ đại, người cố vấn hiệu quả đối với thành công của bạn trong tương lai. Thật không may khi bạn xem thất bại là nỗi đau đớn, tấn bi kịch, sự cay đắng và nỗi giận dữ, để rồi bạn né tránh thất bại trong tương lai bằng cách tránh xa sự rủi ro và mạo hiểm, bạn chỉ đề ra mục tiêu tầm thường và sự tầm thường là kết quả mà bạn sẽ gặt hái được.
Sợi dây xích thứ ba: Né tránh sự chỉ trích, phê bình
Sự chỉ trích, phê phán, bình phẩm… đôi khi được bạn tiếp nhận một cách khó khăn, khó chịu, nên bạn thường tìm cách tránh xa nó. Để đập tan ảnh hưởng tồi tệ của sự chỉ trích, thay vì trốn tránh nó, bạn hãy đối mặt với nó. Bạn hãy tự nhủ: “Mình sẽ suy nghĩ về điều này”, tiếp đến, bạn cần suy nghĩ về nguồn chỉ trích, độ chính xác của sự chỉ trích, mục đích thật sự nằm sau sự chỉ trích là gì… Bạn hãy hiểu rằng, đôi khi lẫn trong cát là những hạt bụi vàng. Sau khi luyện tập, bạn sẽ có thói quen tốt hỗ trợ bạn suốt cả cuộc đời.
Sợi dây xích thứ tư: Thiếu tầm nhìn rõ ràng và chính xác
Nếu bạn không có một khái niệm rõ ràng về đích đến và một tấm bản đồ chính xác, làm sao bạn có thể bắt đầu cuộc hành trình? Để có một tầm nhìn sáng tỏ và tấm bản đồ chính xác cho cuộc hành trình thực hiện ước mơ, bạn chỉ cần một quyển sổ tay và bút hoặc một chiếc máy vi tính và thực hiện các bước thật đơn giản: liệt kê tất cả những mong muốn của mình trong từng lĩnh vực rồi sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên. Một khi bạn đã hoàn tất công việc này có nghĩa là bạn đã có được tấm bản đồ cho cuộc hành trình đến ước mơ của mình.
Sợi dây xích thứ năm: Thiếu kiến thức
Mỗi người chúng ta chỉ có một số điểm mạnh và khả năng, trong khi chúng ta lại có vô số điểm yếu và vượt ngoài khả năng của mình. Trong thực tế, không ai có đầy đủ kiến thức của mọi lĩnh vực. Bạn có thể xem việc thiếu kiến thức như một đòn bẩy cho những thành tựu và thành công phi thường. Mỗi khi đối mặt với một vấn đề mà bạn cảm thấy mình có một lỗ hổng kiến thức to tướng, bạn hãy tìm đến những chuyên gia trong lĩnh vực ấy. Người thành công là người biết nhờ người khác đắp vào khe hở kiến thức của mình.
Sợi dây xích thứ sáu: Thiếu điều kiện
Ba điều kiện giới hạn nhất trong cuộc sống là thời gian, tài năng và tiền bạc. Bạn đừng xem việc thiếu điều kiện là chướng ngại vật, mà nó cũng là đòn bẩy giúp bạn thành công.
Thời gian là thứ tài sản quí giá và hữu hạn hơn bất cứ thứ gì trên đời. Đánh mất thời gian, bạn sẽ không bao giờ tìm lại được. Cho nên, bạn phải sử dụng thời gian mình có một cách tốt nhất. Bạn hãy nới rộng điều kiện có hạn của thời gian bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, hãy mạnh dạn giao bớt việc và nhiệm vụ của mình cho người khác đáng tin cậy.
Thiếu khả năng hay tài năng hoàn toàn không phải là một trở ngại. Bạn hãy nêu những tài năng cụ thể mà bạn có thể tìm ở những người khác, bạn hãy tuyển dụng những người có khả năng đó.
Thiếu tiền bạc cũng có thể khắc phục được. Khi bạn mở công ty hoặc thực hiện một kế hoạch nào đó, bạn hãy kê ra những nguồn tài trợ tài chính mà bạn có thể nhờ đến, từ việc vay vốn ngân hàng, đến việc kêu gọi đầu tư hoặc các nhà tài trợ.
Phần III – Kích hoạt bảy động cơ cực mạnh
Động cơ thứ nhất: “Hiệu suất làm việc Henry Ford”
Henry Ford không phải là người phát minh ra xe hơi, mà ông là người đã nghĩ ra cách sản xuất hàng loạt xe hơi – và bất cứ thứ gì khác – với chi phí cực rẻ, điều mà trước đó không ai dám mơ tới.
Điều đáng nói, việc tạo ra dây chuyền sản xuất là một bước nhảy vọt về năng suất lao động cho các ngành công nghiệp Mỹ và toàn thế giới.
“Quy trình hiện thực hóa ước mơ” sẽ mang lại cho bạn những điều mà dây chuyền sản xuất đã mang lại cho Henry Ford và thế giới, đó là:
Viết ra định nghĩa ước mơ
Chuyển ước mơ đó thành những mục tiêu cụ thể
Chuyển mỗi mục tiêu thành những bước cụ thể
Chuyển mỗi bước thành công việc cụ thể
Vạch ra thời gian để hoàn thành từng công việc đó.
Động cơ thứ hai: “Sức mạnh BaBe Ruth”
BaBe Ruth là một vận động viên bóng chày nổi tiếng, anh đã lập nhiều kỷ lục phi thường mà mãi 43 năm sau mới có người phá vỡ. Babe Ruth vĩ đại đã học được cách dồn lực vào động tác đánh bóng và thêm khoảng cách vào các cú đánh, một điều mà trước và sau anh không ai làm được.
Dùng hình ảnh trong bóng chày, tôi khuyên bạn sử dụng kỹ thuật bay lên cung trăng, có nghĩa là bạn đề ra các mục tiêu ngoài tấm với, thậm chí không thể đạt được nếu chỉ dựa vào sức của một mình bạn. “Bao giờ cũng nhắm đến mặt trăng, nếu anh không tới được đó, thì anh vẫn ở trên cao”. Kỹ thuật “bay lên cung trăng” trong việc xác định mục tiêu sẽ đưa đến: Thứ nhất, bạn sẽ đạt được những thành quả cao hơn bạn nghĩ; thứ hai, có nhiều khả năng thành quả ấy sẽ tác động tới những người xung quanh bạn, thậm chí cả những thế hệ sau.
Động cơ thứ ba: “Mô hình hợp tác Steven Spielberg”
Steven là một trong số ít đạo diễn ở Hollywood tài năng và giàu trí tưởng tượng nhất. Nhưng ông còn có một kỹ năng quan trọng, xứng đáng bậc thầy khác, đó là kỹ năng hợp tác hiệu quả: tuyển chọn đúng người hợp tác, tận dụng được khả năng của những người này.
Làm thế nào để kích hoạt động cơ này? Trước hết, bạn phải có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác về ước mơ. Đánh giá đúng điểm mạnh và điểm yếu của mình, sau đó xác định đối tượng bạn cần, những người này sẽ bù đắp sở đoản của bạn. Bạn cần tìm hiểu tính cách và lòng chính trực của họ và động viên họ. Bạn nên nhớ rằng, tiền bạc phải song hành cùng lòng yêu thương thì sự thúc đẩy đó mới có sức mạnh vượt trội.
Động cơ thứ tư: “Tinh thần lạc quan Helen Keller”
Hellen không thể chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, không thể nghe được những âm thanh tuyệt diệu của đời. Hellen có quyền và có đủ lý do để cảm thấy đau khổ và căm phẫn. Tuy vậy, trái tim cô không hề có chỗ cho sự cay đắng và thù hận. Ngược lại, có lẽ Hellen là một trong những người hạnh phúc và lạc quan nhất thế kỷ XX.
“Tinh thần lạc quan” là động cơ thứ tư giúp bạn cảm nhận được niềm vui và sự mãn nguyện trên con đường thực hiện ước mơ. Tinh thần lạc quan vô cùng quan trọng, nó là nguồn động lực thúc đẩy con người vươn tới đỉnh cao. Đó là đặc điểm chung của tất cả những người thành công.
Động cơ thứ năm: “Sức thuyết phục mạnh như động đất”
Trận động đất không chỉ có sức thuyết phục mạnh mà nó còn minh họa được tất cả những yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật thuyết phục.
Thuyết phục thực sự là một nghệ thuật giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp cùng người khác và cho người khác. Nguyên tắc của việc thuyết phục là sự tôn trọng, tức là bạn phải biết lắng nghe, cảm nhận, phải chạm tới trái tim, tâm trí và ý muốn của đối tượng – như trận động đất đã tác động đến cảm xúc, ý chí và hành động của con người.
Để tạo sự chú ý của đối tượng, bạn phải dùng nghệ thuật “lưỡi câu”. Có ba loại lưỡi câu công hiệu nhất, đó là: dùng hình ảnh của một người quan trọng, dùng một câu hỏi cụ thể hay tạo một lời xác nhận, hoặc khẳng định nặng ký. Để sự thuyết phục trọn vẹn, bạn cần thúc đẩy hành động bằng cách khơi lên “khát vọng lợi ích” hoặc “nỗi sợ mất mát” ở đối tượng. Giao tiếp thuyết phục là chìa khóa vạn năng mở ra nhiều cánh cửa vào tâm trí và trái tim người khác.
Động cơ thứ sáu: “Sức bền bỉ của giống chó Pit Bull”
Pit Bull là một giống chó nhỏ, rất thân thiện và hiền lành. Nhưng khi bị tấn công, nó trở nên hung dữ, gan lì, nó không bỏ cuộc hay tháo chạy, mà tìm chỗ hiểm của đối thủ để cắn (dù đối thủ có thể to lớn hơn nó), chiến đấu đến khi thắng cuộc mới thôi. Điểm nổi bật của nó là kiên trì, bền bỉ, không gì khuất phục được.
Nếu có một người mà cuộc đời của ông là hiện thân của đức kiên trì, thì đó là Thomas Edison. Ông nói thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng còn 99% là lòng kiên trì.
Để rèn luyện đức tính kiên trì, trước hết ta xác định tầm nhìn và áp dụng quy trình hiện thực hóa ước mơ nhắm đến mặt trăng; truyền bá tầm nhìn của bạn với người khác; thực hiện mô hình hợp tác Steven Spielberg; chấp nhận sự phê bình, thất bại như một phần của cuộc sống và học cách xử lý điều đó; đón nhận những khó khăn, trở ngại và đưa ra những giải pháp sáng tạo, duy trì mức độ chạy marathon.
Động cơ thứ bảy: “Kế hoạch ưu tiên, chính xác như laser”
Nếu thời khắc trong ngày của bạn dưới quyền điều khiển của môi trường xung quanh, nhu cầu, mong muốn và đòi hỏi của người khác, tức là bạn rơi vào trạng thái mất quyền kiểm soát. Hệ quả là căng thẳng, chán nản, bất mãn. Bạn hãy tỉnh thức – giành lại quyền kiểm soát cuộc đời của mình ngay từ bây giờ. Muốn làm được điều này, bạn phải thực hiện ba bước đơn giản: Bạn phải nhận ra thời gian “thoát khỏi” bạn như thế nào; phải học cách nắm giữ hoặc kiểm soát nó; và biết cách quản lý nó.
Để thời gian vô tình trôi qua vào những chuyện đâu đâu là việc làm lãng phí, vì đời người “ngắn chẳng tày gang”.
Bạn phải xử lý một cách hiệu quả khuynh hướng khất lần khất lữa. Có trách nhiệm quản lý tốt tài sản quý giá “thời gian”, bạn mới có thể đạt được những ước mơ quan trọng nhất.
Phần IV – Phóng đến ước mơ không tưởng của bạn
Nhiên liệu cho bảy động cơ: “Niềm đam mê mang tên Oprah Winfrey”
Oprah Winfrey xuất hiện đầu tiên trong buổi phỏng vấn với Barbara Walters. Barbara hỏi: “Oprah, cảm giác của cô khi sống ở Deep South khi còn bé như thế nào? Chắc cô phải cảm thấy kinh khủng và đau đớn lắm vì nạn kỳ thị chủng tộc?”. Oprah đáp: “Barbara à, từ khi còn bé, tôi đã phát hiện ra rằng, không có sự kỳ thị nào với những gì xuất sắc cả”.
Tuyệt vời! Barbara không thể hỏi thêm gì nữa. Oprah đã phản hồi trong cuộc sống, phản hồi lại những hành vi tiêu cực một cách khôn ngoan và tử tế. Vì thế, những nỗi đau mà cô gánh chịu giúp cô trở nên giàu tình thương hơn thay vì nuôi dưỡng nỗi cay đắng cùng cực. Phẩm chất của cô chính là niềm đam mê vô tận dành cho cuộc sống, công việc và danh cho người khác.
Niềm đam mê chính là nhiên liệu giúp cả bảy động cơ hoạt động, chính là yếu tố tạo nên thành công của Oprah. Nó là sức mạnh bí ẩn giúp những người nhắm đến mặt trăng và đến được đó.
Tài sản của Bill Gates trị giá khoảng 36 tỉ đô, có thể vợ chồng ông xài đến 360 năm sau vẫn chưa hết, chưa kể tiền lãi. Vậy mà Bill Gates vẫn đi làm mỗi ngày, làm cật lực. Tại sao ông phải nhọc công gắng sức như vậy? Chỉ vì niềm đam mê! Có nhiều người như vậy, họ yêu công việc của mình đang làm đến nỗi không bao giờ ngừng lao về phía trước.
Niềm đam mê do đâu mà có? Một số người dường như khi được sinh ra đã mang trong tâm hồn niềm đam mê cháy bỏng. Một số khác phải học cách nhóm lên ngọn lửa đam mê và nuôi dưỡng nó. Nếu ở trường hợp thứ hai, từng bước, bạn có thể “cấy” niềm đam mê vào một lĩnh vực nào đó mà bạn muốn gặt hái thành công.
Nguồn nhiên liệu đam mê là một hỗn hợp gồm ba thành phần: tầm nhìn, hy vọng và sự thỏa mãn. Khi bạn có một định nghĩa sáng tỏ về ước mơ của mình tức bạn đã đặt thành phần đầu tiên của niềm đam mê cho ước mơ đó vào tâm trí của bạn. Hy vọng là một mong đợi thật sự về một kết quả cụ thể, kết quả đó càng có khả năng xảy ra bao nhiêu thì hy vọng của bạn càng lớn bấy nhiêu, hy vọng chính là thành phần “gây nổ” tạo ra nguồn năng lượng.
Thành phần cuối cùng là sự thỏa mãn niềm vui mà bạn trải nghiệm khi hoàn thành công việc. Như hiệu ứng “hòn tuyết”, thành quả càng nhiều thì niềm vui càng lớn, niềm vui càng lớn thì đam mê càng cao, đam mê càng cao thì thành quả đạt được càng nhiều. Và cứ thế…
Kích hoạt các động cơ của bạn
Sức mạnh tổng hợp của bảy động cơ khổng lồ sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi bạn không kích hoạt chúng. Một công tắc nhỏ trong trái tim bạn có thể kích hoạt từng động cơ ngay lập tức: Niềm tin.
“Niềm tin là những gì có thật mà con người hy vọng, và là bằng chứng cho những gì không nhìn thấy” (Kinh Thánh). Niềm tin không phải là cảm giác trừu tượng vô hình nào đó. Nó cũng không phải là hy vọng. Nó có thật và xác thực. Niềm tin thật sự bao giờ cũng tạo ra một hành động tương ứng nhằm mang lại bằng chứng cho sự hiện diện của nó. Bạn hãy tin vào quyển sách này, vì đây không phải là lý thuyết suông mà là những phương pháp và cách thức thực sự, có tác dụng với tác giả và hàng ngàn người khác đã đạt được ước mơ của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.