1.1.20

Tóm tắt sách Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Thông tin về tác giả:

Napoleon Hill (1883 – 1970) là tác giả dòng sách phát triển bản thân nổi tiếng nhất mọi thời đại, tác giả của những cuốn sách ăn khách như: Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu; Law of Success; Kế hoạch làm giàu 365 ngày; Làm giàu (Grow Rich! With Peace of Mind)…

Ông cũng từng là cố vấn cho 11 Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Câu nói nổi tiếng thể hiện tư tưởng của ông là: “Điều gì mà tâm trí có thể nhận thức và tin tưởng thì tâm trí có thể hoàn thành”.
Giới thiệu sách:
Chiến thắng con quỷ trong bạn được Napoleon Hill viết năm 1938, sau khi phát hành cuốn Think and grow rich. Nhưng cuốn sách này chưa bao giờ được xuất bản cho đến năm 2011, thế giới mới được biết nội dung của nó.

Cuốn sách là cuộc trò chuyện của Napoleon Hill và nhân vật Con Quỷ. Sau bao nhiêu năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng ông cũng phát hiện ra Con Quỷ, bắt nó phải thú tội và tiết lộ những sự thật kinh hoàng về nơi nó sống, cách nó kiểm soát tâm trí con người và cách để con người chiến thắng được nó.
Khi đọc cuốn sách này, có thể bạn sẽ tự hỏi: “Cuộc trò chuyện này có thật không?”. Con Quỷ là có thật hay chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng của Napoleon Hill? Bạn có quyền lựa chọn câu trả lời cho chính mình. Bởi lẽ cuối cùng, thông qua cuộc trò chuyện với Con Quỷ, Napoleon Hill đã cung cấp cho chúng ta chìa khóa để chiến thắng Con Quỷ trong cuộc sống riêng của mỗi người.
Nội dung tóm tắt sách:
Chương 1 – Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Andrew Carnegie
Andrew Carnegie được mệnh danh là Vua Thép, ông là người giàu thứ 2 trong lịch sử thế giới. Ông là người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kì phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19.

Có hàng triệu người trên thế giới này không có ý niệm gì, dù là nhỏ nhất, về nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại. Trường lớp dạy mọi người thực hành mọi thứ, trừ các nguyên tắc để có được thành công. Họ yêu cầu những người trẻ tuổi dành từ bốn tới tám năm để tích lũy những kiến thức trừu tượng, nhưng không dạy họ làm gì với kiến thức đó.
Tôi đã nói rõ ràng với ngài Carnegie rằng tôi mơ ước được theo học tại trường Luật, và trong đầu tôi đã hình thành ý tưởng sẽ phỏng vấn những người thành công nhất, tìm ra con đường dẫn đến thành công của họ và viết câu chuyện đó cho các tạp chí.
Ngài Carnegie đã nói rằng: “Với tôi, dường như đây là cơ hội để thử thách một chàng trai trẻ tham vọng như cậu, nhưng chỉ có tham vọng
thôi thì chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ này. Người đảm nhận nó phải có đồng thời cả lòng dũng cảm và sự kiên trì.
Cậu nên phân tích thật tỉ mỉ hàng ngàn người được xếp vào hàng “thất bại”, ý tôi nói “thất bại” ở đây là những người chưa đi đến chương cuối của cuộc đời họ, thất vọng vì không đạt được mục tiêu mà họ khao khát. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng cậu sẽ học được cách làm thế nào để thành công từ những thất bại. Họ sẽ dạy cậu những điều không nên làm.
Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng một người đang đến gần với thành công khi những thứ mà anh ta gọi là thất bại xảy đến, bởi đây chính là dịp để anh ta buộc phải tư duy. Nếu tư duy đúng đắn, cùng với sự kiên trì, anh ta sẽ khám phá ra rằng những thứ được gọi là thất bại đó thực ra chỉ là một dấu hiệu nhắc anh ta phải trang bị cho bản thân mình một kế hoạch hoặc một mục đích mới”.
Những lời ngài Carnegie nói đã định hình lại toàn bộ cuộc sống của tôi và gieo vào lòng tôi một mục tiêu cháy bỏng.
Tôi đã nghiên cứu 25.000 người được đánh giá là “thất bại” và hơn 5.000 người được phân loại là “thành công”. Khi tìm ra 17 nguyên nhân thành công và 30 nguyên nhân thất bại, tôi tưởng mình đã hoàn thành nhiệm vụ,nhưng thực ra đó là kết luận sai lầm và chủ quan của bản thân tôi. Đó chỉ là bộ khung và nó cần có “tâm hồn” để thôi thúc con người đối diện với khó khăn, chứ không phải né tránh nó.
Tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Ngày 11/11/1918, tôi xuất bản tạp chí Nguyên Tắc Vàng. Dù tôi chẳng có một xu tiền vốn nào nhưng tạp chí vẫn phát triển rất nhanh và sớm được phát hành rộng rãi trên toàn quốc với nửa triệu bản in mỗi kỳ, đến cuối năm đầu tiên, tạp chí lãi 3.519 đô la.
Nhưng cuối cùng tôi cũng chia tay tạp chí Nguyên Tắc Vàng. Sau đó tôi mở trường đào tạo nhân viên bán hàng. Trong vòng gần 6 tháng tôi kiếm được khoảng hơn 30.000 đô la. Tôi lại cảm thấy “nóng ruột”. Tôi không hạnh phúc. Có một sự thật ngày càng rõ ràng là chẳng có số tiền nào làm tôi thấy hạnh phúc cả.
Đó là mùa thu năm 1923. Trước đây tôi đã nhiều lần thiếu tiền nhưng tôi chưa bao giờ không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu cá nhân của mình cả. Trải nghiệm này khiến tôi choáng váng. Trong vòng hai tháng, tôi mắc căn bệnh tồi tệ nhất trong tất cả các căn bệnh của loài người: Do dự. Tôi biết 17 nguyên tắc thành công nhưng tôi không thể áp dụng nó.
Một buổi chiều, tôi bỗng có cảm giác rằng mình muốn đến « những không gian rộng mở » của miền đồng quê để hít thở không khí và có thời gian suy nghĩ. Tôi bắt đầu đi dạo, khi đi được 7 – 8 dặm gì đó, tôi nhận ra sự bế tắc của bản thân. Rồi một mệnh lệnh dưới dạng ý nghĩ đến với tôi « Nhiệm vụ suốt đời của cậu là hoàn thành triết lý đầu tiên trên thế giới về thành công cá nhân ».
Tôi bắt đầu viết. Gần như trong suốt 3 tháng liền, tôi chỉ làm việc với đống bản thảo và hoàn thiện chúng vào đầu năm 1924.
Năm 1926, bạn ông, nhà báo Donald Ring Mellett bị mưu sát vì phanh phui nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát. Napoleon bị dọa giết và thoát chết nhờ may mắn.
Sau vài tháng tràn ngập những trải nghiệm như thế, các dây thần kinh của tôi bắt đầu bị tổn thương. Tôi đã hoàn toàn mất đi lòng dũng cảm. Cả sự tham vọng đã động viên tôi suốt những năm dài cũng bỏ tôi mà đi. Lý trí của tôi hoàn toàn bị tê liệt.
Chương 2 – Một thế giới khác mở ra trước mắt tôi
Trong suốt cuộc đời mình, hiếm khi nào tôi có lòng tin đến mức này. Đó là một cảm giác rất khó miêu tả lại với người khác. Không có từ ngữ nào thích hợp để diễn tả về nó – chỉ những ai từng trải qua chuyện giống như thế mới có thể hiểu được mà thôi.

Nhưng sự kiên nhẫn của tôi cũng có giới hạn. Danh sách những người tôi quen biết đã cạn kiệt và tôi cũng không còn chút sức lực nào nữa.
Tiềm thức của Napoleon Hill đã nhắc đến một cái tên người quen là nguồn đầu tư tiềm năng, dù đó chỉ là một người từng quảng cáo trên tạp chí của ông. Bạn có ấn tượng với mọi người bạn từng gặp gỡ và mọi người bạn gặp cũng có ấn tượng về bạn. Bạn chẳng bao giờ biết được khi nào thì một người quen nào đó của bạn có thể trở thành một đối tác làm ăn. Mạng lưới của bạn có sức mạnh vô cùng lớn.
Tôi gửi một bức điện đi, đề tên người nhận là Ngài Pelton ở Meriden, bang Connecticut. Khi ông đến, tôi đã cho ông xem bản thảo gốc về triết lý của tôi và giải thích ngắn gọn về sứ mệnh của triết lý đó. Ông lật qua bản thảo trong vài phút, sau đó nhìn lên tường vài giây và nói: “Tôi sẽ xuất bản các cuốn sách của anh”.
Ba tháng sau ngày ngài Pelton đến gặp tôi ở Philadenphia, một bộ sách đầy đủ được đặt trên bàn, ngay trước mặt tôi và thu nhập từ tiền bán sách đã bắt đầu đáp ứng mọi nhu cầu thường ngày của tôi. Các sinh viên của tôi trên toàn thế giới đã có bộ sách này trong tay.
Số tiền bản quyền đầu tiên tôi nhận được từ tiền bán sách là 850 đô la. Khi mở chiếc phong bì mới được chuyển đến, “cái tôi khác” nói với tôi rằng: “Giới hạn duy nhất của bạn do chính bạn tạo ra!”.
Tôi không dám chắc mình thực sự hiểu “cái tôi khác” là gì nhưng tôi biết rằng những người tìm thấy nó, tin tưởng vào nó sẽ không bao giờ thất bại hoàn toàn.
Công trình của Napoleon Hill được xuất bản trong thời kỳ Đại Suy thoái và trên thực tế, nó đã giúp hàng triệu người tìm thấy niềm hy vọng và lòng dũng cảm để sống với với niềm tin rằng họ sẽ tìm thấy con đường dẫn đến thành công của riêng mình. Tôi tin rằng chúng ta có thể thấy rất nhiều nét tương đồng giữa thời kỳ của ông và thời kỳ của chúng ta hiện nay. Đó là những giai đoạn đầy căng thẳng và chúng ta phải tìm thấy ý chí sức mạnh nội tại bên trong mình. Với tình hình kinh tế bất ổn hiện nay, mọi người đang lựa chọn – hay buộc phải lựa chọn – để tìm ra những con đường mới cho bản thân cũng như cho gia đình mình và rất nhiều người đã đạt được những thành công vĩ đại. Họ sẽ trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện vĩ đại về thành công mà chúng ta sẽ được học trong vài năm nữa. Liệu chính bạn có được góp mặt trong những câu chuyện ấy hay chỉ là một nhân vật phụ ở bên lề câu chuyện mà thôi?
Trong cái rủi có cái may
Tôi đã có thêm một khám phá nữa, đó là kết quả của sự khai tâm “cái tôi khác” trong tôi, rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu cũng đều có cách giải quyết. Và tôi đã học được một điều rằng: Một người có thể vượt qua được những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nếu họ quên chúng đi một thời gian và giúp đỡ những người gặp phải những khó khăn lớn hơn.
Giá trị của việc Cho đi trước khi Nhận lại
Tôi chắc rằng mọi nỗ lực của chúng ta nhằm giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đều được đền đáp xứng đáng. Không phải lúc nào sự đền đáp ấy cũng đến từ những người chúng ta trực tiếp giúp đỡ, nhưng nó sẽ đến, theo cách này hoặc cách khác.
Niềm tin là điểm khởi đầu của mọi thành công vĩ đại nhất
Nhiều năm liền, mỗi năm tôi có thói quen tự “kiểm kê” bản thân lại một lần, nhằm mục đích xem mình có bao nhiêu điểm yếu cần khắc phục hay loại bỏ và xác định xem mình cần có những tiến bộ nào trong suốt năm tới.
Chương 3 – Cuộc phỏng vấn kỳ lạ với Con Quỷ
Cuộc phỏng vấn với Con Quỷ có thể đã xuất hiện khi Napoleon Hill ngồi dưới chân đài tưởng niệm Lincoln. Liệu nó có thật sự xảy ra không? Với ông thì nó có thật, ông đã tạo ra bộ khung cho cách ông sống cuộc đời của mình và chia sẻ khám phá của ông với chúng ta – những học trò của ông. Hãy nhớ lại những gì ông từng nói trước đây khi ông phát hiện ra rằng “Mọi nhà lãnh đạo xuất sắc nhất tôi từng nghiên cứu đều có lúc bị bao vây bởi đầy rẫy khó khăn và gặp phải những thất bại tạm thời trước khi “cán đích”.

Trong các tác phẩm của mình, ông cũng miêu tả những nhà lãnh đạo vĩ đại có những trí tuệ ưu tú quanh mình như thế nào. Họ đã chế ngự cuộc đấu tranh bên trong mình bằng nghịch cảnh và sau đó sử dụng sức mạnh của trí tuệ ưu tú để đi đến thành công. Hãy cân nhắc về việc bạn có thể tạo nên một nhóm trí tuệ ưu tú – một đội – để giúp bạn vượt qua nghịch cảnh và giúp bạn đi đến thành công.
Con Quỷ nói rằng: “Một trong những mưu kế thông minh nhất để kiểm soát tâm trí con người chính là nỗi sợ hãi… Sợ nghèo đói, sợ bị chỉ trích, sợ ốm đau bệnh tật, sợ mất đi tình yêu thương, sợ tuổi già và sợ cái chết”.
• H: Trong sáu nỗi sợ ấy thì nỗi sợ nào có lợi cho ngươi nhất?
• Đ: Nỗi sợ hãi đầu tiên và cuối cùng – sợ nghèo đói và sợ chết! Tại một thời điểm này hoặc một thời điểm khác trong cuộc đời, ta siết chặt tất cả mọi người với một hoặc cả hai nỗi sợ hãi này. Ta gieo những nỗi sợ hãi này vào tâm trí con người sâu đến nỗi họ tin rằng chúng là sản phẩm của họ. Ta làm được điều này bởi ta làm con người tin rằng ta chỉ đứng sau cánh cửa bước vào cuộc đời kế tiếp, chờ đợi để dành cho họ sự trừng phạt vĩnh hằng sau khi họ chết. Tất nhiên là ta không thể trừng phạt được ai cả, trừ khi tâm trí của người đó tồn tại những nỗi sợ hãi – và nỗi sợ hãi những thứ không có thật lẫn những thứ có thật đều có ích cho ta. Mọi nỗi sợ hãi đều mở rộng không gian ta chiếm hữu được trong tâm trí con người.
• H: Ai là kẻ thù lớn nhất của ngươi trên Trái Đất?
• Đ: Tất cả những người truyền cảm hứng cho con người chủ động tư duy và hành động đều là kẻ thù của ta. Đó là những người như Socrates, Khổng Tử, Voltaire, Emerson, Thomas Paine và Abraham Lincoln chẳng hạn. Và ngươi cũng chẳng có gì tốt đẹp với ta cả.
• H: Có đúng là ngươi lợi dụng những người giàu có không?
• Đ: Như ta đã nói với ngươi đấy, nghèo đói luôn là người bạn tốt của ta vì nó khiến con người không thể tư duy độc lập và gieo rắc thêm nỗi sợ hãi vào tâm trí con người. Một vài người giàu có hỗ trợ cho mục tiêu của ta, một số khác lại làm ta tổn hại, tùy vào cách họ sử dụng tài sản của mình vào việc gì. Chẳng hạn như tài sản của Rockefeller là một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của ta.
Chương 4 – Buông thả cùng Con Quỷ
• H: Hãy miêu tả mọi cách thức ngươi sử dụng để xui khiến con người buông thả. Hãy đưa ra định nghĩa chính xác về từ đó và nói với ta chính xác ngươi nói thế là có ý gì?

• Đ: Ta có thể định nghĩa chính xác nhất về từ “buông thả” bằng cách nói rằng những người biết suy nghĩ cho bản thân mình sẽ không bao giờ buông thả, còn những người chỉ biết suy nghĩ một chút hoặc hoàn toàn không suy nghĩ gì cho bản thân mình là những người dễ dàng buông thả nhất. Họ là những kẻ lười suy nghĩ, không chịu dùng bộ não của mình. Đó là lý do vì sao ta có thể kiểm soát suy nghĩ và gieo vào tâm trí họ những tư tưởng của riêng ta.
• H: Hãy nói cho ta biết về những thói quen phổ biến nhất giúp ngươi kiểm soát tâm trí con người đi.
• Đ: Đây chính là một trong những trò lợi hại nhất của ta: Thâm nhập vào tâm trí con người qua những suy nghĩ mà họ tưởng rằng đó là những suy nghĩ của mình. Những thứ hữu ích nhất cho ta là nỗi sợ hãi, mê tín, tính hám lợi, tham lam, thói dâm ô, sự trả thù, cơn giận dữ, sự phù phiếm và tính lười nhác. Qua một hoặc nhiều hơn những đặc tính này, ta có thể thâm nhập vào bất cứ tâm trí nào, ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng ta sẽ thu được những kết quả tốt nhất khi kiểm soát được một tâm trí còn trẻ, trước khi người chủ sở hữu nó học được cách đóng bất cứ cách cửa nào trong chín cách cửa này lại. Sau đó ta có thể thiết lập nên những thói quen giữ những cách cửa này khép lại mãi mãi.
Con Quỷ nói: “Ta khiến mọi người để ta chi phối suy nghĩ của họ vì họ quá lười biếng và bàng quan để biết suy nghĩ cho chính bản thân mình”.
Lười nhác + bàng quan = Do dự = Buông thả
Công thức này của Napoleon Hill đã miêu tả chính xác về một người buông thả. Vì gần như suốt cuộc đời mình, tôi luôn là người hay do dự nên điều này vô cùng thân thuộc với tôi. Tôi thích sử dụng cách bao biện rằng tôi thường làm việc tốt nhất khi có áp lực – nhưng thật ra nó chỉ là lời bao biện cho lý do tại sao tôi lại luôn do dự mà thôi.
Chương 5 – Con Quỷ tiếp tục thú tội
• H: Hãy nói thêm cho ta biết về những mưu kế khác của ngươi để khiến con người trở nên buông thả trong cuộc sống.

• Đ: Một trong những mưu kế hiệu quả nhất của ta là thất bại! Phần lớn mọi người bắt đầu buông thả ngay khi họ gặp khó khăn và không đến 1/10 số đó tiếp tục cố gắng sau khi thất bại từ hai đến ba lần.
• H: Vậy có nghĩa là công việc của ngươi là khiến con người thất bại bất cứ khi nào có thể?
• Đ: Ngươi nói đúng rồi đấy. Thất bại phá vỡ tinh thần, khép kín trí tưởng tượng và xua đuổi mục tiêu xác định của con người.
Nếu không có những phẩm chất này, không ai có thể đạt được thành công bền vững trong bất kỳ công việc nào. Thế giới đã sản sinh ra hàng ngàn nhà phát minh với những khả năng siêu việt hơn Thomas A. Edison quá cố. Nhưng chúng ta chưa từng biết đến tên tuổi họ, trong khi tên tuổi của Edison sẽ còn mãi vì ông đã biến thất bại thành bước đệm đến với thành công trong khi những người khác lại lấy nó làm cái cớ để biện minh cho việc chẳng đạt được thành quả nào của mình.
Chương 6 – Nhịp điệu thôi miên
• H: Ngươi đã sử dụng quy luật huyền bí nào để vĩnh viễn kiểm soát cơ thể con người, thậm chí trước khi ngươi kiểm soát tâm trí họ? Cả thế giới sẽ muốn biết nhiều hơn về quy luật này và cách nó được vận hành như thế nào.

• Đ: Sẽ rất khó giải thích cho ngươi hiểu nổi về quy luật đó, nhưng ngươi có thể gọi nó bằng cái tên “nhịp điệu thôi miên”. Đó cũng chính là quy luật sẽ khiến rất nhiều người bị thôi miên.
• H: Hãy tiếp tục đi, nhưng câu chuyện của ngươi phải được giới hạn trong những minh họa đơn giản và nằm trong phạm vi những gì chính ta đã trải nghiệm và kiến thức về các quy luật tự nhiên của ta.
• Đ: Tốt thôi, ta sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Tất nhiên là ngươi biết rằng tự nhiên duy trì sự cân bằng hoàn hảo giữa mọi yếu tố và nguồn năng lượng trong vũ trụ.
Ngươi có thể nhận thấy rằng các ngôi sao và các hành tinh chuyển động với sự chính xác hoàn hảo, mỗi một hành tinh hay ngôi sao đều giữ đúng vị trí trong không gian của nó. Ngươi có thể thấy rằng các mùa trong năm đến rồi lại đi với sự đều đặn hoàn hảo. Ngươi có thể thấy rằng cây sồi lớn lên từ hạt sồi và một cây thông sẽ lớn lên từ hạt giống của tổ tiên nó để lại. Một hạt sồi không bao giờ sinh ra một cây thông và một hạt thông cũng không thể phát triển thành một cây sồi.
Đó là những thứ đơn giản mà ai cũng có thể hiểu được, còn điều mọi người không thấy được chính là quy luật phổ biến mà nhờ đó tự nhiên mới duy trì được sự cân bằng hoàn hảo của nó xuyên suốt cả vũ trụ bao la rộng lớn này.
Loài người các ngươi đã nắm bắt được một ý niệm chắp vá về quy luật phổ biến vĩ đại này khi Newton phát hiện ra rằng chính quy luật đó đã giữ Trái Đất đúng vị trí của nó và khiến tất cả các vật chất đều bị hút xuống trung tâm của Trái Đất. Ông ta gọi nó là Định luật Hấp dẫn.
Nhưng ông ta chưa đi đủ xa trong việc nghiên cứu về quy luật này. Nếu ông ta làm vậy, ông ta đã khám phá ra rằng chính quy luật giữ Trái Đất của các ngươi ở đúng vị trí của nó và duy trì sự cân bằng hoàn hảo suốt 4 mùa trong năm – trong đó bao gồm mọi vật chất và mọi nguồn năng lượng – chính là cái mạng nhện giúp ta giăng bẫy và kiểm soát tâm trí của con người.
• H: Nỗi sợ hãi nào của con người giúp ích cho mục đích của ngươi nhất?
• Đ: Nỗi sợ chết.
• H: Tại sao nỗi sợ chết lại là vũ khí ưa thích nhất của ngươi?
• Đ: Bởi không có ai biết và theo bản chất vô cùng căn bản của quy luật vũ trụ – không ai có thể chứng minh chắc chắn rằng điều gì sẽ xảy ra khi người ta chết đi. Chính sự không chắc chắn đó khiến mọi người hoảng sợ.
Những người để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí mình – dù là bất cứ nỗi sợ hãi nào – không để ý đến việc sử dụng tâm trí của mình và bắt đầu buông thả. Cuối cùng họ sẽ buông thả theo vòng xoáy của nhịp điệu thôi miên mà họ sẽ không bao giờ thoát ra được.
Thay vì dành thời gian cho việc sợ hãi, nếu họ hành động ngược lai, họ sẽ có được mọi thứ mình muốn ở thế giới vật chất và cứu họ thoát khỏi ta sau khi họ chết.
• H: Nào, giờ chúng ta hãy quay trở lại với những kỹ xảo ngươi dùng để buộc chặt các nạn nhân của ngươi vào thói quen buông thả đi. Bước đầu tiên một người buông thả phải làm để phá vỡ thói quen đó là gì?
• Đ: Một khao khát cháy bỏng để phá vỡ thói quen đó! Tất nhiên là ngươi biết rằng không ai có thể bị người khác thôi miên nếu ý chí của người đó không bị thôi miên. Ý chí có thể ảnh hưởng đến sự bàng quan trước cuộc sống nói chung, chẳng hạn như thiếu tham vọng, sợ hãi, thiếu mục tiêu xác định và rất nhiều dạng khác nữa. Hãy nhớ điều này: Với tất cả mọi thứ các ngươi có, hoặc sử dụng nó, hoặc các ngươi sẽ mất nó.
• H: Ngươi nhắc ta nhớ rằng ta phải bắt ngươi nói nhiều hơn về bản thân mình đấy. Ngoài tâm trí của con người, người còn hoạt động ở nơi nào?
• Đ: Ta hoạt động ở bất cứ đâu có cái để ta kiểm soát và chiếm đoạt. Ta đã nói với ngươi rằng ta là cực âm của mọi điện tử vật chất.
• Ta là tiếng nổ của tia chớp.
• Ta là nỗi đau trong bệnh tật và những đau đớn thể xác.
• Ta là vị đại tướng không ai nhìn thấy trong chiến tranh.
• Ta là đại biểu của sự đói kém và nghèo khổ.
• Ta là người truyền cảm hứng cho những ham muốn nhục dục.
• Ta là cha đẻ của thói ghen tỵ, đố kỵ và tham lam.
• Ta là chủ mưu mọi nỗi sợ hãi.
• Ta là thiên tài có thể chuyển những thành tựu khoa học của con người thành những công cụ của thần chết.
• Ta là người phá hoại sự hòa hợp trong mọi mối quan hệ của con người.
• Ta là kẻ thù của công lý.
• Ta là thế lực thúc đẩy mọi hành vi trái với luân lý.
• Ta là người dồn Cái Tốt vào thế bí.
• Ta là sự lo lắng, hồi hộp, mê tín và điên loạn.
• Ta là kẻ hủy hoại niềm tin và hy vọng.
• Ta là người truyền cảm hứng cho những tin đồn và vụ bê bối tiêu cực.
• Ta là người ngăn chặn tư duy độc lập và tự chủ.
• Tóm lại, ta là người tạo ra mọi nỗi đau khổ của con người, là kẻ chủ mưu của mọi nỗi thất vọng và chán nản.
Chương 7 – Mầm sống của nỗi sợ hãi
• H: Liệu mỗi cá nhân có nhịp điệu suy nghĩ của riêng mình không?

• Đ: Có chứ. Và đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa các cá nhân. Người nghĩ về sức mạnh, thành công, giàu sang sẽ tạo nên một nhịp điệu thu hút những thứ đáng mơ ước đó. Còn người chỉ nghĩ về đau khổ, thất bại, sai lầm, hủy hoại và nghèo đói sẽ thu hút những ảnh hưởng không mong muốn đó. Điều này giải thích tại sao thành công và thất bại đều là kết quả của thói quen. Thói quen tạo nên nhịp điệu suy nghĩ của một người và nhịp điệu đó thu hút những mục tiêu trong những suy nghĩ vượt trội của người đó.
• H: Nhịp điệu thôi miên là thứ giống như một thỏi nam châm thu hút những thứ giống nó. Có đúng như vậy không?
• Đ: Đúng vậy. Đó là lý do tại sao những người nghèo xơ nghèo xác thường hay tụ tập hợp lại với nhau thành một cộng đồng. Điều đó giải thích cho câu thành ngữ “Đồng bệnh tương liên”. Nó cũng giải thích tại sao những người bắt đầu thành công trong bất cứ công việc nào sẽ nhận thấy thành công ấy ngày càng nhân rộng trong khi mình không cần bỏ ra quá nhiều nỗ lực.
Tất cả những người thành công đều sử dụng nhịp điệu thôi miên, hoặc có ý thức hoặc hoàn toàn vô thức, bằng cách kỳ vọng và đòi hỏi thành công. Đòi hỏi đó trở thành một thói quen, nhịp điệu thôi miên tiếp quản thói quen ấy và luật hấp dẫn đồng điệu biến nó trở thành vật tương đương trong thực tế.
Chương 8 – Mục tiêu xác định
• H: Mục tiêu xác định là những thứ sinh ra đã có sẵn hay phải cố gắng đạt được?

• Đ: Như đã nói với ngươi từ trước, mọi người khi sinh ra đã có đặc quyền về sự xác định, nhưng 98% con người đã đánh mất quyền lợi đó vì họ đã gác vấn đề đó lại. Đặc quyền về sự xác định chỉ có thể được duy trì bằng cách sử dụng nó như một phương cách mà một người sẽ thực hiện theo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Một người, ngay khi do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta.
Khía cạnh trừu tượng và liên quan đến tinh thần trong triết lý của tác giả đã được thể hiện trong những phản ứng của Con Quỷ. Thứ nó gọi là “sự xác định” ngày nay thường được biết đến bằng tên gọi “mục đích” hay “hướng đến mục tiêu” và “hướng đến mục đích”.
“Mọi thói quen, trừ thói quen yêu thích mục tiêu xác định, đều có thể dẫn đến thói quen buông thả”
Chương 9 – Giáo dục và tôn giáo
“Một cuộc sống tràn ngập bình yên, mãn nguyện và hạnh phúc tự nó luôn gạt bỏ mọi thứ nó mong muốn”.

Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự mãn nguyện với cuộc sống của mình? Trong một thế giới có rất nhiều người đang cố để “chạy đua với những người hàng xóm của mình”, tất cả chúng ta có rút ra được điều gì ở đây không? Bạn có cần gạt bỏ bớt điều gì trong cuộc sống của mình không? Hãy cam kết sẽ kìm nén bản thân khi bạn cảm thấy tức giận… và hãy nhớ đến những lời Con Quỷ nói: “Bất cứ người nào chấp nhận sự khó chịu do những thứ anh ta không muốn gây ra là người không quyết đoán. Anh ta chính là người buông thả”.
• H: Ngươi hãy kể tên một vài dạng tội ác phổ biến đi.
• Đ: Việc ăn uống quá độ cũng là tội ác vì nó dẫn tới bệnh tật và buồn phiền. Quá ham muốn tình dục cũng là tội ác vì nó phá vỡ sức mạnh ý chí con người và dẫn đến thói quen buông thả.
Cho phép tâm trí mình bị chế ngự bởi những suy nghĩ tiêu cực về lòng ghen tị, tham lam, sợ hãi, ghét bỏ, nóng nảy, tự phụ, tự thán hay nản lòng là tội ác vì nó dẫn con người đến thói quen buông thả.
Lừa đảo, nói dối, trộm cắp là tội ác vì những thói quen này hủy hoại lòng tự trọng, đánh bại lương tâm của con người và khiến con người trở nên đau khổ.
Để bản thân mình mãi ngu dốt là tội ác vì nó dẫn con người đến nghèo khổ và thiếu khả năng độc lập.
Chấp nhận bất cứ điều gì từ cuộc sống mà mình không mong muốn là tội ác vì nó là biểu hiện của sự bỏ mặc không sử dụng tâm trí của mình.
• H: Nếu một người cứ buông thả cuộc sống mà không có một mục đích, kế hoạch hay mục tiêu xác định nào, đó có phải là tội ác hay không?
• Đ: Đúng vậy, bởi thói quen này dẫn đến nghèo khổ và hủy hoại đặc quyền được tự quyết. Nó cũng lấy mất đặc quyền sử dụng tâm trí của một người như phương tiện trung gian để liên lạc với Trí tuệ Vô hạn.
• H: Trong tất cả các tội ác thì tội ác nào là phổ biến và có sức mạnh hủy diệt nhất?
• Đ: Sợ hãi và ngu dốt.
Chương 10 – Kỷ luật tự giác
“Người không làm chủ được bản thân mình sẽ không bao giờ làm chủ được người khác”.

Điều này mới đúng làm sao. Hãy nghĩ đến các vị thủ lĩnh chính trị của chúng ta đã đánh mất vẻ lịch sự chỉ vì họ không thể kiểm soát hành vi của mình được. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng và để họ kiểm soát mình được?
• H: Một người nên bắt đầu từ đâu nếu muốn kiểm soát được bản thân mình?
• Đ: Hãy bắt đầu bằng cách làm chủ ba ham muốn có ảnh hưởng lớn nhất đến việc một người có kỷ luật tự giác hay không. Ba ham muốn đó là (1) ham muốn đồ ăn thức uống, (2) ham muốn tình dục, (3) ham muốn tùy tiện thể hiện quan điểm cá nhân.
• H: Con người cần kiểm soát ham muốn nào nữa không?
• Đ: Có, rất nhiều là đằng khác, nhưng trước hết là phải chế ngự được ba ham muốn trên đã. Khi một người đã làm chủ được ba ham muốn này rồi, anh ta sẽ phát triển kỷ luật tự giác đủ để chế ngự các ham muốn ít quan trọng hơn một cách dễ dàng.
• H: Nhưng đó là các ham muốn bản năng của con người. Nếu muốn trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc thì chúng ta phải thỏa mãn ba ham muốn ấy.
• Đ: Rõ ràng đó là những ham muốn thuộc về bản năng của con người rồi, nhưng chúng cũng đồng thời rất nguy hiểm vì những người không làm chủ được bản thân mình sẽ lún sâu vào những ham muốn đó. Khả năng tự chủ sẽ kiểm soát được những ham muốn ấy và giúp con người cho chúng “ăn” cái gì chúng cần và ngăn không cho chúng “ăn” những thứ không cần thiết.
Chương 11 – Học từ nghịch cảnh
• H: Thất bại có mang lại lợi ích cho con người hay không?

• Đ: Có. Trên thực tế, học từ nghịch cảnh chính là nguyên tắc thứ ba trong bảy nguyên tắc mà ta đã nói đến. Nhưng có rất ít người biết rằng mọi nghịch cảnh đều mang trong nó một hạt mầm lợi ích tương đương. Thậm chí số người biết được sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại còn ít hơn. Nếu phần lớn mọi người biết được điều này, ta sẽ bị tước đoạt mất một trong những vũ khí mạnh nhất để kiểm soát con người.
• H: Vậy thì thất bại có vai trò gì trong việc giúp một người phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên sau khi tâm trí của người đó đã bị quy luật ấy trói chặt?
• Đ: Thất bại tạo ra một cao trào mà từ đó, một người sẽ có đặc quyền xoá sạch nỗi sợ hãi khỏi tâm trí mình và có một khởi đầu mới theo một hướng khác. Rõ ràng là thất bại chứng minh rằng có gì đó không ổn với mục tiêu hay kế hoạch tìm kiếm mục tiêu của một người.
Thất bại là ngõ cụt của con đường thói quen mà một người đã đi theo, và khi đã tới đó, người đó sẽ buộc phải rời con đường ấy và tiếp tục đi con đường khác, do đó cũng tạo ra một nhịp điệu mới.
Nhưng thất bại còn làm được nhiều điều hơn thế. Nó cho con người cơ hội được thử thách bản thân mình xem sức mạnh ý chí của mình tới đâu. Thất bại cũng bắt con người phải tìm hiểu về rất nhiều sự thật mà nếu không có nó thì con người sẽ không bao giờ phát hiện ra. Thất bại cũng thường khiến con người hiểu về sức mạnh của kỷ luật tự giác mà nếu không có nó thì không ai có thể quay lại một khi đã trở thành nạn nhân của nhịp điệu thôi miên.
Hãy nghiên cứu về cuộc đời của tất cả những người đã đạt được những thành công nổi bật trong bất cứ lĩnh vực nào rồi quan sát và học hỏi xem thành công của họ thường có tỷ lệ chính xác với những trải nghiệm thất bại trước khi thành công hay không.
• H: Lợi ích lớn nhất mà con người nhận được thông qua nghịch cảnh là gì?
• Đ: Lợi ích lớn nhất của nghịch cảnh là nó có thể – và thường là như vậy – bắt một người thay đổi thói quen tư duy của mình, do đó nó cũng có thể phá vỡ và điều chỉnh lại sức mạnh của nhịp điệu thôi miên.
• H: Con người sẽ có lợi ích gì khi bị tước đoạt những tài sản vật chất – như tiền bạc chẳng hạn?
• Đ: Sự mất mát những tài sản vật chất có thể dạy cho con người rất nhiều bài học cần thiết, tuy nhiên, chẳng có gì quan trọng hơn sự thật rằng con người không thể kiểm soát được bất cứ thứ gì và không thể chắc chắn rằng mình có thể sử dụng mãi thứ gì ngoài sức mạnh tư duy của bản thân mình.
Chương 12 – Môi trường, thời gian, sự hòa hợp và cẩn trọng
• H: Phần quan trọng nhất của môi trường của một người là gì ?

• Đ: Phần quan trọng nhất của môi trường của một người được tạo ra bởi sự giao tiếp của anh ta với những người khác. Tất cả mọi người đều tiếp thu và kế tục, có ý thức hoặc không có ý thức, thói quen tư duy của những người anh ta hay giao tiếp cùng.
• H: Ý ngươi là việc liên tục giao tiếp với một người có thói quen tư duy tiêu cực sẽ khiến bản thân mình hình thành nên thói quen tư duy tiêu cực?
• Đ: Đúng vậy, quy luật nhịp điệu thôi miên buộc con người hình thành nên thói quen tư duy hài hòa với những ảnh hưởng chiếm hữu ưu thế trong môi trường của người đó, đặc biệt là phần môi trường được tạo ra do sự tiếp xúc của bản thân người đó với những tâm trí khác.
• H: Tức là việc chọn bạn bè, đối tác hay cộng sự rất quan trọng và chúng ta phải vô cùng lưu tâm đến vấn đề đó đúng không?
• Đ: Đúng vậy, việc chọn những người có mối giao thiệp gần gũi với con người cũng quan trọng như việc chọn đồ ăn cho cơ thể mình vậy, và phải đặt mục tiêu là luôn kết giao với những người mà tư duy chiếm ưu thế trong họ là tư duy tích cực, thân thiện và hòa hợp.
• H: Loại bạn bè, cộng sự nào có ảnh hưởng lớn nhất đến một người?
• Đ: Người bạn đời ở nhà và cộng sự trong công việc. Sau đó là đến bạn bè thân thiết và những người quen thân. Những người tình cờ quen biết và những người lạ thì ít có ảnh hưởng đến con người nhất.
• H: Sự khôn ngoan là gì?
• Đ: Khôn ngoan là khả năng gắn kết bản thân với các quy luật của tự nhiên để chứng kiến chúng phục vụ cho người, và là khả năng liên kết bản thân với những người khác để khiến họ sẵn sàng hợp tác một cách hòa hợp với ngươi để khiến cuộc sống sẽ mang đến cho ngươi mọi thứ ngươi yêu cầu.
• H: Thời gian có thay đổi và điều chỉnh các giá trị của kiến thức hay không?
• Đ: Có, thời gian thay đổi và điều chỉnh tất cả mọi giá trị. Những kiến thức đúng của ngày hôm nay có thể trở nên vô dụng và chẳng để làm gì vào ngày mai do thời gian đã sắp xếp lại các dữ kiện và giá trị. Thời gian thay đổi mọi mối quan hệ của con người, có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu đi, tùy thuộc vào phương thức mà con người gắn kết bản thân họ với những người khác.
Trong lĩnh vực tư duy, có một thời gian phù hợp để gieo hạt mầm tư duy và cũng có một thời gian phù hợp để thu hoạch những tư duy đó, cũng giống như khi gieo bất cứ hạt giống của một loại cây nào vào một thời điểm và thu hoạch nó vào một thời điểm khác trên Trái Đất vậy. Nếu không tính toán chính xác được khoảng thời gian từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch, tự nhiên sẽ thay đổi hoặc chiếm giữ thành quả của việc gieo hạt đó.
• H: Ta bắt đầu hiểu tại sao các nhà lãnh đạo thành công trong giới kinh doanh lại cẩn thận trong công việc chọn lựa đối tác làm ăn đến vậy. Những người thành công trong bất cứ lĩnh vực nào đều thường thiết lập môi trường của chính họ bằng cách bao quanh họ những người có tư duy và hành động thành công. Ý ngươi là như vậy đúng không?
• Đ: Chính xác như vậy. Hãy nhận thấy và học hỏi một điều rằng tất cả những người thành công đều phải có mối quan hệ hòa hợp với các đối tác làm ăn của họ. Một đặc điểm nữa của những người thành công là họ thường có mục tiêu xác định và yêu cầu các đối tác của mình cũng phải có mục tiêu xác định. Khi đã hiểu được hai điều này, ngươi sẽ hiểu khác biệt lớn nhất giữa Henry Ford và một công nhân làm việc theo ngày là gì.
• H: Giờ hãy nói cho ta biết về nguyên tắc cuối cùng đi.
• Đ: Nguyên tắc cuối cùng là cẩn trọng. Sau thói quen buông thả, đặc điểm nguy hiểm nhất của con người chính là sự thiếu cẩn trọng.
Hy vọng những gì Napoleon Hill viết sẽ mang lại cho bạn hy vọng, lòng dũng cảm và quan trọng nhất là mục tiêu xác định cho cuộc đời mình… Chúc các bạn may mắn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.