7.1.20

Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái: Đây là cách để bạn điều khiển cuộc sống của chính mình

Liệu có giới hạn nào cho hành trình tìm kiếm mục đích của cuộc đời mình hay không?

Thương hiệu Kentucky Fried Chicken, thường được biết đến với tên gọi tắt là KFC quả là một cái tên rất quen thuộc với chúng ta mỗi khi nhắc đến gà rán. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng Đại tá Harland David Sanders - người đàn ông với cặp kính cận, chiếc nơ cài cổ và chòm râu đặc trưng trên mỗi logo cửa hàng - đã thành lập chuỗi cửa hàng này khi ông đã bước sang tuổi 65.
65 không phải là độ tuổi mà chúng ta thường tìm thấy mục đích cuộc sống. Nhưng liệu có giới hạn nào cho hành trình tìm kiếm mục đích của cuộc đời mình hay không? Câu trả lời là không!
Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái: Đây là cách để bạn điều khiển cuộc sống của chính mình - Ảnh 1.
Cuộc sống đến với chúng ta không kèm theo ''hướng dẫn sử dụng'' và cũng không có một chuyên gia nào có đủ thông thái để đưa những lời khuyên chính xác nhất về những chướng ngại vật đang nằm ở phía trước chặng đua đường đời bạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên đi lang thang như một chiếc lá bay vô định trong gió. Bạn cần phải hiểu rằng: Cuộc sống không đem đến mục đích cho chúng ta mà chính chúng ta mới là người tạo nên mục đích cuộc sống.

Vấn đề mà hầu hết chúng ta đang gặp phải đó là chúng ta không chú trọng đến việc cần phải có một mục đích sống. Thông thường, chúng ta thường làm những việc mà chúng ta cảm thấy điều đó là quan trọng và cuộc sống cứ thế trôi. Thậm chí, có rất nhiều người trong chúng ta đang làm việc mỗi ngày nhưng lại không có bất kỳ mục đích cụ thể nào trong cuộc sống. Và như nhà triết gia nổi tiếng người Anh Thomas Carlyle từng viết: ''Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái''. 
Vậy để con tàu cập bến thành công, dưới đây là những cách để bạn điều khiển cuộc sống của chính mình:
1. Xác định mục đích sống
Hành trình tìm kiếm mục đích trong cuộc sống bắt đầu bằng việc nhận ra rằng bạn được sinh ra để giải quyết vấn đề. Một khi bạn hiểu được điều đó, việc tìm kiếm mục đích cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để xác định được những vấn đề, bạn cần phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình khi đối mặt với chúng.
Suy cho cùng, vấn đề chính là cơ hội để ta có thể nắm bắt và phát huy tiềm năng của bản thân. Bất cứ nhà phát minh nổi tiếng nào bạn biết đều từng phải đối mặt với vô vàn vấn đề trong cuộc sống của họ, chính điều này đã thúc đẩy họ tìm ra những nút thắt cho các vấn đề. Trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc và mang lại ánh sáng cho nhân loại, nhà bác học nổi tiếng Edison đã phải trải qua hơn 10.000 lần thất bại. Tuy nhiên, ông không bao giờ gọi đó là thất bại, mà xem đó như những cơ hội để học hỏi. Ông từng nói rằng: "Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình".
Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái: Đây là cách để bạn điều khiển cuộc sống của chính mình - Ảnh 2.
Nếu bạn xem xét một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ nhận ra rằng vấn đề không phải là điều gì quá tồi tệ. Trên thực tế, chúng mang đến cho bạn những cơ hội để khai thác tiềm năng sáng tạo đang ẩn chứa trong con người bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần xác định đâu là vấn đề bạn cần giải quyết trước tiên.
2. Xác định đâu là vấn đề bạn cần giải quyết trước tiên
Để xác định mục đích cuộc sống, vấn đề đặt ra là không ai có thể cho bạn biết câu trả lời. Nói cách khác, bạn cần phải tự tìm ra nó. Và để tìm ra mục đích của chính mình, hãy tự trả lời một vài câu hỏi dưới đây:
- Để có được niềm vui, bạn thích làm điều gì nhất ngay cả khi bạn phải làm không lương?
- Điều gì khiến bạn phấn khích nhất?
- Đam mê của bạn là gì?
- Liệu bạn có thấy hài lòng với bản thân khi bạn lớn lên không?
- Liệu bạn có hài lòng với những điều đang diễn ra trong cuộc sống của mình không? Có điều gì bạn đã bỏ lỡ trong quá khứ hay đang dần đánh mất hay không?
Khi bạn có thể trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ có một tầm nhìn rõ ràng về mục đích sống của chính mình. Và giờ đây, bạn cần sống và làm việc với mục đích đó.
3. Cách tiếp cận cuộc sống khi đã xác định được mục đích sống
Thật đáng buồn khi không ít người đang sống mà không có mục đích, hay nói cách khác họ chỉ đang tồn tại trong thế giới này. Họ giống như những con cừu, xếp thành hàng và làm những điều như người khác đang làm. Vì thế, hành động của họ có thể dễ dàng dự đoán và họ quá sợ phải chấp nhận rủi ro.
Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái: Đây là cách để bạn điều khiển cuộc sống của chính mình - Ảnh 3.
Đó là điều bạn không nên khao khát và theo đuổi. Một khi bạn tìm ra được mục đích sống của mình, hãy ý thức về ý nghĩa của những việc bạn làm. Vì nếu bạn không biết vì sao bạn thực hiện điều đó, có lẽ bạn đang không có mục đích như bao người khác.
Nếu bạn có xu hướng không tuân thủ những kế hoạch trong mục đích sống của mình, hãy viết ra giấy và đặt ở một nơi dễ nhìn để nhắc nhở bản thân tại sao bạn cần phải thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt một giới hạn thích hợp cho bản thân. Bạn không thể ở khắp mọi chỗ và làm mọi thứ mình muốn. Thay vì có vô vàn mục đích, hãy chọn lựa những mục đích quan trọng và cần thiết nhất để thực hiện. Tập trung chính là chìa khóa để bạn đạt được mục đích sống của mình.
Như đã đề cập trước đó, không có một công thức hoặc lý thuyết đã được chứng minh nào có thể giúp bạn tìm thấy mục đích trong cuộc sống. Có những người nhận ra những điều cần làm trong cuộc sống ngày từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cũng có những người mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra mục đích sống như Đại tá Sanders. Vì vậy, hãy tin vào chính mình, và cố gắng tự mình tìm ra mục đích của cuộc sống. Và cũng nên nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để làm lại từ đầu.
Tham khảo Addicted 2 Success

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.