Hướng Nội – Sức mạnh của sự yên lặng trong một thế giới nói không ngừng
Tác giả: Susan Cain
Giới thiệu sách:
Hướng nội – Sức mạnh của sự yên lặng trong thế giới nói không ngừng có tên tiếng Anh là Quiet – The Power of Introverts in the world that can’t stop talking. Đây là một trong những quyển sách hiếm hoi bàn về chủ đề hướng nội trong số các sách thuộc thể loại tâm lý học trên thị trường. Hướng nội được tác giả Susan Cain bắt đầu viết vào năm 2005 và xuất bản lần đầu vào năm 2012. Kể từ khi ra mắt lần đầu trên tạp chí New York Times; Hướng nội đã được xuất bản trên 30 thứ tiếng.
Review sách:
Trong thế giới hiện đại, khi nhắc tới người hướng nội hình dung của ta thường gắn với những người rụt rè, ít nói, mọt sách, không tự tin thể hiện mình và hay bị gán cho 2 từ rất “không liên quan” là “tự kỉ”. Còn những người hướng ngoại (điển hình) thì là những người hoạt bát, năng nổ, ăn to nói lớn và được gắn với hình ảnh người lãnh đạo, thủ lĩnh (leader) hay doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, Susan Cain cho ta một cái nhìn đa chiều hơn về 2 khái niệm này, không còn đóng khuôn trong những tính từ đầy định kiến, dựa trên các nghiên cứu khoa học tâm lý, di truyền và năng lượng.
Người hướng nội sẽ bị thu hút hướng vào thế giới bên trong của suy nghĩ và cảm xúc, trong khi người hướng ngoại hướng ra cuộc sống bên ngoài với con người và các hoạt động. Người hướng nội tập trung vào giải thích ý nghĩa của những sự kiện, sự vật diễn ra xung quanh họ; người hướng ngoại thì lao mình vào chính các sự kiện và sự vật đó. Người hướng nội nạp lại năng lượng cho mình bằng cách ở một mình; người hướng ngoại thì cần phải nạp thêm năng lượng mỗi khi họ không giao tiếp đủ nhiều.
Một số đặc điểm khá thú vị và bất ngờ về người hướng nội:
– Rất nhiều người hướng nội là các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới.
– Người hướng nội rất có khả năng cao là người nghiên cứu ra những phát minh mới cho xã hội loài người.
– Người hướng nội không thích chứng tỏ bản thân, không thích ganh đua, nhưng có thể sẽ làm hết sức mình để đứng lên đấu tranh với một sự kiên cường đáng ngạc nhiên. Điều đặc biệt, người hướng nội thích đi sâu thảo luận về các chủ đề hơn là chỉ nhắc tới nó một cách hời hợt. Họ nghiêm túc, muốn đào sâu và học hỏi kiến thức thực sự.
Mặt khác, cuốn sách đưa ra những giả thuyết khoa học, tâm lý học… về vấn đề này. Có thuyết đồng ý với việc chia đôi thế giới làm 2 cực “hướng nội” và “hướng ngoại”, số còn lại đưa ra những cách nhìn khác. Trong đó mình đặc biệt ấn tượng với lý thuyết về nét tính cách tự do liên quan vấn đề người hướng nội sống dưới khuôn mẫu người hướng ngoại (Người hướng nội nhưng vẫn thoải mái trong việc cư xử như một người hướng ngoại). Một đặc điểm thú vị của những người này đó là họ dũng cảm và kiên trì để bước ra khỏi khuôn khổ giới hạn của bản thân mình. Bạn có thể thấy họ trong nhóm bạn, trong lớp học, công ty, xã hội xung quanh bạn…trong đó những người thực sự hướng nội nhưng cũng xuất sắc trong cả lĩnh vực học thuật và cả duy trì các mối quan hệ. Nếu như bạn đang thuộc nhóm này, cuốn sách sẽ giải thích được rất nhiều hành vi của bạn bấy lâu nay (một người bạn của mình tâm sự).
Vậy lý thuyết này cũng cho thấy rằng, thực ra chẳng có một người nào hoàn toàn hướng nội hoặc hướng ngoại cả, vì chúng ta có thể điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với từng hoàn cảnh. Có thể bạn sẽ cho rằng mình đang viết những điều mâu thuẫn (và có thể là như vậy lắm). Nhưng có một điều mà mình biết được rằng, ngay cả khi chúng ta là một người hướng nội, nhưng chúng ta cũng có thể sống với “xã hội ồn ào” này bằng cách cho phép bản thân co giãn trong giới hạn phạm vi của mình, bởi vì cho dù người hướng nội hay hướng ngoại đi chăng nữa, chúng ta có quyền được hưởng những gì chúng ta xứng đáng. Có thể cái giá đối với một người hướng nội là phải đấu tranh nội tâm với chính bản thân để tìm cách tồn tại trong “thế giới không hề lặng im này”, nhưng một khi chấp nhận chúng ta là ai, và chúng ta xứng đáng với điều gì thì mọi thứ còn lại có vẻ không thành vấn đề nữa.
Cuốn sách chứa một khối lượng kiến thức khổng lồ từ tâm lý học đến kinh tế, chính trị, xã hội. Nhiều người không đánh giá đây là một cuốn self-help mà đơn giản chỉ là phân tích tâm lý học hành vi của người hướng nội, cái mà ta vốn hiểu sai, hay một “lời thú tội” của chính tác giả. Cá nhân tôi lại được truyền cảm hứng rất nhiều và thấy cuốn sách thực sự có ảnh hưởng lớn.
Kết lại, cuốn sách vẫn không quên nhắc nhở những người hướng nội rằng, không nên lấy tính cách ra để làm lý do cho sự trốn tránh trong giao tiếp, hay những mặt mà người hướng nội làm không giỏi, mà vẫn nên đôi khi như một sợi dây chun, căng giãn khả năng của mình ra tới một mức nào đó để thích nghi và sau đó lại trở về với vị trí vốn có của mình.
Cảm nhận của độc giả:
“Những ai trân trọng cuộc sống suy tư tĩnh tại sẽ thấy nhẹ lòng khi đọc bản tụng ca hùng hồn và xác thực mà Susan Cain dành tặng cho tính hướng nội và sẽ không còn cảm thấy có lỗi hay tự ti vì đã đưa ra một lựa chọn tốt hơn!” – MIHALY CSIKSZENTMIHALYI, tác giả của Flow, giáo sư nổi tiếng ngành Tâm lý và Quản trị, Đại học Claremont Graduate
“Hiếm khi có một quyển sách đem đến cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc mới mẻ đáng ngạc nhiên. Hướng Nội là quyển sách như vậy: Sách sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân, những người xung quanh và cả thế giới này. Câu chuyện trong đó vừa hấp dẫn vừa cung cấp những kiến thức khoa học tiên tiến… Quyển sách hấp dẫn được dày công nghiên cứu và có phong cách viết nhẹ nhàng này quả thật hết sức tuyệt vời.” – ADAM M. GRANT, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Quản trị, Trường Wharton
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.