Sự bùng nổ về số lượng và các loại hình Influencer trên thị trường hiện nay khiến cho việc đánh giá và lựa chọn Influencer ngày càng trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian. Số lượng người theo dõi thật cao liệu có đủ làm cơ sở để lựa chọn một Influencer cho một chiến dịch?
Trên thực tế, ngoài Số lượng người theo dõi, Chất lượng của tầm ảnh hưởng là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá Influencer. Trong đó, Chất lượng của tầm ảnh hưởng được chia thành 4 yếu tố nhỏ, tạo thành tổ hợp 5 yếu tố đánh giá Influencer mà bạn có thể tham khảo dưới đây:
1. Số lượng người theo dõi
Dựa theo số lượng người theo dõi, mỗi giai đoạn, mỗi thị trường sẽ có những cách phân loại Influencer khác nhau, do sự khác biệt về dân số và tỷ lệ người dùng mạng xã hội.
Tại Việt Nam, theo hệ thống phân loại của công ty Hiip Asia, sẽ có 6 cấp độ Influencer từ nhỏ đến lớn như sau:
- Nano Influencer: 1000 – 5000 người theo dõi.
- Micro Influencer: 5000 – 25.000 người theo dõi.
- Small Influencer: 25.000 – 100.000 người theo dõi.
- Medium Influencer: 100.000 – 500.000 người theo dõi.
- Macro Influencer: 500.000 – 1.000.000 người theo dõi.
- Mega Influencer: > 1.000.000 người theo dõi.
Tuy nhiên, số lượng người theo dõi lớn không đồng nghĩa với việc khả năng tạo ảnh hưởng lớn. Số lượng người theo dõi đôi khi chỉ đại diện cho khả năng thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng (như những hình ảnh dễ thương, video hài hước,…). Còn khả năng tạo ảnh hưởng hay khả năng dẫn dắt phải được đánh giá qua mức độ ủng hộ, tương tác của những người theo dõi khi Influencer tạo ra những nội dung mới hoặc xu hướng mới.
Những người có khả năng tạo ảnh hưởng cao thường là những người có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể và được cộng đồng trong lĩnh vực đó tin tưởng. Chẳng hạn, những người dùng phổ thông sẽ tin tưởng những đánh giá về một chiếc điện thoại mới trên thị trường từ các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hơn là các nghệ sĩ nổi tiếng, dù họ có đến hàng triệu người theo dõi.
Do đó, khi đánh giá Influencer dựa trên số lượng người theo dõi, bạn cần so sánh với những người trong cùng nhóm ngành và xem xét sự phù hợp về nhân khẩu học của nhóm người theo dõi và đối tượng mục tiêu của thương hiệu.
2. Chuyên môn
Điều tiên quyết của một Influencer có chất lượng là họ phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực đang hoạt động. Chuyên môn sẽ là tiền đề để tạo ra những nội dung có chiều sâu và từ đó mới có thể tạo được sức ảnh hưởng, tạo được sự tin tưởng đối với cộng đồng.
Vì vậy, mỗi Influencer đều chỉ ảnh hưởng trong một vài lĩnh vực nhất định, đồng thời phải có chỉ số đo lường được yếu tố chuyên môn tạo ra ảnh hưởng của Influencer là gì.
3. Mức độ tương tác
Mức độ tương tác thể hiện sự quan tâm của người theo dõi đối với Influencer, được thể hiện qua 3 chỉ số: số lượng tương tác, chất lượng tương tác và cảm xúc tương tác. Những tương tác chất lượng cần phải có nội dung liên quan trực tiếp đến những gì mà Influencer chia sẻ, thể hiện cảm xúc, sự đồng thuận hoặc phản đối.
Khi so sánh mức độ tương tác giữa hai Influencer, cần so sánh theo tỉ lệ đối được chiếu với tổng số lượng người theo dõi. Ví dụ, một Influencer có 20 tương tác trong tổng số 2000 người theo dõi thì tỷ lệ tương tác là 1%. Còn một Influencer khác có 100 tương tác trong tổng số 1.000.000 người theo dõi thì tỷ lệ tương tác chưa đến 0.1%.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tương tác như thời gian, chủ đề, bài chia sẻ tự nhiên và bài chia sẻ trả phí,…
4. Khả năng tạo nội dung
Influencer phải có khả năng tạo những nội dung mới, những xu hướng mới có ý nghĩa và hấp dẫn người theo dõi. Đây là một yếu tố quan trọng của Influencer để thu hút và dẫn dắt được cộng đồng.
Bên cạnh đó, chất lượng nội dung của các Influencer cũng phải được những người theo dõi công nhận và tin tưởng. Để tạo được những nội dung chất lượng, Influencer nhất định phải có chuyên môn trong lĩnh vực cần tạo ra ảnh hưởng.
Ngoài ra, tính liên tục khi sáng tạo nội dung cũng là một yếu tố cần thiết để Influencer giữ chân được người theo dõi lâu dài. Như vậy, Influencer phải có khả năng tạo ra content, cả về số lượng lẫn chất lượng.
5. Mức độ phù hợp
Đối với người làm marketing, bạn không thể đánh giá nội dung của Influencer “hay” hay “dở” bằng cảm tính, mà phải đánh giá qua mức độ phù hợp đối với nhóm người theo dõi. Ngoài ra, còn có sự phù hợp giữa nội dung Influencer tạo ra và mục tiêu thương hiệu hay bản chất ngành hàng, đúng định hướng mà thương hiệu đề ra. Mức độ phù hợp này sẽ thể hiện khả năng dẫn dắt thành công của Influencer trong một chiến dịch.
Chia sẻ bởi anh Phi Nguyễn, Founder & CEO của Hiip Asia, nền tảng Influencer đang dẫn đầu khu vực ĐNÁ. Anh Phi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, và đã dẫn dắt Hiip Asia, cùng kiến tạo nên thành công của nhiều chiến dịch Influencer cho hơn 500 nhãn hàng và Agency.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.