Kẻ Trộm Sách
Tác giả: Markus Zusak
Giới thiệu sách:
Kẻ trộm sách – tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
Review sách:
Lấy bối cảnh ở những năm thế chiến thứ hai, “Kẻ Trộm Sách” nói về Liesel Meminger, một bé gái được nhận nuôi sống ở phố Thiên Đàng. Tại đây, cùng với tình yêu và sự đam mê đặc biệt đối với sách và từ ngữ, Liesel đã gắn kết con người mình với mọi người xung quanh cô.
Quyển sách không nói về việc chiến tranh đang diễn ra như thế nào, những người lính đang chiến đấu ra sao, bao nhiêu cái máy bay bị bắn hạ, hay phe nào đang chiếm phần thắng. Nó không đỏ rực và đẫm máu, nó đơn giản lại chết chóc và lạnh lẽo. Bạn có thể hiểu được nhân dân Đức trong thời kì đó cũng phải chật vật sống cùng cái đói, cũng bị cưỡng ép phải chống lại Do Thái. Nỗi hoang mang và sự thảm thương, vô vọng không lối thoát len lỏi từ trang này qua trang khác đều đặn. Thần Chết bằng cách này hay cách khác đã gieo vào đầu mình vài hình ảnh với những màu sắc ám ảnh đến đáng sợ.
Rồi sau đó bạn gặp Liesel Meminger, cô ấy sẽ sưởi ấm trái tim bạn một chút.
Khó có thể bảo Liesel là một con bé dễ thương. Bởi vì thực tế mà nói, nó rất ương ngạnh và (nếu cần) có thể đấm vào mặt bạn bất cứ lúc nào. Nhưng nó là đứa có trái tim rất tình cảm, và có góc nhìn rất lạ lùng về mọi việc xung quanh nó. Nó, hơn hết, có tình yêu mãnh liệt với những quyển sách, và cái cách mà Liesel có được những quyển sách ấy là điều khiến mình thích con bé hơn cả thảy. Liesel có rất ít sách, nhưng mỗi cuốn sách là một phần của cuộc đời nó. Hành trình để nó “trộm” những quyển sách ấy bao gồm rất nhiều sự tò mò, ranh ma, nỗi đau thương và tình cảm ấm áp. Thần Chết để ý đến điều đó, Thần Chết để ý đến mọi thứ về Liesel. Cũng giống như Thần Chết để ý đến mọi thứ trên đời,
Mối gắn kết mà mình trân trọng và yêu thương nhất là của Liesel với bố nuôi của nó, Hans Hubermann. Hans là một người kiên nhẫn. Ở ông toát ra một sự điềm tĩnh và dịu dàng đến kì lạ. Ông không nổi giận với Liesel khi con bé gặp ác mộng và tè ra giường hằng đêm, ông luôn ở lại với nó cho đến sáng, nhẫn nại chỉ cho nó từng chữ cái tiếng Đức.
Ông khiến cho công việc sơn tường cũng thật là nghiêm túc, kĩ càng và đẹp đẽ. Mình rất thích nghĩ về Hans Hubermann, với đôi mắt màu bạc và bàn tay ấm áp với cây đàn xếp của ông. Hans Hubermann không thích bất cứ đảng phái nào, Hans Hubermann chấp nhận cho một người Do Thái ẩn náu trong nhà mình. Hans Hubermann, khi cần vẫn có thể quyết đoán và mạnh mẽ, yêu Liesel với mọi nét già nua thô ráp của chính mình. Và ông biết, Liesel cũng yêu thương ông hơn bất cứ ai trên thế giới này.
Liesel có một tình bạn đặc biệt khác với Rudy, thằng bé tóc vàng nhà hàng xóm với niềm hâm mộ cuồng nhiệt giành cho Jesse Owen. Rudy có thể đã yêu Liesel, một tình yêu kì lạ và khó hiểu, cũng có thể không. Nhưng điều chắc chắn là Liesel là mối quan tâm lớn nhất của Rudy.
Giữa không khí lạnh giá và nỗi tuyệt vọng bao trùm của phố Thiên Đàng trong khoảng thời gian đó, năng lượng của Rudy dường như là thứ duy nhất báo hiệu rằng nơi đây con người vẫn đang sinh sống.
Song hành với những câu chuyện về cuộc sống thường ngày ở phố Thiên Đàng, một câu chuyện khác về người Do Thái đã diễn ra ở ngôi nhà của Liesel. Có lẽ không cần phải nói thì ai cũng biết trong thời gian đó, người Do Thái đã bị truy nã và thảm sát đến thế nào. Và đây là nước Đức, nơi mà bạn đương nhiên được mặc định là phải ghét người Do Thái, nơi mà chỉ cần thể hiện bất cứ một hành động thương cảm nào với người Do Thái, bạn sẽ bị quất roi. Chất chứa một người Do Thái trong nhà là ký tên cho giấy báo tử của mình. Và cả ba người nhà Hubermann đã sống trong những ngày sợ hãi.
Max là một người Do Thái. Cả tuổi thơ, cả cuộc đời anh cho đến lúc ấy chỉ bao gồm lẩn trốn và sợ hãi. Từ khi Max chuyển đến căn hầm nhà Liesel, giữa anh và con bé đã gắn chặt tâm hồn mình với nhau. Hai người họ chia sẻ thứ từ ngữ ít ỏi mà vô giá với nhau, chia sẻ những hình ảnh vẫn ám ảnh họ với nhau, ở bên nhau. Nhờ Liesel mà Max thêm mạnh mẽ, nhờ có Max mà trái tim Liesel thêm tròng trành đung đưa tình cảm. Nếu Hans khiến cuốn sách thêm ấm áp, thì Max khiến cuốn sách bốc cháy với những cảm xúc của mình. Mình nhớ cách Max hoàn thành quyển sách để tặng cho Liesel.
Còn rất nhiều nhân vật khác nữa có thể để lại nhiều suy nghĩ trong tâm trí bạn. Mỗi người trong truyện đều mang nỗi khổ tâm và nỗi ám ảnh riêng cho mình, để rồi họ lại quấn lại với nhau, tạo thành những mối liên kết với nhau. “Kẻ Trộm Sách” có lối kể tuy rất nhẹ nhàng nhưng vẫn gay cấn và đáng sợ. rất nhiều lần mình tìm thấy bản thân thấp thỏm không biết đến lúc nào thì một người nữa sẽ chết. Lạ kì là cái chết ở đây, tuy vẫn rất thê lương, tuy vẫn khiến cho mình khóc rất nhiều, thật ra lại rất độc đáo và nhẹ nhàng. Sẽ có rất nhiều pha thoát chết hú vía.
Giọng văn của tác giả rất mới lạ. Câu cú thường hay kết bất thình lình, với những phần ghi chú in đậm của thần chết rất riêng. Tù ngữ thì rất mới mẻ, có lúc thô tục trần trụi, có lúc tình cảm dạt dào, có lúc mạnh mẽ sắt đá, cũng có lúc đáng yêu ngờ nghệch. Chú thể hiện được mọi nhân vật, từ chính đến phụ đều rất trọn vẹn. Và có những ý tưởng câu văn rất lạ lùng, hài hước nhưng sâu xa. Sau khi cười lại thấy nước mắt.
Một trong những quyển sách mà nước mắt là không hề lãng phí. Bạn nên đọc nó và để cho trái tim mình tan vỡ một chút. Bạn nên đọc nó để hiểu hơn về con người, về thứ còn đau đớn hơn nỗi nỗi đau, về cái chết, về chiến tranh, về tình yêu, về mọi thứ từ thứ điên rồ lớn lao nhất đến thứ nhỏ bé đơn giản nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.