1.1.20

Tóm tắt sách Con Đường Thăng Tiến

Con Đường Thăng Tiến
Tác giả: Matsushita Konosuke

Đôi nét về tác giả:
Matsushita Konosuke, là doanh nhân người Nhật, sáng lập ra tập đoàn Matsushita. Ngoài ra ông còn sáng lập ra trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP. Được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật, người anh hùng dân tộc của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Giới thiểu sách:
Con đường thăng tiến là cuốn sách tổng kết những điều tâm đắc trong sự nghiệp của Matsushita Konosuke trên con đường từ một nhân viên bình thường trở thành ông chủ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới.

Thông qua cuốn sách, các bạn sẽ mau chóng khám phá ra những bí quyết để thành công, trong đó bao gồm kỹ năng, sự rèn luyện, những mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên… và quan trọng hơn cả chính là tình yêu đối với công việc.

Con đường thăng tiến chắc chắn sẽ mang lại cho bạn đọc những bài học quý giá nhằm vượt qua những khó khăn đồng thời phát triển sự nghiệp bản thân lên một tầm cao mới.
“Để làm tốt một công việc, bạn phải yêu thích những gì mình đang làm. Nếu làm việc chỉ vì mưu sinh, các bạn sẽ chẳng bao giờ tận hưởng niềm vui trong công việc. Các bạn cũng chẳng thể làm tốt nếu nghĩ đó là nghĩa vụ phải làm. Áp lực trong công việc là sản phẩm của những thái độ thụ động và tiêu cực như thế. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng tình yêu công việc lại là liều thuốc tốt nhất cho những người đang chán ghét công việc.”
(Matsushita Konosuke)

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 – KINH NGHIỆM DÀNH CHO NHÂN VIÊN MỚI ĐI LÀM
Nhận ra chân lý của vận mệnh
Nếu mới gia nhập công ty, điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ trong lòng chính là: “Ắt hẳn là nhờ duyên trời định nên mình mới đi làm cho công ty này.”
Để có được sự nghiệp thành công, một trong những điều quan trọng cần ghi nhớ là: Hãy tìm ra ý nghĩa của công việc đối với cuộc đời mình và xem công việc chính là sự sắp đặt của số phận.

Tin tưởng vào công ty
Nhân viên mới phải tin tưởng vào công ty, nỗ lực cố gắng để trở thành một nhân viên xuất sắc trên cương vị của mình và đóng góp cho xã hội tùy theo khả năng. Khi đã có niềm tin này, nhân viên mới nhất định sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để tiến bộ và trưởng thành. Mỗi người hãy xem đó chính là kế hoạch của bản thân trong tương lai.

Bí quyết để thành công
Khi mới vào công ty, chắc chắn sẽ có lúc bạn phải làm quen hay tình cờ gặp giám đốc. Bí quyết để làm quen với giám đốc cũng không khác nhiều so với bí quyết để kết thân với trưởng phòng. Hãy bắt đầu từ việc báo cáo, xin phép như người trong gia đình với nhau, trong ngày đầu tiên tới công ty cũng như khi tan sở.

Cách cư xử với cấp trên và những tiền bối khó tính
Nếu gặp được người đi trước giỏi giang thì bạn là một người rất may mắn đấy. Tuy nhiên, nếu gặp một vị tiền bối khó gần, bạn cũng đừng nản chí. Hãy tự nhủ rằng: “Đây chính là cơ hội để mình có thể rèn luyện bản thân.” Hãy dùng tâm thế tích cực để đối mặt với những tính cách đặc biệt. Nếu làm được như vậy, càng ngày bạn sẽ càng trở nên xuất sắc hơn, mạnh mẽ hơn.

Lịch sử phát triển của công ty
Bất kỳ ai đang từng bước tiến đến cương vị làm việc mới đều cần tìm hiểu lịch sử phát triển của công ty bằng mọi phương pháp, qua đó tiếp thu và phát huy kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền bối đi trước.

Lễ nghi phép tắc giúp mọi việc diễn ra dễ dàng hơn
Lễ nghi không chỉ là biểu hiện bên ngoài, mà phải xuất phát từ nội tâm của mỗi người. Một khi lễ nghi đã có ở trong tâm, chúng ta mới cần đến hình thức hoặc phương pháp nào đó để biểu hiện ra bên ngoài nhằm cảm hóa người đối diện, xây dựng quan hệ tốt đẹp với họ. Đặc biệt, nhân viên mới đến công ty làm việc cần nhanh chóng nắm bắt những lễ nghi phép tắc cần thiết, rồi tự giác thể hiện nó thông qua lời nói, hành động và cử chỉ để công việc diễn ra một cách trôi chảy.

Coi trọng sức khỏe cũng là một nhiệm vụ trong công việc
Bất luận công việc các bạn đang làm là gì, đừng quên rèn luyện sức khỏe. Trong công việc, cần phải duy trì cảm giác hào hứng, chuyên tâm dốc sức vào những gì mình đang làm, đồng thời tìm phương pháp phù hợp để duy trì và bảo vệ sức khỏe.

Tích cực đề xuất kế hoạch làm việc
Những người làm việc lâu năm có thể có kinh nghiệm dày dạn, nghiệp vụ thông thạo, nhưng lại có tư tưởng vào trước là chủ, quen với nếp cũ và không chịu thay đổi. Những người như vậy không nhìn ra hoặc coi nhẹ những điểm cần thay đổi, cải tiến. Ngược lại, nhân viên mới sẽ có những góc nhìn hoàn toàn mới để đánh giá công việc và họ hoàn toàn có thể đưa ra những đề xuất, ý kiến đóng góp vô cùng quý báu. Vì vậy, người quản lý cần khuyến khích nhân viên mới tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất kế hoạch phát triển công ty.

Hãy nhẫn nại với công việc
Khi đảm nhận công việc mới, nếu như bạn băn khoăn không biết công việc đó có phù hợp với mình hay không là chuyện rất bình thường. Điều quan trọng là các bạn phải khắc cốt ghi tâm câu nói: Ishi no ue nimo sannen. Hãy tiếp tục làm việc, bình tâm suy xét kỹ càng để cảm nhận “hương vị” của công việc.

Lương bổng không phải là thước đo giá trị của bản thân
Trên thế giới này có vô vàn công việc khác nhau, nên rất khó dùng tiền bạc đo lường giá trị của mỗi công việc. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải học cách kiềm chế bản thân, khiêm tốn học hỏi từ người đi trước, tìm kiếm một tiêu chuẩn nhất định để đo lường giá trị công việc của bản thân. Sau đó, chúng ta hãy dùng những tiêu chuẩn đó để không ngừng nâng cao giá trị của chính mình.

Công ty là nguồn tài nguyên quý báu của xã hội
Nhất cử nhất động của mỗi nhân viên đều ảnh hưởng đến hình tượng và sự phát triển chung của toàn công ty. Chính vì thế, khi đã trở thành một phần không thể thiếu của công ty, mỗi nhân viên mới cần ghi nhớ: Công ty đang phục vụ xã hội. Hãy cố gắng duy trì tinh thần trách nhiệm và tính tự giác của bản thân, đừng chỉ suy nghĩ cho riêng mình theo kiểu “thân ai người nấy lo”.

CHƯƠNG 2 – KINH NGHIỆM DÀNH CHO NHÂN VIÊN CHỦ CHỐT CỦA CÔNG TY
Coi cấp trên là khách hàng
Lòng nhiệt tâm trong công việc của người này sẽ cảm hóa và động viên người khác, tạo ảnh hưởng tích cực trong nội bộ công ty, giúp công ty phát triển mạnh mẽ hơn và làm cho những nhân viên khác trong công ty có thể cảm nhận niềm hạnh phúc mà công việc mang lại.

Yêu công việc mình làm, hết lòng với công ty
Hầu hết chúng ta đều có thể làm được điều này trong cuộc sống hiện tại. Một khi chúng ta không thể yêu công việc đang làm thì đừng ngại ngần mà tự hỏi chính mình: Ta có nên cố gắng để tìm niềm vui từ công việc hay không?

Đừng bao giờ làm nô lệ của kiến thức
Các bạn trẻ mới bước chân ra khỏi cánh cổng trường đại học rất dễ phạm phải sai lầm của thói “lý luận suông”. Đừng quên nhắc nhở chính mình: Chớ để tri thức trói chân bạn lại, mà phải để tri thức làm đôi cánh nâng bạn bay lên.

Bước đầu tiên là làm sao để được công ty tín nhiệm
Thái độ làm việc nghiêm túc, không phớt lờ bỏ qua những việc nhỏ sẽ khiến bạn nhận được sự tín nhiệm của người khác, giúp bạn trở thành một người không thể thiếu trong tập thể.

Rèn luyện bản thân ngay cả trong những lúc bình thường
Thực ra, đạo lý này không có gì khó hiểu, nhưng trong thực tế không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ có sự rèn luyện thường xuyên, tự trải nghiệm qua nhiều tình huống, chú ý quan sát và học hỏi ngay cả những lúc bình thường mới giúp bạn dần hình thành sự tự giác trong công việc hằng ngày như vậy.

Đề cao trách nhiệm của bản thân
Nghiêm túc mà nói, những người không có chí tiến thủ, không có mục tiêu trong đời không đủ tư cách để làm một thành viên trong xã hội.

Yêu công việc mình đang làm
Một khi mối quan hệ giữa sở thích và quá trình làm việc xảy ra xung đột, các bạn cần nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng.

Kỹ xảo chào hàng
Khi chào hàng sản phẩm, chức năng của sản phẩm đương nhiên sẽ có tính thuyết phục cao nhất. Thế nhưng, nếu thiếu kỹ năng chào hàng thích hợp, thì dù sản phẩm tốt đến đâu cũng khó mà tiêu thụ tốt. Con người cũng giống như vậy.

Trước tiên, các nhân viên của công ty cần cố gắng nâng cao thực lực và tố chất của bản thân trong công việc, sau đó không ngừng phát huy sở trường của mình, để người khác hiểu mình hơn. Kỹ xảo chào hàng cũng là một kỹ năng quan trọng không thể thiếu đối với bất kỳ nhân viên nào.
Phê bình giúp người khác tiến bộ
Một người vừa làm việc, vừa học hỏi tìm tòi và biết dựa vào những kinh nghiệm đã tích lũy để phát triển là người có thể đạt đến sự hoàn hảo trong công việc. Nhưng ở đâu cũng có những người lười biếng, lúc nào cũng qua loa đại khái cho xong chuyện, không nghĩ đến sự phát triển của bản thân.

Sau thời gian dài, những người như thế vẫn “không chịu” tiến bộ và vì họ mà công ty cũng như xã hội khó lòng phát triển nổi. Vì thế, cần phải hoan nghênh những ai dám phê bình và chỉ trích, còn bản thân những người bị phê bình cần phải khiêm tốn tiếp nhận, có sai thì sửa và hãy động viên bản thân không ngừng tiến bộ, nâng cao tay nghề. Các bạn trẻ và cả những nhân viên từng trải đều cần ghi nhớ điều này. Nhất là các bạn trẻ, càng nên thể hiện sự dũng cảm, tỏ ra khiêm tốn và chủ động lắng nghe những ý kiến quý báu từ mọi người.
Làm việc hết mình
Vì cống hiến hết mình cho công việc là một thái độ làm việc vô cùng nghiêm túc nên những người làm được như vậy là những tấm gương cực kỳ quý giá. Với những ai toàn tâm toàn ý với công việc, họ sẽ có thêm nhiều năng lượng sống, tích lũy nhiều trải nghiệm hơn, tìm được niềm vui ẩn trong công việc và nhận ra giá trị của cuộc sống nhiều hơn người khác.

Ghi nhớ những rung động đầu tiên
Tại sao tôi lại chia sẻ với mọi người chuyện năm xưa của tôi ở đây? Bởi vì tôi thấy, mỗi người bước ra xã hội, đảm trách một vị trí nào đó, dù ít hay nhiều đều có những trải nghiệm giống như vậy. Thỉnh thoảng, mọi người nên hồi tưởng về những kỷ niệm vui và đầy phấn khích của những ngày đầu đi làm.
Chắc chắn những kỷ niệm ban đầu ấy sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn và thử thách trên con đường đời dài đằng đẵng sau này.

Tự mài giũa mình trong công việc
Nói thì dễ làm mới khó, sự kiên trì mỗi ngày không hề đơn giản như cách chúng ta nói. Chúng ta cần phải dừng bước nghỉ chân, nhìn nhận lại chính mình trước, rồi sau đó mới lấy lại dũng khí để khích lệ bản thân tiếp tục lên đường.

Hãy hỗ trợ hết mức có thể cho những người giỏi
Trong công việc, mỗi người không chỉ cần nỗ lực để đạt được danh hiệu nhân viên xuất sắc mà còn phải giúp đỡ các đồng nghiệp xuất sắc khác, dựa vào thực lực của bản thân, để đưa sự nghiệp chung phát triển lên một tầm cao mới.

Nếu có cơ hội thì mọi người nên làm việc cùng nhau để so sánh thực lực chứ không nên ném đá giấu tay, ngầm ngăn cản người khác sau lưng. Trên hết, mọi người cần ưu tiên người được đề bạt và giúp đỡ đồng nghiệp của mình cùng phát triển. Đối với một công ty hay một quốc gia, tinh thần hợp tác, đoàn kết đều vô cùng quan trọng. Nó có thể là cơ hội để mỗi cá nhân trong tập thể tiến bộ và phát triển.
Đồng cảm với cấp trên
Nếu xuất phát điểm của hành động đó là vì danh lợi hay có mưu đồ, lòng tư lợi của bạn sẽ sớm bị người khác nhìn thấu và kết quả nhận được sẽ trái ngược. Đừng xem thường năng lực quan sát của người khác. Nếu hành động của bạn xuất phát từ thành ý, thì tự nhiên bạn sẽ được người khác tôn trọng và cảm thông hơn. Những từ như “chân thành”, “thành ý” tuy nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng tôi cho rằng, sự chân thành quan tâm đến người khác chính là một trong những tố chất cơ bản mà bất kỳ nhân viên công ty nào cũng cần phải có.

CHƯƠNG 3 – KINH NGHIỆM CHO CẤP QUẢN LÝ CÔNG TY
Đừng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới
Đã là một trưởng bộ phận hay trưởng phòng, các bạn cần thường xuyên tự nhắc nhở: Mình đang đảm nhận một sứ mệnh quan trọng, vì thế không được đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Nếu trưởng bộ phận không thể chỉ huy được bộ phận của mình hoạt động suôn sẻ thì vận mệnh và tương lai phát triển của cả công ty sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, trưởng bộ phận nên chịu toàn bộ trách nhiệm đối với tình hình hoạt động của bộ phận mà mình phụ trách.

Dũng cảm nhận trách nhiệm
Không chỉ lãnh đạo cấp bộ phận cần có lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, mà tổng giám đốc cũng phải dũng cảm nhận trách nhiệm trước những thời khắc có tính quyết định đối với tương lai của công ty. Như vậy, năng lực tập trung của công ty mới được tăng cường và lòng tin của nhân viên vào đội ngũ lãnh đạo mới đủ vững chắc để triển khai công việc cũng như kế hoạch một cách dễ dàng.

Rèn luyện hằng ngày để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Lãnh đạo các bộ phận trong doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá khách quan thực lực của bản thân, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Tinh thần kiên trì và sự nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ khơi dậy tiềm năng vô hạn của mỗi người, giúp họ phát triển tư duy cũng như nâng cao thực lực của bản thân.

Vấn đề quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân tài
Là người đứng đầu một bộ phận, đừng bao giờ trách nhân viên không chịu cố gắng mà cần nhìn lại chính bản thân xem mình đã đủ nỗ lực để giúp nhân viên hiểu được phương châm phát triển của bộ phận hay chưa.

Đừng làm phiền cấp dưới
Trong công việc thường ngày, lãnh đạo càng hy vọng cấp dưới hoàn thành tốt công việc thì càng dễ làm ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cấp dưới. Là người phụ trách bộ phận, các bạn cần thường xuyên nhắc nhở bản thân đừng bao giờ phạm phải những sai lầm như thế.

Làm sao để ngăn ngừa mâu thuẫn nảy sinh
Lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng cần phải ứng xử khéo léo để đoàn kết tập thể nhân viên với những tính cách khác nhau, để mọi người cùng vui vẻ làm việc. Đây cũng là một kinh nghiệm vô cùng quan trọng.

Giá trị của sự thất bại
Chẳng ai là thần thánh, chẳng ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng mình sẽ không phạm phải sai lầm trong suốt cuộc đời. Điều quan trọng là khi phạm sai lầm phải biết khiêm tốn sửa đổi. Trong công ty, người có địa vị càng cao thì càng dễ lún sâu vào sai lầm vì quá coi trọng thể diện và địa vị của bản thân, dù cái sai đã rõ ràng như ban ngày nhưng vẫn cố gắng che giấu.

Dù sai lầm đó được sửa chữa kịp thời thì trong lòng người đó vẫn cảm thấy khó chịu, gây ra sự phiền phức không đáng có cho các đồng nghiệp xung quanh và cả công ty.
Hy vọng mọi người hãy nhắc nhở nhau, lấy đó làm điều răn mình. Đối với cấp dưới và đồng nghiệp phạm phải sai lầm, các bạn cũng nên thể hiện thái độ khoan dung đối với họ.

Đừng coi phúc là vui, chớ xem họa là buồn
Dù là giao thiệp với khách hàng hay làm những công việc thường ngày, chúng ta đều cần có một niềm tin mãnh liệt và kiên định.

Đánh giá chính xác thực lực của bản thân
Một khi đã tìm được môi trường phù hợp với mình, các bạn sẽ không chỉ tận hưởng được niềm vui và thành quả từ sự nỗ lực trong công việc, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

Gặp chuyện lớn sẽ thành công
Có lẽ, chúng ta sẽ không có khí phách anh hùng, không chùn bước giống như Thiên hoàng Minh Trị. Tuy nhiên, là lãnh đạo các doanh nghiệp, trong công việc thường ngày, các bạn cũng nên tự bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm để đến khi gặp phải những thời khắc sinh tử, các bạn có thể xả thân hết mình, gánh vác những trọng trách nặng nề mà công ty giao phó.

Tìm niềm vui trong đau khổ
Trong khi làm việc, gặp phải chuyện không như ý, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng buồn bực. Mức độ của sự buồn bực đó cũng không giống nhau, tùy vào chức vụ của mỗi người. Là một người lãnh đạo doanh nghiệp, chuyện gặp phải khó khăn và rắc rối là tất yếu. Nếu không thể chấp nhận những khó khăn đó, các bạn có thể từ chức. Tuy nhiên, người nào cũng cần trải qua một vài khó khăn mới có thể thu được thành quả và tiến bộ.

Sự buồn bực là một chất kích thích, cũng là một liều thuốc bổ có thể giúp người ta có ý tưởng và sản phẩm mới, đồng thời lại giúp chính bản thân người đó khắc phục khó khăn, rũ bỏ phiền não. Trong quá trình này, các bạn sẽ thu được niềm vui và cảm giác thành công mà chỉ những người làm quản lý mới có thể cảm nhận được.
Giữ vững ý chí và niềm tin mãnh liệt
Người lãnh đạo tuyệt đối không được thể hiện tâm trạng bi quan và tiêu cực, mà cần kiên định nói với bản thân và cấp dưới rằng: Nhất định phải có niềm tin tất thắng. Dù gặp phải khó khăn trắc trở gì, cũng có thể đi một ngày đàng học một sàng khôn, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, vươn tới thành công. Ý chí kiên định và niềm tin mãnh liệt này chính là một phẩm chất cần thiết mà mỗi người quản lý cần tự trang bị.

Nhiệt tình với công việc
Khi thiếu đi động lực làm việc, đừng ngại hỏi lại chính mình: Mình có thích công việc hiện tại không, hay phải chăng mình đang nỗ lực để thích công việc hiện tại? Hy vọng, khi nghĩ lại những chuyện đó, mọi người có thể tự nói với bản thân: Từ trước đến nay mình luôn cảm thấy công việc là chuyện rất gian khổ, nhưng đến bây giờ mới biết hóa ra công việc còn có nhiều điểm thú vị như thế. Thực ra, chỉ cần chú ý cách thức làm việc là các bạn có thể khơi dậy tiềm lực vô tận và sự nhiệt tình với công việc của đồng nghiệp và cấp dưới, khiến công việc trở thành niềm vui vô cùng.

Mục đích của tôi khi nói như vậy không phải là để mọi người toàn tâm toàn ý dốc sức vào công việc mà từ bỏ đi những thú vui của bản thân, mà chỉ cần giảm bớt thời gian tiêu khiển giải trí lại, chẳng hạn như trước đây có ba hoạt động giải trí thì nay bớt lại còn hai. Dần dần, các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui trong công việc mà mình đang làm. Tôi nghĩ, chỉ cần có tâm thế đó, công việc của bạn nhất định sẽ thuận buồm xuôi gió, tâm trạng thoải mái; niềm vui và sự thành công cũng sẽ tự nhiên kéo đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.