“Mọi sự khó khăn sâu sắc đều mang sẵn trong mình giải pháp. Nó buộc chúng ta phải thay đổi suy nghĩ để tìm ra.”
Niels Henrik David Bohr
Quốc tịch: Đan Mạch
Ngày sinh: 07/10/1885
Ngày mất: 18/11/1962
Thành tựu nổi bật/ Đóng góp nhân loại : Đóng góp về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922
Người mở đường vật lý lượng tử
Niels Henrik David Bohr (7 tháng 10 năm 1885 – 18 tháng 11 năm 1962) là nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ông phát triển mô hình Bohr cho cấu trúc nguyên tử, với đề xuất mới đó là các mức năng lượng của electron trong nguyên tử bị gián đoạn, và chúng tồn tại trên những quỹ đạo ổn định quanh hạt nhân nguyên tử, cũng như có thể nhảy từ một mức năng lượng (hay quỹ đạo) tới mức khác. Mặc dù sau đó có những mô hình khác đúng đắn hơn thay thế cho mô hình Bohr, nhưng những nguyên lý cơ sở của nó vẫn còn giá trị. Bohr đưa ra nguyên lý bổ sung trong cơ học lượng tử: rằng thực tại có thể được phân tích theo những tính chất mâu thuẫn với nhau, lúc thì hành xử giống như sóng hay như dòng hạt. Ý niệm về tính bổ sung đã ảnh hưởng đến tư tưởng của ông trong cả khoa học và triết học.
Năm 1920, Bohr sáng lập ra Viện Vật lý lý thuyết tại Đại học Copenhagen, mà ngày nay đổi tên thành Viện Niels Bohr. Các cộng sự của ông bao gồm các nhà vật lý Hans Kramers, Oskar Klein, George de Hevesy và Werner Heisenberg. Bohr cũng tiên đoán sự tồn tại của một nguyên tố mới có tính chất giống zirconi, sau này được đặt tên là hafnium, tên gọi trong tiếng Latin của thủ đô Copenhagen. Trong bảng tuần hoàn, nguyên tố bohrium mang tên của ông.
Trong thập niên 1930, Bohr giúp đỡ những người trốn chạy khỏi chủ nghĩa phát xít. Sau khi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng, ông đã có cuộc gặp mặt với Heisenberg, lúc đó là người đứng đầu của Dự án vũ khí hạt nhân Đức. Tháng 9 năm 1943, khi biết tin mình đang bị người Đức truy bắt, Bohr đã bay sang Thụy Điển. Từ đây, ông bay sang Anh, và gia nhập vào dự án vũ khí hạt nhân của nước này, nó là phần trách nhiệm của người Anh tham gia vào Dự án Manhattan. Sau chiến tranh, Bohr kêu gọi quốc tế hợp tác trong vấn đề năng lượng hạt nhân. Ông tham gia vào quá trình thành lập ra tổ chức CERN và Ủy ban năng lượng nguyên tử Đan Mạch, trở thành chủ tịch đầu tiên của Viện Vật lý lý thuyết Bắc Âu năm 1957.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.