Những thói quen tiêu cực chính là trở ngại lớn nhất trên con đường dẫn đến thành công. Chúng vô tình khiến cho con người ta không thể nhận ra năng lực thật sự của mình.
Tất cả những thói quen, từ tư duy đến ứng xử, đều được hình thành thông qua quá trình học hỏi. Bởi vì con người có thể luyện tập để hình thành một thói quen mới, nên hoàn toàn có thể từ bỏ thói quen này để thay vào một thói quen khác, tích cực và mang tính xây dựng. Thay đổi thói quen giúp bạn nhanh chóng bắt tay vào thực hiện và tập trung hoàn thành mục tiêu. Khi đó, bạn sẽ có khả năng làm việc hiệu quả hơn và dễ dàng thăng tiến hơn trong công việc.
Phát triển thói quen mới, tích cực hơn
Thói quen dù tích cực hay tiêu cực đều được hình thành qua một quá trình thu nạp thông tin mới và sự lặp lại của các hành động dựa trên những thông tin đó cho đến khi trở thành phản xạ tự nhiên. Khi thói quen được thiết lập hoàn chỉnh, nó sẽ trở thành một phần tự nhiên trong con người bạn, tất cả những hành động dựa trên thói quen sẽ hoàn toàn tự động và bạn nghiễm nhiên không cần phải giải thích gì về chúng.
Những thói quen xấu đều xuất phát từ giới hạn chủ quan. Chúng ta thường hay vạch ra những giới hạn cho bản thân, ngay cả khi chúng không thật sự tồn tại. Khi bạn tin rằng mình không thể, bạn sẽ không bao giờ có thể.
Thách thức niềm tin của bản thân
Để trở nên thành công hơn, điều đầu tiên bạn cần làm là kiểm chứng các giả định tiêu cực mà bạn đặt ra cho mình. Những sinh viên bị điểm kém thường cho rằng mình không thông minh. Nhưng rồi, họ sớm nhận ra rằng rất nhiều người thành công trong các ngành công nghiệp khổng lồ cũng đã từng bị điểm kém như vậy.
Nhiều người tự cho rằng bản thân mình không sáng tạo, không có tính kỷ luật, không biết quản lý thời gian, không đúng giờ, hoặc không có khả năng học hỏi hay áp dụng những điều mới, và thế là họ thất bại. Họ tự nhủ: "Tôi là một người như vậy". Họ thực sự nghĩ rằng bản thân họ không bao giờ có thể phát triển và thành công hơn. Do đó, dĩ nhiên là họ không thể thành công.
Hầu hết các niềm tin tiêu cực đều sai lệch. Chúng được hình thành dựa trên những thông tin mà chúng ta thu nạp hằng ngày, có thể từ ý kiến hay những lời chỉ trích của người khác. Đôi khi, chúng đến từ một mẩu tin bói tử vi mà bạn vô tình đọc được đâu đó.
Giới hạn to lớn nhất chính là nỗi sợ thất bại. Con người thường hay lo sợ mất mát, sợ cái nghèo, sợ sai lầm hoặc sợ không đạt được mục tiêu họ tự đặt ra cho chính mình.
Những người mang trong mình nỗi lo thất bại luôn tìm kiếm lý do để trì hoãn tất cả mọi việc, họ chọn chứng minh một ý tưởng tồi thay vì đi tìm một ý tưởng hay, hoặc bị ám ảnh bởi những rủi ro, mất mát về thời gian và tiền bạc. Nỗi lo thất bại, giống như tất cả các nỗi sợ khác, làm tê liệt hành vi, tắc nghẽn ý tưởng, và làm họ cảm thấy hoảng sợ.
Những chú voi bị thuần hóa như thế nào?
Trong các buổi hội thảo của mình, tôi thường đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào để thuần hóa một chú voi Ấn Độ?". Có một thời, voi Ấn Độ được xem là "chiến xa" của các Maharaja. Với binh lính và gậy gộc trên lưng, voi tham gia những trận chiến như những chiến binh thực thụ, tấn công kẻ thù bằng đôi ngà sắc nhọn của mình. Chúng mạnh mẽ và hung hãn, dũng mãnh trong các trận chiến, khiến cho quân địch nhìn thấy phải khiếp sợ và tháo chạy.
Thế nhưng ngày nay, những chiến binh khổng lồ ấy lại trở thành những cánh tay khuân vác đắc lực của con người. Chúng hiền hòa kéo cày trên những cánh đồng, cần mẫn chở gỗ từ rừng, có mặt bất cứ khi nào chủ nhân cần, sau đó quay về chuồng và ngoan ngoãn chờ đợi nhận nhiệm vụ mới vào ngày hôm sau. Tính hung hãn và khả năng tấn công kẻ thù của chúng hoàn toàn biến mất. Chuyện gì đã xảy ra với chúng?
Thực tế, quá trình thuần hóa voi được bắt đầu khi chúng còn nhỏ. Người ta dùng một sợi dây thừng lớn buộc chân voi con vào một chiếc cọc được chôn sâu vào lòng đất. Theo phản xạ, voi con đòi quay trở về với mẹ. Nó kêu la, giãy giụa và đấu tranh để trốn thoát. Nhưng sợi dây thừng quá lớn, chiếc cọc được chôn quá sâu khiến cho tất cả mọi nỗ lực của nó đều trở nên vô ích. Cuối cùng, voi con bỏ cuộc.
Người ta đưa voi con đi và buộc nó vào cọc như vậy nhiều giờ liền mỗi ngày. Sau một thời gian ngắn, voi con chấp nhận việc bị buộc chân vào cọc hằng ngày và thôi nghĩ đến việc trốn thoát. Nó đã được huấn luyện để hình thành kiểu tư duy tệ hại nhất trong thế giới hiện đại của loài người, được các nhà khoa học gọi là "tư duy buông xuôi".
Hầu hết mọi người đều trải qua những điều tương tự như thế khi còn bé. Giống như chú voi con, khi lớn lên, bất cứ khi nào phải đối mặt với những điều mới mẻ, khác biệt, bất ngờ hoặc không chắc, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong ta là "Mình không thể! Mình không thể! Mình không thể!".
Nỗi lo thất bại sẽ khiến bạn ngại thử thách và sợ rủi ro, giống như con voi bị buộc chân, bạn không thể bứt phá. Thay vì tìm cách vươn lên, bạn chỉ nghĩ đến khả năng thất bại và những điều tồi tệ có thể sẽ xảy ra. Đây là lối tư duy thụ động của 80% dân số thế giới.
(Tham khảo "Nói ít lại, làm nhiều hơn" – Brian Tracy, NXB Saigon Books)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.