Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can
Tác giả: Đặng Hoàng Giang
Về tác giả:
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận.
Review sách:
Bức xúc không làm ta vô can – tiêu đề của cuốn sách dễ khiến chúng ta ấn tượng. Đây là một cuốn sách tổng hợp nhiều bài viết của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thể hiện quan điểm, cách nhìn về nhiều chủ đề nóng trong xã hội. Tiêu đề của cuốn sách thật ra cũng là tên của một bài viết trong đó. Và vì sao tác giả lại chọn cái tên đó thì ở cuối cuốn sách, tác giả sẽ bật mí câu chuyện về việc chọn tên.
Cuốn sách gồm 26 bài viết – 26 câu chuyện về các đề tài nóng trong xã hội. Mới có, cũ có, nhưng tất cả không có cái nào là lỗi thời, tất cả đều còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Từ những câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như ăn thịt chó, phẫu thuật thẩm mỹ, câu like, nghiện mạng xã hội,… cho đến những chủ đề mới lạ đối với nhiều độc giả như mặt trái của kinh tế thị trường, lỗi của những người nghèo, thực trạng “bức xúc”, nạn tôn thờ sách,….
26 bài viết được chia thành 3 phần chính, tên của bài viết nổi bật nhất trong phần đó sẽ được chọn làm tên của phần đó. Thật sự thì tôi cũng không hiểu cách chia 3 phần này dựa theo tiêu chí gì, theo tôi đoán có lẽ chia theo mức độ, quy mô của sự việc.
Ở mỗi bài viết tác giả nêu lên những vấn đề đang tồn tại trong xã hội trước, sau đó nêu thêm thông tin và những ý kiến của những người liên quan và sau đó tác giả mới nêu ý kiến của mình. Tất nhiên tác giả không quên lồng ghép những dẫn chứng về các số liệu thống kê, những bài viết trong những cuốn sách của những tác giả uy tín, những quan điểm đã được nhiều người công nhận vào trong những bài viết để tăng tính thuyết phục.
Tác giả mô tả các hiện tượng thời sự bằng giọng văn hài hước nhưng không đanh đá chua ngoa, phê phán nhưng không mỉa mai bỉ báng. Đáng trân trọng nhất là sau những so sánh, phân tích đa chiều trong tương quan với nhiều nền văn hóa khác nhau từ Đông sang Tây, người viết gợi ra được những hướng giải quyết khả thi hoặc cách ứng xử tương đối chừng mực phù hợp với tình huống. Mỗi vấn đề được đem ra mổ xẻ trên nhiều khía cạnh dưới ngòi bút phân tích khúc chiết, lập luận logic dựa trên nền tảng những nghiên cứu xã hội, dữ liệu và con số cụ thể thực tế. Đó là lí do mà những bài bình luận xã hội của Đặng Hoàng Giang khiến người đọc thỏa mãn.
Nội dung bài viết thì không làm độc giả thất vọng. Có những bài viết, tác giả nêu lên những tồn tại ngay trong xã hội nhưng ở những góc khuất không ai thấy. Chúng đã được tác giả tìm ra và đưa lên cho mọi người cùng xem xét. Như những cuốn sách Self-hep, thể loại được nhiều bạn trẻ hiện nay xem như là kim chỉ nam trong cuộc sống, xem như là bí kíp làm giàu, trở thành người có chỗ đứng trong xã hội, lại bị tác giả lên án không thương tiếc. Ngay bản thân tôi, trước kia cũng rất có cảm tình và cũng từng rất hâm mộ thể loại này, mặc dù vẫn ưu tiên thể loại văn học kinh điển hơn, nhưng khi đọc những dòng này, vẫn thấy mình trong đó. Tác giả đã nêu lên những cái mà phần đông độc giả không thấy được khi đứng trước trào lưu sách Self-help đổ bộ vào nước ta. Hoặc là vấn nạn tôn thờ sách của mức, đề cao cái hình thức mà quên mất cái quan trọng nhất của cuốn sách là nội dung bên trong đó.
“Tôi kính trọng sách, cho nên tôi có giá trị, còn tôi có đọc chúng hay không thì không còn giá trị”
-Cách tác giả châm biếm những kẻ tôn thờ sách quá mức nhưng không quan tâm tới nội dung-
Rồi ngay cả những vấn đề cũ, chủ đề cũ, tác giả cũng cung cấp cho chúng ta những cách nhìn rất khác, những góc nhìn mới về những mặt khác của vấn đề. Tác giả bóc tách những vấn đề – tưởng như ai cũng tường tận – và cho mọi người được thấy bản chất của vấn đề và những mặt mọi người không để ý. Ví dụ như vụ hôi bia ở Đồng Nai, vụ công nhân đập phá máy móc, công xưởng ở Thái Nguyên, tác giả đã nêu rõ bản chất là sự bức xúc, sự bất cần của những đối tượng không được quan tâm trong xã hội, tâm lý hùa theo đám đông và dễ bị kích động của những thành phần ấy. Hay tác giả lại nêu lên lỗi của những người nghèo – những người mà chúng ta thường chỉ nghĩ về họ như những kẻ cần được giúp đỡ chứ ít khi chúng ta suy xét về trách nhiệm của những người đó đối với cái thiếu thốn, cái nghèo đói của họ.
Sau tất cả, những gì đươc viết trong cuốn sách này đều là viết theo ý kiến của tác giả. Bạn có thể đồng ý với điều này, phản đối với điều kia. Không sao cả.
“Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can” là một cuốn sách nên đọc và cần phải đọc. đọc để hình thành một tư duy phản biện, đọc để tự ngẫm, tự giác ngộ, đọc để hiểu sâu hơn những vấn đề của xã hội dưới những lớp giấy gói khác nhau, đọc để nhìn thấy rõ những hình hài của thời đại mình đang sống, đọc để thấy bức xúc, nhưng đừng làm ra vẻ mình vô can.
Đoạn trích hay:
“Bất cứ ai đọc quá nhiều và sử dụng bộ óc của mình quá ít sẽ có thói quen lười nhác trong suy nghĩ.” Câu này là của Einstein, và nó đặc biệt đúng khi người ta đọc những thứ linh tinh. Ở Việt Nam, bán chạy nhất từ nhiều năm nay vẫn luôn luôn là sách bói toán, tử vi và truyện ngôn tình rẻ tiền. Chúng là những liều thuốc ru ngủ làm người ta lười động não y như những xê ri phim Hàn Quốc sướt mướt và các game show nhảm nhí trên ti vi. Chưa kể, sách nhảm, từ điển rác tràn lan thực sự không xứng đáng với giá trị của các tờ giấy dùng để in chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.