CEO người Ấn Độ từng kiếm thức ăn trong thùng rác khi đến Mỹ và luôn nỗ lực không ngừng để có được thành công.
Năm 2011, Sharran Srivatsaa từ bỏ công việc trong ngành ngân hàng ở phố Wall để trở thành chủ tịch của công ty môi giới bất động sản Teles Properties, trụ sở tại Beverly Hills. Thời điểm đó, công ty môi giới bất động sản này kiếm được hơn 300 triệu USD/năm. Chỉ trong 5 năm, dưới sự điều hành của Srivatsaa, giá trị công ty tăng lên 3 tỷ USD, gấp 10 lần.
Hiện Sharran Srivatsaa là nhà đầu tư mạo hiểm, cố vấn kinh doanh và là CEO của công ty phần mềm bất động sản nổi tiếng Kingston Lane. Anh có cuộc sống sung túc và đạt được những thành công đáng ngượng mộ. Tuy nhiên trên chương trình "The Empire Show", vị CEO này kể rằng khi mới đến Mỹ ở tuổi thiếu niên, anh từng phải lục lọi thùng rác để kiếm thức ăn.
Doanh nhân Sharran Srivatsaa, CEO công ty môi giới bất động sản Kingston Lane. Ảnh: Sharran.
Dưới đây là 7 bài học mà Srivatsaa đã đúc kết được trên con đường đến thành công.
1. Tập trung và không bỏ cuộc
Tôi nhớ năm 13 tuổi, tôi và cha đã có một cuộc trò chuyện khá căng thẳng. Ông nói: "Ấn Độ có lẽ là một đất nước không phù hợp với con, chúng ta muốn con có một cuốn hộ chiếu ở đất nước khác".
Tôi và bố ngồi trên một băng ghế đối diện sân tennis và quyết định quần vợt sẽ là cơ hội giúp tôi có cuộc sống tốt hơn. Tôi chưa bao giờ chơi bộ môn này và cũng không có năng khiếu thể thao. Nhưng tôi đã tập trung vào việc luyện tập và biến nó thành ưu tiên duy nhất của mình. Tôi đi đến trường và chơi tennis. Cứ như vậy, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu đối với tôi.
Kết quả là tôi đã trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp và có thể đến Mỹ khi tôi nhận được học bổng học tập tại Luther College ở bang Iowa.
Sau khi nhận bằng cử nhân của Luther và bằng MBA của Đại học Vanderbilt, tôi được Goldman Sachs thuê. Tôi đã phải thực hiện 39 cuộc phỏng vấn cá nhân trực tiếp, đồng nghĩa phải gây ấn tượng với 39 nhà tuyển dụng để có được vị trí đó.
Vậy còn bạn? bạn đã thử được bao nhiêu lần trước khi từ bỏ?
2. Hiểu rõ 'lý do' của những mục tiêu bạn đặt ra
Có mục tiêu thôi là chưa đủ, bạn cần một "lý do" có ý nghĩa để đạt được nó. Nếu không có một lý do thuyết phục, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ khi có những tác động bên ngoài.
Cũng giống như trường hợp của tôi, việc chơi quần vợt là một vấn đề lớn trong một gia đình không mấy khá giả như nhà tôi. Và tôi cảm thấy mình có trách nhiệm sâu sắc để thành công, vì bố mẹ đã đầu tư rất nhiều vào tôi. Tôi cảm thấy mình không thể ngủ khi không tập luyện. Trách nhiệm trên vai luôn luôn thúc đẩy tôi.
Sau khi biết "lý do" cho những mục tiêu của mình, bạn có thể nói với huấn luyện viên, cố vấn hoặc người bạn tin tưởng để xin "cao kiến" và sự ủng hộ của họ, vì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho các quyết định của bạn. Hãy ghi nhớ một điều, bạn sẽ không thể tạo ra thay đổi nếu đi một mình.
3. Trách nhiệm hàng ngày chính là chìa khóa
Đạt 3 tỷ USD là một mục tiêu quá lớn, vì vậy chúng tôi đã chia nhỏ nó thành những mục tiêu bán hàng hàng ngày. Không phải là mục tiêu hàng năm, hàng quý hay hàng tháng mà là hàng ngày.
Mục tiêu của chúng tôi là cần kiếm được 8,3 triệu USD mỗi ngày, và chúng tôi đã bắt đầu với mức 5 triệu USD để sau đó tăng dần lên. Nếu một ngày chỉ kiếm được 3 triệu USD, chúng tôi sẽ phải kiếm được 7 triệu USD vào ngày tiếp theo.
Việc chia nhỏ để đạt mục tiêu sẽ giúp cho chúng tôi biết cách tập trung hơn. Bên cạnh đó, con số này nghe có vẻ cao nhưng thứ mà chúng tôi bán là các tài sản xa xỉ khắp California. Vì vậy, các bạn hãy điều chỉnh mục tiêu của mình cho phù hợp.
4. Sự vĩ đại bắt nguồn từ những điều tầm thường
Bạn có thể là một CEO thành công với một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, nhưng bạn vẫn nên biết những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp của mình mọi lúc. Jeff Bezos luôn biết chính xác những gì diễn ra tại Amazon. Bezos có thể không phải là người thực hiện các chi tiết hàng ngày, nhưng ông biết và hiểu tất cả kết quả.
Bán hàng là nguồn sống của một doanh nghiệp, tuy nhiên một số CEO thậm chí không thể nói được doanh số của họ. Đừng bao giờ bỏ qua kết nối giữa các con số. Khi bạn nắm bắt được mạch đập của công việc kinh doanh và biết chuỗi giá trị của mình, bạn có thể tạo ra các ý tưởng và biết nơi nào để "cài đặt" nó một cách hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của mình. Trước khi muốn đạt được những điều vĩ đại, bạn cần hiểu được những điều dù là nhỏ bé trước.
5. Tập trung vào những tín hiệu thực tế
Sau khi phát triển Teles, chúng tôi đã bán nó cho Douglas Elliman. Có hai yếu tố để nhận được ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn. Đầu tiên, xác định rằng doanh nghiệp của bạn có thể làm cho người mua thích thú. Hãy nhớ, đừng tập trung vào việc bạn tuyệt vời như thế nào mà hãy truyền đạt việc doanh nghiệp của bạn sẽ làm được gì cho họ. Tìm hiểu xem họ là ai, họ đại diện cho điều gì và tại sao việc mua hàng của bạn sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Tiếp theo, đưa ra những dấu hiệu để người mua thấy rằng bạn không cần bán ngay. Đừng gây cho họ áp lực về thời gian, để họ có thể dùng lý trí để suy nghĩ viễn cảnh trong tương lai. Với những dấu hiệu thực tế đó, bạn hoàn toàn có thể kiếm được những điều khoản ưu đãi hơn trong các phi vụ thương lượng.
6. Thói quen tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt
Hãy để tâm trí của bạn quen với những thói quen nhỏ. Tôi đã được trao cho một bộ headset (tai nghe kết hợp với microphone) vào ngày đầu tiên làm việc tại Goldman Sachs. Tôi chưa thực hiện cuộc gọi nào nhưng người quản lý đã yêu cầu tôi bật nó lên để quen với việc nó như một phần của cơ thể.
Tôi từng nghĩ anh ấy bị điên. Nhưng hôm nay, tôi bước vào văn phòng của mình, mở máy tính xách tay và đeo headset. Nó tượng trưng cho sự nghiêm túc khiến tôi tập trung và quyết đoán hơn. Vợ tôi nói đùa rằng một khi tôi bỏ nó ra, tôi thậm chí không biết làm sao để đặt được một nhà hàng ăn tối!
Nếu bạn không nhận được kết quả nào từ những việc mình làm, hãy thử thay đổi thói quen của bạn. Điều chỉnh một số thứ bạn làm thường xuyên ngay cả khi thói quen chỉ là dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng mỗi tối chẳng hạn. Nhưng lợi ích cộng gộp của những thành tựu hàng ngày này sẽ giúp bạn có thể chinh phục bất cứ điều gì trong cuộc sống.
7. Hãy biết ơn
Khi tôi đến trường đại học ở Mỹ, bố mẹ tôi đã cho tôi một tấm séc quốc tế. Nhưng khi tôi muốn thanh toán bằng tiền mặt, tôi được thông báo rằng sẽ mất hai tuần để hoàn thành việc hủy bỏ séc. Chỉ có một vấn đề là: tôi sẽ phải ăn gì trong khoảng thời gian không có tiền mặt trong tay này?
Tôi chỉ còn một ít tiền đủ để ăn pizza trong khuôn viên trường mà tôi tìm thấy, nhưng có vài ngày tôi vẫn bị đói. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy ai đó ném một bữa ăn chưa được xử lý hết vào thùng rác và nhận ra rằng nhiều người khác cũng làm như vậy. Trong hai tuần liên tiếp, tôi đã ăn rất nhiều những thứ được lấy ra trong các thùng rác đó.
Dù nhiều người có thể không thích, nhưng tôi đã rất biết ơn những thực phẩm này. Tôi đã không nói với gia đình về điều đó vì biết họ đã hy sinh để tôi có một cuộc sống tốt hơn và không muốn ai phải phiền lòng vì tôi nữa. Sống với lòng biết ơn, tôi thấy cuộc sống trở nên dễ dàng và đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Viết nhật ký hàng ngày cũng là một nghi thức thể hiện lòng biết ơn của tôi. Tôi thường nói với các CEO mà tôi cố vấn rằng nỗi sợ hãi không bao giờ xuất hiện trên giấy. Khi bạn không vui hoặc bị mắc kẹt điều gì đó trong đầu, hãy viết mọi thứ ra giấy và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.
Cuối cùng, hãy rèn luyện lại bộ não của bạn một cách tốt nhất, có thể là thiền, tập thể dục hay bất kỳ một hoạt động nào khác. Làm điều đó đầu tiên vào buổi sáng hoặc cuối ngày và xem bản thân tiến gần hơn đến mục tiêu của bạn như thế nào.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.